Theo thống kê được cập nhật đến ngày 22/8 của AFP, số ca tử vong đã tăng gấp đôi tính từ ngày 6/6, với 100.000 ca trong số đó được ghi nhận chỉ trong 17 ngày qua. Toàn cầu đã có hơn 23 triệu người nhiễm virus.
Tây Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha, Italy, Đức và Pháp, chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh trở lại sau nhiều tháng, gây ra nỗi sợ về làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Người tử vong trong đại dịch tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP. |
Tại châu Á, Hàn Quốc, nơi đã cơ bản khống chế được virus, trở thành nước mới nhất tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát để khống chế đợt bùng phát dịch mới.
Mỹ Latin là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất, trong khi bốn nước Mỹ, Brazil, Mexico và Ấn Độ chiếm hơn một nửa số ca tử vong toàn cầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 21/8 nói thế giới có lẽ sẽ khống chế được đại dịch trong vòng chưa tới 2 năm. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus so sánh với dịch cúm Tây Ban Nha năm 1818 khiến 50 triệu người thiệt mạng.
"Chúng ta có bất lợi từ sự toàn cầu hóa, gắn kết với nhau nhưng có thuận lợi nhờ công nghệ tiên tiến hơn, nên chúng ta hy vọng dịch bệnh sẽ kết thúc trong vòng chưa tới 2 năm", ông nói.
"Bằng cách tận dụng tối đa các công cụ sẵn có và hy vọng rằng chúng ta sẽ có những công cụ khác như vaccine, tôi nghĩ chúng ta có thể chấm dứt dịch bệnh trong thời gian ngắn hơn so với dịch cúm năm 1918".
Hàn Quốc đã tăng cường các biện pháp kiểm soát hôm 22/8 sau khi ghi nhận 332 ca nhiễm mới trong 24 giờ, mức cao nhất từ đầu tháng 3.
Italy, nước từng là tâm dịch châu Âu và thế giới, hôm 22/8 báo cáo hơn 1.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ, cao nhất từ khi kết thúc phong tỏa hồi tháng 5. Câu chuyện tương tự được ghi nhận ở Tây Ban Nha, Đức và Pháp.