Sau khi đưa ra các chính sách nới lỏng nhằm hỗ trợ người dân đi lại, ổn định cuộc sống, số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại nhiều địa phương đang có chiều hướng gia tăng. Dù công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam được thực hiện khá tốt, sự chênh lệch về mức độ bao phủ giữa các địa phương vẫn đem lại nhiều lo ngại.
Số ca nhiễm tăng, các địa phương nâng cấp độ dịch
Trong 6 ngày gần nhất, thủ đô Hà Nội đều ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới sau 24 giờ trên ngưỡng 100 người. Tình trạng gia tăng F0 bắt đầu từ cuối tháng 10, khi các chính sách nới lỏng được thực hiện. Ngày cao nhất, thành phố phát hiện tới 222 ca nhiễm mới (9/11).
Các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được Hà Nội ghi nhận tại nhiều ổ dịch khác rải rác khắp địa bàn thành phố. Tiêu biểu là ổ dịch tại Bạch Trữ, Tiến Thắng với 233 ca nhiễm hay chợ Ninh Hiệp ghi nhận 226 trường hợp.
Số ca nhiễm nCoV theo ngày tại Hà Nội. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội. |
Theo Bản đồ Thông tin Dịch tễ Covid-19 của Hà Nội, thành phố xác định 5 quận, huyện có nguy cơ rất cao gồm Quốc Oai, Hà Đông, Gia Lâm, Mê Linh và Ba Đình.
Hà Nội đã tiêm tổng cộng 11.040.124 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Tỷ lệ người dân trên 18 tại Hà Nội được tiêm một liều vaccine là 98,65%, mũi 2 là 79,42%.
Tại TP.HCM, sáng 13/11 vừa qua, lãnh đạo sở y tế cho biết qua phân tích biểu đồ ca bệnh Covid-19, số F0 tại Bình Chánh đang có chiều hướng tăng và đi ngang trong thời gian gần đây. Ngược lại, số ca nhiễm ở Hóc Môn đã có giai đoạn đạt đỉnh và xuất hiện tín hiệu đi xuống.
Trong khi đó, Bình Tân và Gò Vấp vẫn ở mức cao và nằm ngang. Một số địa phương có số ca mắc không cao nhưng đang có xu hướng tăng là quận 10 và Nhà Bè.
Trước tình hình này, ngành y tế của TP.HCM đã đưa ra một số giải pháp can thiệp như thành lập Đội đặc nhiệm kiểm dịch cùng Tổ chuyên trách điều phối trạm y tế lưu động, phát tời rơi dành cho F0 cách ly tại nhà, kích hoạt mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành"...
TP.HCM vẫn là địa phương thực hiện được nhiều mũi tiêm vaccine Covid-19 nhất cả nước với 13.792.746 liều. Thành phố hiện đạt 109,04% người trên 18 tuổi đã tiêm một mũi và 82,29% với mũi 2.
Tỉnh An Giang trong một tuần vừa qua cũng ghi nhận số ca nhiễm nCoV trung bình khoảng 500-700 trường hợp/ngày. Riêng trong ngày 13/11, toàn tỉnh ghi nhận 695 người dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, huyện Châu Phú chiếm tỷ lệ cao nhất với 194 ca nhiễm mới.
Số ca nhiễm nCoV tại An Giang trong thời gian gần đây. Ảnh: Sở Y tế An Giang. |
2.039.717 liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm cho người dân tại An Giang. Tỷ lệ bao phủ mũi một của địa phương này là 89,97%, mũi 2 là 50,01%.
Tại Kiên Giang, bình quân tỉnh này ghi nhận khoảng 400 trường hợp dương tính với nCoV trong một tuần qua. Số ca cộng đồng chiếm khoảng hơn 20%.
Trong lần cập nhật gần nhất, tỉnh Kiên Giang được đánh giá ở cấp độ 2 với nguy cơ trung bình. Tuy nhiên, địa phương này đang có 3 huyện, 15 xã ở nguy cơ cao (cấp độ 3) và một xã nguy cơ rất cao (cấp 4).
Tỉnh đã tiêm được tổng cộng 1.894.618 mũi vaccine Covid-19 cho người dân trên địa bàn, đạt tỷ lệ mũi một là 97,59% và mũi 2 là 54,18%.
Tại Bạc Liêu, hơn 1.000 ca nhiễm nCoV đã được phát hiện chỉ trong vòng 4 ngày (từ ngày 8 đến 12/11). Riêng trong ngày 13/11, địa phương này ghi nhận 273 trường hợp dương tính với 118 ca cộng đồng.
Số ca mắc Covid-19 tại các địa phương thuộc khu vực Tây Nam Bộ trong ngày 13/11 | ||||||||||||||
Nguồn: Sở Y tế | ||||||||||||||
Nhãn | Long An | An Giang | Tiền Giang | Kiên Giang | Đồng Tháp | Sóc Trăng | Vĩnh Long | Cà Mau | Bạc Liêu | Cần Thơ | Hậu Giang | Trà Vinh | Bến Tre | |
Số ca mắc Covid-19 trong ngày | ca | 79 | 547 | 356 | 181 | 459 | 296 | 292 | 271 | 188 | 81 | 67 | 120 | 99 |
UBND tỉnh Bạc Liêu đánh giá tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn là rất phức tạp, số ca nhiễm mới nhiều, trường hợp lây trong cộng đồng lớn và hầu hết địa phương đã phát hiện ổ dịch. Do đó, tỉnh đã có văn bản yêu cầu tăng cường thực hiện phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Bạc Liêu đến nay đã tiêm được tổng cộng 895.784 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Tỷ lệ người trên 18 tuổi của tỉnh được tiêm một mũi vaccine đạt 81,41% và 51,24% với mũi 2.
Thành phố Cần Thơ trong thời gian qua cũng ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao với nhiều ngày lên tới gần 600 trường hợp. Thành phố chủ trương đẩy mạnh công tác tiêm chủng theo số liều được phân bổ, đồng thời tập trung lực lượng truy vết, khoanh vùng và xét nghiệm để phát hiện kịp thời F0 trong cộng đồng.
Cần Thơ đã tiêm được tổng cộng 1.253.996 liều vaccine Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Qua đó, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi của thành phố được tiêm ít nhất một mũi vaccine đã đạt 95,7%.
Trong đánh giá gần nhất tới 6h ngày 13/11, tỉnh Phú Thọ hiện ở cấp độ 2 về nguy cơ dịch Covid-19 với số ca cộng đồng xấp xỉ 6,71/100.000 dân/tuần và 83,5% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Tuy nhiên, địa phương này hiện có một xã đang ở cấp độ 4 là Thục Luyện (Thanh Sơn) và tới 6 xã cấp độ 3 (Chân Mộng - Đoan Hùng; Thị trấn Thanh Sơn; Sơn Hùng - Thanh Sơn; Văn Luông - Tân Sơn; Ngọc Đồng - Yên Lập và Xuân Lộc - Thanh Thủy).
Trong ngày 13/11, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận thêm 223 ca nhiễm nCoV. Đồng thời, địa phương này cũng thiết lập vùng cách ly y tế đối với 11 khu vực trên địa bàn do nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bà Rịa - Vũng Tàu, thực trạng số ca mắc mới ngoài cộng đồng có chiều hướng tăng cao thời gian qua đã phản ánh thực tế dịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất phức tạp và xâm nhập sâu bên trong.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiêm được tổng cộng 1.409.934 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Tỷ lệ tiêm mũi một của tỉnh đã đạt 105,81%, mũi 2 là 52,39%.
Ít nhất khoảng 64 triệu người Việt đã được tiêm một hoặc 2 liều vaccine
Trong bối cảnh Việt Nam chủ trương sống chung an toàn với SARS-CoV-2, vaccine được coi là ưu tiên hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các tỉnh.
Trong ngày 12/11, Việt Nam có thêm 1.467.716 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vacicne đã được tiêm là 97.831.758 liều, trong đó tiêm một mũi là 64.073.710 liều, tiêm mũi 2 là 33.758.048 liều.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Việt Nam đã có một số ngày tiêm vượt mốc 2 triệu mũi vaccine trong vòng 24 giờ. Từ đầu tháng 11, số lượng mũi vaccine được tiêm luôn đạt mốc trên một triệu mũi/ngày.
10 địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất (dựa trên số mũi tiêm/số vaccine được phân bổ) theo thứ tự là: Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Nghệ An, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đồng Nai và TP.HCM.
10 địa phương có tỷ lệ tiêm thấp nhất (dựa trên số mũi tiêm/số vaccine được phân bổ) lần lượt là: Sóc Trăng, Cần Thơ, Gia Lai, Kon Tum, An Giang, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Bình, Vĩnh Long và Bắc Kạn.
Tại dự thảo Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023 được đưa ra mới đây, Chính phủ nêu rõ quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong bối cảnh đại dịch có khả năng còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Dự thảo đặt ra 6 mục tiêu, một trong số đó nêu rõ trước ngày 31/12, trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng đủ mũi vaccine phòng Covid-19 và phấn đấu 80% dân số từ 12 tuổi đến 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Học sinh trong độ tuổi 12-17 tại TP.HCM được tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngoài ra, từ đầu năm 2022, trên 95% dân số từ 12 tuổi trở lên sẽ được tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và tiêm tăng cường.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược chống dịch, Chính phủ dự kiến đưa ra 12 giải pháp trong chiến lược phòng, chống dịch bệnh từ nay tới năm 2023.
Trong đó, triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 quốc gia đảm bảo tăng độ bao phủ vaccine theo nguyên tắc ưu tiên nhóm người có nguy cơ cao, rủi ro; Tổ chức tiêm chủng cho trẻ em, tiêm tăng cường; Thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 toàn dân, miễn phí và xã hội hóa tiêm chủng vào thời điểm thích hợp.