Brandon Dalaly đã cấy con chip VivoKey Apex, có khả năng mở khóa chiếc ôtô Tesla của anh vào người. Giờ đây, người đàn ông này đã có thể mở khóa xe bằng chính cơ thể của mình thay vì bằng chìa khóa.
Ngày 17/8, Dalaly đã đăng tải video quay lại cảnh người thợ cấy vi mạch vào người mình. “Cuối cùng tôi cũng đã giải quyết chiếc chìa khóa bằng chính đôi tay của mình. Sự thật là tôi đã cấy chìa khóa xe Tesla vào tay”, anh chia sẻ.
Brandon Dalaly cảm thấy cấy chip vào người rất tiện vì không cần dùng Bluetooth hay chìa khóa để mở xe. Ảnh: Brandon Dalaly. |
Theo Business Insider, con chip của Dalaly được trang bị khả năng thanh toán không tiếp xúc và bọc bên ngoài bởi vật liệu sinh học, tương thích với da người. VivoKey Apex sử dụng công nghệ tương tự NFC có trên Apple Pay.
Một người dùng đã hỏi Dalaly về lý do của việc cấy vi mạch này vào người trong khi có thể mang theo smartphone bên người để mở khóa xe.
“Với tôi, làm như thế rất tiện vì kết nối Bluetooth trên điện thoại tôi rất chập chờn, nhiều lúc không thể mở khóa xe”, anh nói. Trong những trường hợp như thế, một vi mạch chứa chìa khóa xe trong tay rất hữu ích.
Chia sẻ với Teslarati, Dalaly cho biết anh còn tham gia một hội nhóm chuyên thử nghiệm cấy các sản phẩm điều khiển vào người, không chỉ riêng ôtô Tesla.
Trong đó, quy trình cấy chìa khóa Tesla vào tay của anh mất khoảng 400 USD và được thực hiện bởi công ty công nghệ sinh học VivoKey. Công ty này có hẳn một kho ứng dụng riêng để người dùng có thể cài đặt các app tương thích với vi mạch trong người. Một trong số đó là app chìa khóa xe Tesla.
“Giờ đây, tôi có thể sử dụng này thay thế chìa khóa xe mỗi khi Bluetooth không hoạt động hoặc quên mang theo bên mình. Chỉ cần dùng tay là đủ”, Dalaly chia sẻ.
Đây không phải là lần đầu tiên người đàn ông này cấy chip vào người.
Khi đưa qua máy quét, ánh sáng xanh từ con chip xuất hiện. Ảnh: Brandon Dalaly. |
Trước đó, anh đã cấy chìa khóa nhà và lưu trữ danh thiếp, thông tin y tế và nhiều dữ liệu khác. Vi mạch này có kích thước bằng một hạt gạo, được chèn dưới da, nhận dạng bằng tần số của sóng vô tuyến (RFID).
Mọi thiết bị di động đều có thể quét và đọc thông tin trên con chip của Dalaly. Chỉ cần đặt tay vào thiết bị quét, một ánh sáng xanh lục nhấp nháy dưới da và máy sẽ hiển thị chi tiết thông tin anh cần.
“Tôi định cấy chìa khóa nhà bên tay trái và chìa khóa xe bên tay phải”, người đàn ông chia sẻ. Điều thú vị là khi mong ước đã thành sự thật, anh thậm chí còn có thể kích hoạt con chip mới để thực hiện các giao dịch trên thẻ tín dụng của mình.
Dalaly cho biết cấy chip vào người rất đau. Ảnh: Brandon Dalaly. |
Theo Dalaly, mọi người không cần quá lo lắng về việc bị theo dõi nếu có chip trong người. Trên thực tế, các vi mạch này không thể theo đuôi con người vì thông thường để theo dõi cần phải có nguồn điện ngoài để tiếp năng lượng.
Nói với Teslarati, anh cho biết khi cấy con chip đầu tiên vào người, cảm giác rất nhẹ nhàng vì nó có kích thước nhỏ. Nó được đặt trong một ống tiêm và tiêm vào người. Vị trí cấy lúc đó chỉ sưng và đau trong khoảng một tháng. Nhưng vi mạch thứ hai chứa chìa khóa Tesla đau đến mức Dalaly phải dùng thuốc gây mê và khâu 4 mũi ở tay.