Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sở GTVT giải đáp thắc mắc về BOT An Sương - An Lạc

Hàng loạt vấn đề liên quan đến tính pháp lý và thời gian thu phí tại trạm BOT An Sương - An Lạc được Sở GTVT TP.HCM giải đáp.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM ngày 26/1 có văn bản gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông cùng UBND quận Bình Tân, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, liên quan đến dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM).

Đầy đủ tính pháp lý

Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2000 theo hình thức BOT.

Dự án có quy mô chiều dài toàn tuyến là 13.681 m, mặt cắt ngang 36,2 m (gồm 6 làn xe cơ giới rộng 3,5 m, 2 làn xe thô sơ rộng 2,8 m, dải phân cách 1,6 m, vỉa hè 4 m/bên), tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỷ đồng. Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2004, bắt đầu thu phí hoàn vốn qua trạm BOT An Sương - An Lạc (trạm chính) và 5 trạm phụ từ ngày 2/1/005, với thời gian thu phí 145 tháng.

Năm 2010, dự án này được Bộ GTVT chuyển giao cho UBND TP.HCM quản lý. Theo Sở GTVT TP, tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư bổ sung 2 cầu vượt tại nút giao tỉnh lộ 10 - quốc lộ 1 và tỉnh lộ 10B - quốc lộ 1 vào dự án BOT An Sương - An Lạc.

BOT An Suong - An Lac anh 1
Nhiều thắc mắc liên quan đến trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc đã được cơ quan chức năng giải đáp.

Năm 2017, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc UBND TP.HCM quyết định theo thẩm quyền việc điều chỉnh, bổ sung hạng mục công trình cầu vượt tại nút giao Hương lộ 2 - Tây Lân - quốc lộ 1 và nút giao Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thị Tú - quốc lộ 1 (Gò Mây) vào dự án BOT An Sương - An Lạc. Vì vậy, việc bổ sung các hạng mục công trình vào dự án là đầy đủ tính pháp lý.

Các vấn đề được giải trình

Giải thích cụ thể hơn trước một số ý kiến cho rằng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc đã hết thời hạn thu phí từ tháng 1/2017, Sở GTVT TP.HCM khẳng định ý kiến trên chưa chính xác. Lý do là trong kết luận thanh tra về hợp đồng dự án BOT An Sương - An Lạc đã ghi nhận thời gian thu phí theo hợp đồng ký với Bộ GTVT là 145 tháng cùng phụ lục hợp đồng ký với UBND TP.HCM từ năm 2010 tới nay là đến hết tháng 1/2033.

Còn trước việc nhiều người cho rằng xe không đi trên cầu vượt nên không phải trả tiền, theo Sở GTVT thì việc đầu tư, quản lý, khai thác các cầu vượt bổ sung gắn liền trong tổng thể của dự án BOT An Sương - An Lạc với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông.

"Khi xây dựng xong cầu vượt thì không còn tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao, các phương tiện lưu thông được thuận lợi, an toàn, thông suốt qua nút giao. Đó là hiệu quả xây dựng cầu vượt mang lại cho các phương tiện lưu thông qua nút giao nên cần phải trả phí dù đi trên cầu vượt hay đi dưới mặt đường bên cạnh cầu", theo Sở GTVT TP.HCM.

Sở GTVT cũng cho biết khi quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc được mở rộng, lượng xe liên tục gia tăng, gây áp lực giao thông rất lớn. Do đó, việc đầu tư xây dựng các cầu vượt là cấp thiết, không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao mà giảm ô nhiễm môi trường, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, cầu vượt nút giao nằm trong cùng mặt bằng dự án BOT An Sương - An lạc do nhà đầu tư quản lý, khai thác nên nếu tách riêng để thu phí thì phải giải phóng mặt bằng và đặt thêm trạm thu phí, dẫn đến thu phí 2 lần, làm chi phí đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp.

Do đó, việc bổ sung cầu vượt nút giao vào dự án, thu phí hoàn vốn tại trạm thu phí đã xây dựng là phương án khả thi nên UBND TP.HCM đã báo cáo và đã được Thủ tướng chấp thuận đầu tư bổ sung các cầu vượt vào dự án BOT An Sương - An Lạc.

Cũng theo Sở GTVT TP.HCM, dự án có sự chênh lệch về chi phí đầu tư là bị tác động bởi nhiều yếu tố như thời điểm phê duyệt khác nhau nên có sự trượt giá công trình (tính từ năm 2003 đến 2011, trượt giá xây dựng khoảng 300%); công trình đầu tư bổ sung chủ yếu là công trình cầu, suất đầu tư cao hơn so với công trình đường.

Riêng vấn đề một số ý kiến cho rằng việc thu phí đến năm 2033 là quá lâu, Sở GTVT khẳng định thời gian thu phí được xác định trong phương án tài chính kèm theo hợp đồng, tính toán dựa trên nhiều thông số như chi phí đầu tư, doanh thu thu phí, lãi vay, chi phí bảo trì…

Thời gian thu phí thực tế sẽ được điều chỉnh căn cứ giá trị quyết toán công trình của dự án BOT An Sương - An Lạc và doanh thu thu phí thực tế, lãi vay, chi phí bảo trì công trình,… được kiểm toán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Về thông tin cho rằng dự án ban đầu đầu tư theo hình thức BT, sau đó đổi sang BOT, Sở GTVT khẳng định là không chính xác bởi trong các văn bản pháp lý liên quan, dự án không đề cập hình thức đầu tư là hợp đồng BT.

Tài xế dừng ôtô hơn 4 giờ phản đối thu phí ở BOT An Sương - An Lạc

Tài xế tiếp tục dừng ôtô hơn 4 giờ tại trạm BOT An Sương - An Lạc, quận Bình Tân (TP.HCM), phản đối thu phí khiến quốc lộ 1 bị kẹt xe kéo dài cả hai hướng.

https://nld.com.vn/thoi-su/giai-dap-nhieu-thac-mac-ve-bot-an-suong-an-lac-20190126231251539.htm?fbclid=IwAR2hrgbvos1KaQU5fiwRfydHvNz0tPUVtFMabvb1m-SNCL6WurO_gscbZ-o

Theo Gia Minh/Người lao động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm