Từ đêm 26/5, người dân TP.HCM chứng kiến số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng nhanh. Chưa đầy 24 giờ kể từ ca nhiễm chỉ điểm, ngành y tế đã ghi nhận 36 bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng. Số điểm phong tỏa "mọc lên như nấm". Cùng với đó là những bóng áo xanh, áo trắng của lực lượng y tế, công an, dân phòng làm việc khẩn trương khắp các điểm phong tỏa.
Lãnh đạo thành phố ngay lập tức có các cuộc họp khẩn, đưa ra chỉ đạo cấp tốc để nâng cấp độ phòng chống dịch bệnh. "Cảnh giác cao độ nhưng không hoảng hốt" là thông điệp được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhiều lần kêu gọi người dân "nâng cao ý thức, không hoảng loạn trước dịch bệnh".
Trước số ca nhiễm tăng nhanh những ngày qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, nhận định đây không phải tin vui, nhưng là dấu hiệu cho thấy thành phố đang đi đúng hướng để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm này. Rút bài học từ chùm ca bệnh tại quận Gò Vấp, ông kêu gọi người dân phối hợp tối đa với thành phố để không phải dùng tới kịch bản xấu nhất.
F0 nhiều cho thấy chặn đúng nguồn lây
- Chỉ trong 3 ngày, số ca nhiễm nCoV tại TP.HCM đã tăng vọt. Chuỗi lây nhiễm của nhóm tôn giáo ở quận Gò Vấp có số ca dương tính lên tới 58 người (tính đến 28/5), cao nhất kể từ đầu mùa dịch đến nay. Theo ông, đây có phải dấu hiệu đáng lo ngại?
- Khi có một số chuỗi lây bệnh như vậy thì thành phố phải khẩn trương truy vết; do đó, có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm, điểm phong tỏa thời gian tới.
Về chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (Hội thánh) tại quận Gò Vấp, hiện nay, giải trình tự gene cho thấy các bệnh nhân mang biến chủng Ấn Độ B.1.617.2. Đây là biến chủng có tốc độ lây nhiễm rất nhanh.
Những người này lại sinh hoạt với nhau trong không gian hẹp, tiếp xúc gần, và đi rất nhiều nơi trong thành phố. Do đó, hệ thống y tế thành phố phải truy vết từng bước một, xâu chuỗi các dấu vết và bao vây theo đúng nguyên tắc thần tốc để sớm cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Trong thời gian ngắn tìm ra nhiều trường hợp F0 như vậy không phải tin vui. Tuy nhiên, điều này cho thấy chúng ta đã chặn đúng nguồn lây. Nếu sớm cắt đứt chuỗi lây nhiễm này, chúng ta có thể hy vọng số ca nhiễm sẽ giảm.
Trụ sở Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp có không gian nhỏ hẹp. Ảnh: Chí Hùng. |
- Đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp thành phố phát hiện và truy vết nhanh các chuỗi lây nhiễm?
- Hệ thống bệnh viện có công đầu trong việc sàng lọc và phát hiện ra trường hợp có nguy cơ. Điểm chung của 4 chuỗi lây nhiễm mới đây nhất đều được phát hiện qua khám sàng lọc Covid-19 tại bệnh viện.
Ví dụ, “ổ dịch” quán bánh canh tại quận 3 được phát hiện nhờ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch; nhân viên công ty tại quận 3 được phát hiện qua Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park; chuỗi lây nhiễm tại Gò Vấp được phát hiện qua khám sàng lọc ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định; và hai vợ chồng ở quận Tân Phú được phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.
Ngành y tế đã quán triệt rất chặt chẽ các quy trình xử lý, kịch bản ứng phó liên quan đến phòng chống dịch. Cơ sở y tế cũng đã thực hiện rất tốt. Công việc diễn ra theo đúng quy trình đặt ra nên ca nghi ngờ được phát hiện ngay và xử lý nhanh chóng. Cụ thể, ngày 27/5, chưa đầy 24 giờ nhưng ngành y tế đã khoanh vùng được 36 F0.
Hệ thống cảnh báo sẽ giúp giảm thiểu tác hại. Do đó, một lần nữa thành phố kêu gọi sự hợp tác của người dân, nếu thấy bản thân có triệu chứng nghi ngờ, phải có động thái khai báo ngay để cơ quan y tế kiểm tra. Nếu dương tính thì chữa trị để giảm thiểu tác hại cho cộng đồng, người thân và gia đình.
Thành phố rất mong người dân đề cao ý thức, hỗ trợ hoạt động chống dịch.
Phó chủ tịch Dương Anh Đức
Ví dụ như chùm lây nhiễm ở Gò Vấp, bệnh nhân đầu tiên không chủ động đi khám khi có dấu hiệu bệnh mà vẫn ở nhà. Nhờ một số thành viên khi thấy có triệu chứng tự đi khám mà phát hiện ra ca chỉ điểm.
Hầu như người thân của các hội viên nhóm này bị lây nhiễm, một người lây cho 2-3 người. Đây là bài học đắt giá. Do đó, thành phố rất mong người dân đề cao ý thức, hỗ trợ hoạt động chống dịch của thành phố.
- Ông có thể nói rõ hơn về bài học đắt giá này?
- Thứ nhất, quá trình điều tra, truy vết cho thấy trong lúc hội họp, các thành viên của Hội thánh này không đeo khẩu trang. Nhóm này sinh hoạt trong không gian kín, nhỏ, với diện tích chỉ khoảng 50 m2. Giả sử họ tuân thủ quy định của TP.HCM, giữ số lượng mỗi buổi sinh hoạt dưới 20 người thì nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao.
Với điều kiện sinh hoạt như vậy, tỷ lệ lây nhiễm cao là điều dễ hiểu, xảy ra không sớm thì muộn. Bằng chứng là đến nay, 32/38 hội viên của Hội thánh này đã dương tính với SARS-CoV-2.
Cùng với đó, khu dân cư và nơi sinh sống của các hội viên này nằm trong không gian nhỏ, hẹp, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng. Thực tế, số ca nhiễm tăng nhanh là bởi mỗi người trong Hội thánh này lại trở thành nguồn lây nhiễm cho người trong gia đình, nơi làm việc, khu dân cư.
Con hẻm trên đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp, khá nhỏ, nguy cơ lây nhiễm cao nếu có F0 trong cộng đồng. Ảnh: Chí Hùng. |
Thứ hai, điều tra lịch trình của các bệnh nhân nghi nhiễm đầu tiên cho thấy hai người trong Hội thánh này đã đi Hà Nội từ ngày 23/4 và về TP.HCM ngày 29/4. Họ có triệu chứng từ 13/5 nhưng lại tự chữa trị mà không đi khám. Đến nay, một bệnh nhân trong số này đã diễn biến nặng.
Sau khi phân tích các yếu tố dịch tễ và mẫu xét nghiệm của 2 bệnh nhân từng đi Hà Nội, ngành y tế nhận thấy đây có thể là những người bị nhiễm đầu tiên trong nhóm. Thông tin này đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định nguồn lây của chuỗi ca bệnh ở Gò Vấp.
Để không phải dùng kịch bản xấu nhất
- Hiện, TP.HCM có 3 chuỗi lây nhiễm chưa xác định nguồn lây. Đây có phải điều thành phố lo lắng nhất?
- Thực ra, kinh nghiệm từ những đợt dịch sau cho thấy việc tập trung tìm nguồn lây không quá quan trọng như giai đoạn đầu của dịch. Việc này đôi khi rất khó và thực tế nhiều trường hợp đến nay vẫn chưa xác định được nguồn lây. Điều quan trọng hơn cả là khi phát hiện ca chỉ điểm, chúng ta phải lập tức cô lập và cắt đứt chuỗi lây nhiễm càng sớm càng tốt.
Nghiên cứu cho thấy 70-80% người bệnh không cần chữa trị nhưng cũng tự khỏi. Giả sử có nguồn lây nhiễm đầu tiên thì khả năng cao người này cũng nằm trong những F0 đã phát hiện ra hoặc đã tự khỏi bệnh.
Giải pháp xuyên suốt và hiệu quả của Việt Nam từ đầu mùa dịch đến nay là thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Phương pháp này của chúng ta cũng đã được thế giới công nhận là hiệu quả. Do đó, việc truy ra F0 là cần thiết nhưng không quá quan trọng.
Phong tỏa, xét nghiệm diện rộng là giải pháp để sớm cắt đứt nguồn lây Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Điều tôi lo lắng nhất là xảy ra tình trạng giống như chùm ca bệnh tại Gò Vấp, gây nên một “ổ dịch” lớn. Nguyên nhân xuất phát từ một nhóm người dân thiếu ý thức, thiếu tinh thần tự giác, không thực hiện tốt việc phòng chống dịch. Như vậy, nguồn lây nhiễm sẽ âm ỉ trong cộng đồng mà chúng ta khó phát hiện ra.
Nếu có được sự hợp tác của người dân thì công tác phòng chống dịch sẽ thuận lợi hơn và chi phí xã hội cũng giảm đi rất nhiều. Ngược lại, chỉ cần một số người không hợp tác thì chi phí xã hội sẽ có thể tăng lên rất cao.
- Là Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, ông đánh giá thế nào về tình hình dịch hiện nay tại thành phố?
- Từ khi bắt đầu dịch Covid-19, TP.HCM luôn ý thức địa bàn thuộc nhóm nguy cơ cao vì TP là trung tâm giao lưu, có độ mở rất lớn. Tuy vậy, hiện nay, tình hình cơ bản đang trong tầm kiểm soát.
Trong thời gian ngắn, năng lực lấy mẫu xét nghiệm và khả năng xét nghiệm nhanh của thành phố đã nâng lên rất cao. Nhờ có sự chuẩn bị trước và sự động viên từ nhiều nguồn lực khác nhau trong thành phố nên khi cần, các bên phối hợp rất nhịp nhàng.
Thành phố không chủ quan, không loại trừ khả năng còn nguồn lây nhiễm khác.
Phó chủ tịch Dương Anh Đức
Người dân có thể quan sát thấy chỗ này, chỗ kia bị phong tỏa nhưng không nên lo lắng bởi đó là làm theo quy trình có kiểm soát. Phần lớn các ca hôm nay đều trong vùng phong tỏa. Do đặc tính sinh hoạt của nhóm ca bệnh ở Gò Vấp, cần chuẩn bị tinh thần trong vài ngày tới, số ca nhiễm mới sẽ còn tăng. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu cho thấy chuỗi lây nhiễm này sẽ sớm được cắt đứt.
Dù vậy, thành phố không chủ quan, không loại trừ khả năng còn nguồn lây nhiễm khác.
Một trong những sáng kiến rất hiệu quả của thành phố là tầm soát ngẫu nhiên các địa điểm có nguy cơ cao. Song song với truy vết các chuỗi lây nhiễm, giải pháp này đang được ngành y tế thành phố mở rộng để phát hiện nguy cơ.
Thành phố rất mong người dân đề cao ý thức, vì mình và vì cộng đồng, giảm áp lực cho thành phố, đặc biệt là hệ thống y tế.
Lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên ngoài cộng đồng là một trong những sáng kiến hiệu quả của TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
- Với số lượng ca nhiễm ở mức nào thì thành phố sẽ nâng các biện pháp phòng chống dịch lên cấp độ cao nhất là áp dụng Chỉ thị 16?
- Thành phố đã chuẩn bị các kịch bản phòng chống dịch từ 100, 200, 500, và 1.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, tôi hy vọng chúng ta không phải sử dụng đến các kịch bản trên 500 ca nhiễm.
Hiện, thành phố đã tái kích hoạt các khu cách ly và khu chữa bệnh để tăng khả năng cách ly, điều trị. Hệ thống thành phố sẵn sàng cho mọi tình huống.
Tuy nhiên, không ai muốn phải sử dụng kịch bản trên 500 ca. Vậy nên, làm sao động viên để mỗi người một tay, luôn cảnh giác, không chủ quan nhưng không hoang mang, phải lắng nghe những nguồn tin chính thống. Quan điểm của thành phố là công khai, minh bạch, thông tin cụ thể, kịp thời để người dân có thêm niềm tin vào chính quyền thành phố.
Thành phố mong người dân làm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch. Như vậy, thành phố sẽ không phải sử dụng đến kịch bản xấu nhất.