Nhiều đơn hàng "đi chợ hộ" của người dân bị cung ứng chậm là vấn đề được báo chí phản ánh tại họp báo chiều 28/8. Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương thừa nhận việc đi chợ hộ hiện nay có tình trạng ùn ứ.
Ông chia sẻ đây là công việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, nhiều người thực hiện chưa có kinh nghiệm nên chắc chắn bước đầu sẽ gặp khó khăn.
"Chắc chắc thời gian tới khó khăn sẽ tăng khi lượng dự trữ lương thực, thực phẩm của người dân giảm xuống và dân tăng cường mua sắm", ông Phương nhận định.
Không khai thác ứng dụng công nghệ là lãng phí
Đại diện Sở Công Thương nhận định các ứng dụng của doanh nghiệp vận chuyển công nghệ hoặc doanh nghiệp thương mại điện tử có năng lực chuyên môn, nền tảng có thể khai thác rất tốt.
"Ví dụ, Grab có ứng dụng (app) được nhiều người dân sử dụng quen thuộc. Trước đây, người dân thành phố đã có thể đặt thức ăn qua app này nên nếu không khai thác là một sự lãng phí. Đây là cách giảm áp lực cho lực lượng chức năng đang thực hiện cung ứng hàng hóa", ông Phương phân tích.
Ông cho biết sở đã nhận thêm nhiều đề xuất tham gia cung ứng hàng hóa từ Tiki cùng một số doanh nghiệp.
Sở Công Thương TP.HCM vừa đưa ra đề xuất cho 25.000 shipper hoạt động trong thời gian giãn cách. Ảnh: Chí Hùng. |
Sở Công Thương TP.HCM vừa có đề xuất cho phép 25.000 shipper vào hoạt động. Các cơ quan tham mưu đang thảo luận và chưa có câu trả lời chính thức từ lãnh đạo thành phố.
Nói về lý do đưa ra đề xuất này, lãnh đạo Sở Công Thương phân tích đội ngũ shipper chuyên nghiệp sử dụng ứng dụng công nghệ có năng lực trong điều phối, tiếp nhận thông tin và giao, nhận hàng hóa...
Đội ngũ này thời gian qua đã được tiêm vaccine và có các ứng dụng (app) để quản lý, theo dõi lộ trình nên việc giám sát sẽ đơn giản, thuận lợi hơn rất nhiều. Họ có nhiệm vụ và được hướng dẫn cách giao nhận hàng hóa để phòng chống dịch, đặc biệt là thông thạo đường sá.
"Nếu tận dụng được đội ngũ shipper sẽ giảm tải nhiều cho cơ quan đang thực hiện nhiệm vụ này. Đó là cơ sở để Sở Công Thương tham mưu", ông Phương lý giải.
Điểm cung ứng phân bổ chưa phù hợp
Ông Phương cho biết hiện một số địa phương có cách thức tính toán, phân bổ hàng hóa giữa các điểm cung ứng chưa phù hợp.
Ví dụ, một số siêu thị có năng lực rất lớn nhưng chỉ cung ứng hàng hóa cho 1-2 phường nên rất lãng phí, không khai thác hết nguồn lực. Do đó, Sở phải rà soát, tính toán và sẽ phân bổ lại.
Bên cạnh đó, trước đây, toàn bộ người dân tự đi chợ, mua sắm thì tới nay nhân viên siêu thị đang thay cho người dân. Do nhiều nhân viên phải giãn cách ở nhà nên chỉ có một số ít người thực hiện đi chợ hộ. Do đó, tình hình sẽ rất khó khăn khi siêu thị nhận nhiều đơn hàng với các mặt hàng quá chi tiết.
Việc lựa chọn từng mặt hàng, từng gói sản phẩm rất khó khăn nên thành phố sẽ phải tính lại. Nếu số đơn hàng quá cao thì bắt buộc phải tính đến phương án chỉ thực hiện cung ứng combo hàng hóa với những món hàng thực sự thiết yếu cho đời sống.
"Mong người dân đồng lòng ủng hộ, còn nếu cứ yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ nhu cầu cá nhân thì sẽ rất khó thực hiện", ông Phương chia sẻ.
Hệ thống đi chợ hộ quá tải, Sở Công Thương đề xuất shipper được hoạt động trong giãn cách xã hội. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ngày 28/8, Sở Công Thương TP.HCM có văn bản đề xuất cho phép shipper đã được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng Covid-19 trước ngày 13/8 được tham gia hoạt động trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội.
Theo đó, có hơn 17.400 shipper đã tiêm mũi một trên địa bàn 22 quận huyện và TP Thủ Đức tính đến 0h ngày 28/8. Sở Công Thương dự báo có thể huy động được 25.000 shipper.
Cùng ngày, UBND TP Thủ Đức cũng phối hợp với Grab để người dân trên địa bàn có thể đặt đơn hàng đi chợ hộ thông qua ứng dụng. Theo đó, Grab sẽ là bên cung ứng nền tảng gom đơn đặt hàng từ người dân ngay trên ứng dụng, việc thực hiện mua hàng và giao hàng sẽ do các lực lượng chức năng và đại diện các phường của TP Thủ Đức phụ trách.