Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, thành phố vừa trải qua 9 ngày liên tiếp ghi nhận trên 1.500 ca nhiễm trong vòng 24 giờ. Như vậy, Hà Nội là địa phương có số ca mắc mới cao nhất cả nước trong tuần qua.
Trong làn sóng dịch lần thứ 4, Hà Nội không phải hứng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng như TP.HCM. Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi tốc độ lây lan ở TP.HCM bắt đầu có chiều hướng chậm dần, Hà Nội lại bước vào giai đoạn khó khăn với số ca nhiễm mới thường xuyên ở ngưỡng cao.
Hà Nội trải qua 9 ngày liên tiếp có trên 1.500 ca nhiễm mới. Nguồn: Sở Y tế Hà Nội. |
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho rằng Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố cần lấy bài học từ TP.HCM vừa qua để củng cố hệ thống ứng phó với Covid-19 trong tình hình mới.
Nguy cơ bùng phát dịch ở Hà Nội
PGS Nhung đánh giá đợt dịch vừa qua tại TP.HCM là một “thảm họa y tế công cộng” do sự điều phối nguồn lực y tế bị quá tải nhanh chóng, không kịp ứng phó.
“Có 2 yếu tố quan trọng để Việt Nam chung sống an toàn với SARS-CoV-2 là giảm số người tử vong do Covid-19 và dập từng ổ dịch để kiềm chế số ca mắc mới. Để làm được điều này, chúng ta buộc phải củng cố hệ thống giám sát dịch và điều trị ở các tuyến, đặc biệt là xã, phường”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Thực tế, Hà Nội hiện ghi nhận trung bình gần 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Thời gian lây nhiễm của mỗi người là khoảng 10 ngày. Điều này đồng nghĩa trong cùng một thời điểm, thành phố có thể ghi nhận khoảng 20.000 trường hợp nhiễm virus.
“Thống kê trên phần nào cho thấy Hà Nội còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch diện rộng khi đây là địa phương đông dân, giao thương nhiều tương tự TP.HCM”, PGS Nhung nói.
Số ca nhiễm nCoV tại Hà Nội tăng nhanh sau khi nới lỏng giãn cách. Ảnh: Phạm Thắng. |
Trước tình hình đó, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng ưu tiên hàng đầu của Hà Nội là đảm bảo mỗi xã, phường phải đủ năng lực chủ động ứng phó với mỗi tình huống dịch khác nhau.
Y tế xã, phường cần làm gì?
Theo PGS Nguyễn Viết Nhung, có 2 năng lực cơ bản các xã, phường phải đảm bảo là giám sát dịch và tổ chức chăm sóc, điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng.
Việc cần làm đầu tiên là bao phủ vaccine cho 100% người thuộc nhóm dễ tổn thương. Y tế xã, phường cùng chính quyền cần rà soát lại toàn bộ trường hợp trên 50 tuổi, mắc bệnh nền và chưa được tiêm chủng.
Sau đó, sở y tế cần phân công các bệnh viện trực thuộc, thậm chí kêu gọi bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn, tổ chức tiêm cho nhóm này.
“Trước đây, những người này có thể tạm bình an khi chúng ta chủ trương 'Zero Covid-19'. Tuy nhiên, khi số F0 ngoài cộng đồng không triệu chứng tăng cao, người trẻ đi học, làm việc, trở về nhà có thể lây cho bố, mẹ, ông, bà lớn tuổi. Nhóm này dễ bị nhiễm, chuyển nặng và tử vong nhanh nếu không được điều trị kịp thời”, ông cảnh báo.
Nhiệm vụ tiếp theo là xây dựng và củng cố năng lực giám sát dịch tại cơ sở. Theo ông Nhung, phường, xã, tổ dân phố, thôn, đội là những cấp gần dân nhất. Do đó, việc thông tin liên lạc từ các cấp này sẽ mang đến lợi ích rất lớn trong giám sát dịch nếu biết cách quản lý.
“Khi xuất hiện một trường hợp dương tính, ngành y tế thuộc cấp này cần phân tích ngay xem nguồn lây từ đâu, nguy cơ lây cho ai, từ đó khoanh vùng và làm xét nghiệm. Lúc này, chúng ta phải tăng cường năng lực test nhanh, giao quyền cho người dân và y tế cơ sở. Sau khi có kết quả, chúng ta có thể bóc tách nguồn lây, chặn đứng ổ dịch. Việc cách ly F0 tại nhà cũng chính là bóc tách nguồn lây trong cộng đồng”, PGS Nhung nhấn mạnh.
Cán bộ tại một trung tâm y tế cơ sở trên địa bàn Hà Nội chuẩn bị đưa F0 tới đơn vị cách ly. Ảnh: Hải Nam. |
Mặt khác, y tế cơ sở cũng phải được xây dựng và củng cố năng lực chăm sóc, cách ly, điều trị người mắc Covid-19 thể nhẹ và không triệu chứng.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng định hướng điều trị, cách ly nhóm F0 này chủ yếu là tại nhà và y tế cơ sở. Nguyên nhân là nhóm diễn biến nhẹ chiếm tới 90-95% tổng số người mắc Covid-19 hiện nay.
Định hướng này sẽ thuận tiện hơn cho người dân, đồng thời giảm quá tải cho hệ thống bệnh viện. Từ đây, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong cũng sẽ được hạn chế.
Theo PGS Nhung, 4 “điểm vàng” cho người mắc Covid-19 là: Tinh thần vững vàng, không hoảng loạn; Dinh dưỡng tốt, uống đủ nước; Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên; Cuối cùng là thuốc.
Liên quan vấn đề về thuốc điều trị, vị chuyên gia nhấn mạnh đây là các loại thuốc thông thường như hạ sốt, giảm ho, điện giải, vitamin. Ngoài ra, ông Nhung cũng cho rằng loại thuốc kháng virus hiện nay rất hiệu quả và cần được tiếp cận sớm.
Để làm được những điều trên, PGS Nhung nhận định mỗi xã, phường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó huy động được nguồn nhân lực với cán bộ y tế cũng như các đoàn thể, tình nguyện viên.
“Các địa phương cũng phải thành lập trạm y tế lưu động để tiếp nhận trường hợp diễn biến nhẹ, không triệu chứng, không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Các trạm này có thể kết nối với tổ Covid-19 cộng đồng để hỗ trợ điều trị F0”, ông gợi ý.
Đồng thời, mỗi phường, xã cũng nên kết nối với bệnh viện hỗ trợ để tạo thành một hệ thống điều trị thống nhất, phân cấp rõ ràng. Khi đó, công tác chăm sóc F0 sẽ rất hiệu quả.
Nhân viên y tế, tình nguyện viên cần được tập huấn bài bản và hỗ trợ chuyên môn, trang thiết bị cơ bản như máy đo bão hòa oxy, kẹp nhiệt độ, oxy…
PGS Nhung cũng cho rằng cần có cơ chế tài chính cho việc vận hành hệ thống y tế cơ sở.
“Việc này có thể được xã hội hóa tương tự tổ dân phố thu tiền vệ sinh, thu gom rác… Người dân có lẽ sẵn sàng đóng góp 10.000 đồng cho một tháng để được chăm sóc sức khỏe phòng Covid-19”, vị chuyên gia nói.
Các giải pháp này đang được Hà Nội triển khai với mục tiêu giảm tử vong do Covid-19. Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội đề nghị, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định mắc Covid-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.
Người bệnh đến khám, chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện).
Các cơ sở khám, chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: Người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng Covid-19.
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ.
Về việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch, sở yêu cầu tất cả bệnh viện không được từ chối, bảo đảm người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.
Các cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống oxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp oxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.