Chiều 9/2, Ban chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896) đã họp đánh giá kết quả triển khai đề án và nhiệm vụ năm 2017.
Không thiếu vốn, chỉ vướng thủ tục
Báo cáo của Bộ Công an cho biết từ ngày 1/1/2016 đến nay, Bộ Công an đã cấp được 5,5 triệu căn cước công dân/số định danh cá nhân. Tuy nhiên, việc cấp số định danh cá nhân đang có những tồn tại, vướng mắc trên thực tiễn do chưa được triển khai đồng bộ trên toàn quốc.
Cụ thể, hệ thống cấp căn cước công dân của Bộ Công an mới được tổ chức triển khai trên 16 tỉnh, TP và hệ thống đăng ký khai sinh điện tử của Bộ Tư pháp mới thực hiện trên 12 tỉnh, TP.
“Đề nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân để mở rộng phạm vi triển khai đồng bộ trên cả nước” - đại diện Bộ Công an kiến nghị, đồng thời cho biết việc triển khai đề án hiện không thiếu vốn mà đang vướng về thủ tục hành chính.
Liên quan nội dung này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu trong năm 2017 Bộ Công an và Bộ Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện, mở rộng số lượng địa phương được triển khai cấp số định danh cá nhân, bảo đảm các thông tin của công dân được thu thập chính xác, số định danh cá nhân được cấp theo một quy trình khoa học và đúng quy định.
Người dân làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại TP.HCM. |
Có chuyện chạy số đẹp hay không?
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam lo ngại thực tế có việc mua biển số xe đẹp… thì cũng có thể xuất hiện tình trạng chạy số định danh cá nhân đẹp cho bản thân. Ông Nam cũng lo ngại nếu tương lai có việc tách -nhập địa giới hành chính các tỉnh thì có ảnh hưởng tới việc cấp mã số định danh cá nhân hay không...
“Số định danh cá nhân cấp ngẫu nhiên, không thể chạy được, cũng không thể cấp trùng nhau được” - ông Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, khẳng định.
Giải thích về quy trình cấp số định danh cá nhân, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) Trần Hồng Phú cho biết sau khi công dân sinh ra, thông tin cơ bản của công dân đó được thu thập về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lúc đó hệ thống sẽ tự động tiếp nhận thông tin và sinh ra số định danh cá nhân theo cấu trúc và trình tự đã được quy định cụ thể. Thông tin dữ liệu về đến đâu, hệ thống tự động sinh số ra tới đó. Việc sinh ra số định danh cá nhân hoàn toàn ngẫu nhiên, sáu số đầu là mặc định gắn với mã vùng, mã quốc gia, giới tính, năm sinh; sáu số sau là ngẫu nhiên tự động, hệ thống không thể có sự can thiệp của các cán bộ quản lý.
“Đề nghị không có việc giữ lại mã sau đó cấp, như vậy không có tình trạng 'chạy', còn nếu giữ lại thì chắc chắn sẽ có 'chạy'” - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu.
1.900 thủ tục hành chính (số tròn) có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết thủ tục hành chính. Các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1.126 thủ tục, trong đó đáng lưu ý đã đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 34 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 22 giấy tờ công dân.