Đây là lần đầu tiên số ca mắc Covid-19 ở Pháp vượt mốc 300.000, phá vỡ kỷ lục trước đó là 271.686 ca được báo cáo hôm 4/1.
Đây cũng là số ca nhiễm thường nhật cao chưa từng thấy ở bất cứ quốc gia châu Âu nào khác.
Hôm 5/1, Pháp cũng ghi nhận 2.483 người nhập viện. Trong số đó, 396 người phải nằm trong phòng chăm sóc tích cực (ICU).
Tính đến nay, Pháp đã có 3.695 bệnh nhân Covid-19 nằm trong khu ICU, và hơn 20.000 ca nhập viện.
Đây là con số cao nhất kể từ cuối tháng 5. Số người chết vì Covid-19 tại các bệnh viện cũng tăng lên 246 người trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát lên 97.670.
Người dân đeo khẩu trang phòng ngừa Covid-19 trên đường phố Paris. Ảnh: AP. |
Với số ca mắc Covid-19 trong ngày ở Pháp cao nhất từ trước đến nay ở châu Âu, giới chức nước này đang nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường để tránh phải áp đặt các lệnh hạn chế mới.
Làn sóng dịch nghiêm trọng cũng đã khiến các nhà chức trách Pháp cho phép các nhân viên y tế mắc Covid-19 tiếp tục điều trị cho bệnh nhân thay vì tự cách ly, để giảm bớt tình trạng thiếu nhân viên tại các cơ sở y tế.
Quốc hội Pháp cũng đang tranh luận về luật mới. Theo đó, nếu được thông qua, chỉ những người đã tiêm chủng đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính mới đủ điều kiện để được cấp thẻ sức khỏe Covid-19 và vào các địa điểm công cộng.
Sự gia tăng kỷ lục các ca mắc Covid-19 cũng được ghi nhận ở ít nhất 6 quốc gia khác khi biến chủng Omicron tiếp tục lan rộng.
Cũng trong ngày 5/1, Italy báo cáo 189.109 ca mắc Covid-19 mới. Bồ Đào Nha đã ghi nhận 39.570 ca mắc Covid-19, trong khi con số này tại Thổ Nhĩ Kỳ là 66.467 ca, Thụy Điển là 17.320, Hà Lan là 24.000 ca và Israel là 11.978.
Trước nguy cơ về làn sóng dịch do Omicron gây ra, theo một dự thảo Reuters tiếp cận được, chính phủ Italy sẽ bắt buộc những người trên 50 tuổi phải tiêm vaccine Covid-19.
Quy định này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 15/6, khi nội các Italy thảo luận về các biện pháp hạn chế mới.
Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục được ghi nhận ngay trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 30/1.
Một số chuyên gia ước tính rằng khoảng 400.000 người có thể bị cách ly vào thời điểm diễn ra bầu cử.
Trong bối cảnh đó, cơ quan y tế nước này đã giảm thời gian cách ly bắt buộc từ 10 ngày xuống còn 7 ngày đối với người nhiễm bệnh không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.
Bồ Đào Nha, quốc gia với 10 triệu dân, là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cao nhất thế giới, với hơn 87% dân số tiêm đủ hai mũi vaccine. Chính phủ Thủ tướng Antonio Costa đã khởi động chương trình tiêm chủng cho trẻ em trên 5 tuổi.