Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin tính đến 18h ngày 22/5, nước này ghi nhận 167.650 ca mới có triệu chứng sốt, nâng tổng số lên 2,81 triệu. Trong đó, 2,33 triệu ca đã bình phục (tương đương 82,9%) và ít nhất 479.400 trường hợp đang được điều trị.
Công bố trên đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số "ca sốt" hàng ngày ở Triều Tiên tăng dưới mức 200.000.
Theo số liệu chính thức, quốc gia Đông Bắc Á này luôn ghi nhận trên 200.000 ca nhiễm/ngày trong suốt tuần qua.
Quân đội Triều Tiên được điều động để hỗ trợ cấp phát thuốc tại Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Trước đợt bùng phát dịch vào đầu tháng này, Triều Tiên tuyên bố không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm nào. Sau ca nhiễm đầu tiên được xác nhận, đất nước 25 triệu dân này phải đối mặt với một đợt bùng phát dịch được đánh giá là “bùng nổ”. Điều này dẫn đến những quan ngại về khả năng đối phó với đại dịch của hệ thống y tế Triều Tiên, vốn được đánh giá là lạc hậu và không hoạt động tốt.
Trong chuyến thăm đến Hàn Quốc hôm 21/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đã đề nghị cung cấp vaccine cho Triều Tiên nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Bình Nhưỡng.
KCNA cho biết đã có gần 200.000 nhân viên y tế và chống dịch thực hiện khử trùng ở gần 100.000 điểm trên toàn quốc. Hãng thông tấn này cũng cho biết quân y đã được triển khai đến 670 nhà thuốc ở Bình Nhưỡng để cung cấp thuốc suốt ngày đêm. Đồng thời, “gần 20 trung tâm dịch vụ thuốc tạm thời di động” được thành lập để có thể phân phối thuốc “nhanh hơn và chính xác hơn”.
Tuy nhiên, những vấn đề của Triều Tiên ở thời điểm hiện tại không chỉ giới hạn ở việc bùng phát dịch. Cũng có những ý kiến cho rằng nước này đang phải đối mặt với thiếu lương thực trên diện rộng, một phần nguyên nhân là do những đợt đóng cửa biên giới nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn virus xâm nhập vào nước này.