Sáng 27/12, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc về phương án thí điểm, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành các bến, điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn Hà Nội. Phó giám đốc Sở GTVT Ngô Mạnh Tuấn khẳng định từ đầu năm tới, thành phố sẽ thí điểm thu phí trông giữ xe bằng phương pháp tự động ở quận Hoàn Kiếm.
Hiện, tất cả bến, điểm đỗ xe nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng, đều áp dụng phương pháp quản lý và thu phí thủ công, gây khó khăn, chi phí quản lý lớn và thất thoát.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội. Ảnh: Văn Chương. |
Cũng theo vị này, Sở GTVT đã cấp cho 8 đơn vị trông giữ xe trên địa bàn quận với tổng diện tích hơn 12.000 m2. Đến đầu năm 2017, Sở không tiếp tục cấp phép thêm.
Ông Tuấn khẳng định: “Từ 1/7/2017, Sở GTVT sẽ đồng bộ thực hiện công nghệ quản lý, thu phí gửi xe bằng phương pháp thông minh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm”.
Cũng theo ông, đầu tư theo hình thức BOT là hợp lý nhất. Mô hình này được nghiên cứu học tập từ Singapore và Philippines. Do thời gian thu hồi vốn dài, Sở đề nghị UBND Hà Nội cho phép sử dụng lòng đường với thời gian từ 5 năm trở lên.
Cũng tại buổi làm việc, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc Hà Nội thí điểm trông giữ xe dưới lòng đường. Không ít người khẳng định việc giữ xe dưới lòng đường không hợp lý, bởi đường phố Hà Nội vốn nhỏ và thường xuyên ùn tắc giao thông. Việc cấp phép hàng loạt bãi đỗ xe dưới lòng đường sẽ gây ùn tắc cục bộ ở trên những tuyến phố quận Hoàn Kiếm.
Lãnh đạo Sở GTVT giải thích Sở chỉ có quyền cấp phép cho các công ty xây dựng bãi gửi xe tự động ở dưới lòng đường. Việc cấp phép trên vỉa hè thuộc thẩm quyền của UBND các quận.
Đại diện Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại phải đi học Philippines để áp dụng công nghệ… trông giữ xe mà không phải là các nước tiên tiến khác như Thái Lan, Trung Quốc...".
Theo vị này, Hà Nội cũng nên học tập ngay các thành phố như TP.HCM, Đà Nẵng xem họ đã áp dụng phương pháp gì, có hiệu quả hay không. Bên cạnh đó, việc xây dựng các điểm trông giữ xe thông minh, đơn vị nào sẽ giám sát để chống “thất thoát”.