Gần đây, nhiều người đã nghe đến ThisPersonDoesNotExist.com. Trang web này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để làm nên một gương mặt giả. Gương mặt này giống thật đến mức nhiều người phải giật mình.
Tuy vậy, một trang web khác cũng được tạo ra để chống lại điều này. Trang web đó có tên WhichFaceIsReal.com. Đây là nơi giúp người dùng kiểm tra những sản phẩm được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo. Nó được dựng nên bởi Jevin West và Carl Bergstrom, 2 giáo sư từ Đại học Washington, Mỹ.
Những gương mặt nhân tạo được làm ra bởi ThisPersonDoesNotExist.com. |
Cả hai đều nghiên cứu cách thức thông tin lan truyền trong xã hội. Họ nghĩ rằng sự phát triển của các công nghệ Fake AI có thể gây nên nhiều vấn đề, ảnh hưởng xấu đến niềm tin của xã hội. Vì vậy, họ đã nghĩ ra ý tưởng này nhằm giáo dục cộng đồng.
“Khi một công nghệ mới như thế xuất hiện, nó sẽ ảnh hưởng nhiều nhất khi mọi người không biết gì về nó”, Bergstrom trả lời The Verge.
“Vì vậy điều mà chúng tôi đang cố là giáo dục người dùng, giúp họ nhận thức được công nghệ này đang hiện hữu ngoài kia. Điều này như thể mọi người biết Photoshop tồn tại", West nói.
Cả hai website đều sử dụng máy học dạng nghịch tạo (GAN) để tạo ra những gương mặt giả. Những mạng lưới này vận hành bằng cách đưa vào một lượng lớn dữ liệu (trong trường hợp này là những bức chân dung của người thật), học tập những khuôn mẫu và sau đó cố gắng nhân bản những gì nó đã thấy.
GAN là cách tạo gương mặt giả vô cùng hiệu quả bởi nó tự dạy chính nó. Sau khi tạo phiên bản gương mặt đầu tiên, nó sẽ tự so sánh với các dữ liệu chuẩn và tìm ra điểm khác biệt. Kết quả này sẽ được sử dụng vẽ nên các phiên bản tiếp theo.
Hãy nghĩ nó như một giáo viên dạy vẽ nghiêm khắc - người sẽ không cho bạn ra về cho đến khi bạn vẽ được chính xác.
Ngoài tạo ra khuôn mặt, công nghệ này còn được sử dụng cho việc làm giả âm thanh, video cũng như hình ảnh. Dù hệ thống này vẫn còn nhiều điểm yếu, nhưng nó vẫn đang dần được cải thiện.
Giả gương mặt và giọng nói có thể biến các chính khách trở thành những con rối và biến người dùng thành những vũ công chuyên nghiệp.
Theo Bergstrom và West, việc sử dụng công nghệ làm giả gương mặt một cách âm thầm có thể lan truyền tin giả. Ví dụ, sau một vụ khủng bố, AI có thể bị sử dụng để tạo ra hình ảnh của một kẻ tình nghi giả.
"Nếu bạn muốn gây ra sự nhiễu loạn thông tin như trường hợp trên, chỉ cần đăng một bức ảnh không phải của người thật. Việc truy xuất, tìm kiếm thủ phạm sẽ khó khăn hơn", Bergstrom nói.
Tuy nhiên, việc công nghệ giả gương mặt phát triển quá nhanh khiến West lo ngại 3 năm tới trang web của ông sẽ không thể phân biệt được đâu là mặt giả nữa.