Smartphone Việt có 'đoản thọ' như điện thoại phổ thông?
Với việc chuyển sang phân khúc smartphone, các hãng điện thoại thương hiệu Việt tin rằng, họ sẽ không để lặp lại tình trạng sản phẩm "chết yểu" như thời làm điện thoại phổ thông.
Bài học từ điện thoại phổ thông
Từng được xem là con gà đẻ trứng vàng cho các hãng điện thoại thương hiệu Việt, thế nhưng chỉ cần một đợt phản công “chóng vánh” của các hãng lớn, dòng điện thoại phổ thông 2 sim 2 sóng thương hiệu Việt đã nhanh chóng “chết yểu”.
Cái chết của điện thoại phổ thông thương hiệu Việt có thể nói đa phần do họ tự gánh lấy. Việc chỉ lo tập trung vào kinh doanh vì món lời quá lớn, không quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm cũng như làm thương hiệu, đã dẫn đến kết quả họ không thể đỡ lại một đợt tấn công quá nhanh của các hãng lớn mà tiêu biểu là người khổng lồ Nokia.
Cụ thể, trong giai đoạn 2010 - 2011, điện thoại thương hiệu Việt 2 sim 2 sóng đã có bước phát triển mạnh mẽ và thị phần có lúc tăng lên tới 31%. Con số này khiến cho nhiều người tin rằng điện thoại thương hiệu Việt đã có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như vậy, thấy việc kinh doanh quá hời đã dẫn đến "nhà nhà, người người" đổ xô đi làm điện thoại thương hiệu Việt khiến cho chất lượng sản phẩm “vàng thau lẫn lộn”, làm theo kiểu ăn xổi ở thì như qua Trung Quốc đặt một lô điện thoại về dán nhãn vào là xong, chứ không có các bước như nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm. Bên cạnh đó, người dùng cũng không thể phân biệt rõ đâu mới là sản phẩm thương hiệu Việt được đầu tư nghiêm túc, bởi ngay cả các thương hiệu có thị phần lớn như Q-Mobile cũng không mấy đầu tư cho việc truyền thông thương hiệu.
Khi các hãng điện thoại như Nokia, Samsung, LG tung ra các sản phẩm điện thoại phổ thông 2 sim 2 sóng được làm một cách bài bản, ngay lập tức các hãng điện thoại thương hiệu Việt bị “lép vế”, sản phẩm bán ra ngày càng giảm sút. Đến cuối năm 2011 đầu năm 2012, rất nhiều hãng đã lâm vào khủng hoảng. Theo số liệu của IDC, thị phần trong quý I/2012 của điện thoại thương hiệu Việt giảm còn 15%, sau đó liên tục giảm mạnh, dẫn đến nhiều thương hiệu bị “khai tử” khỏi thị trường di động.
Smartphone sẽ có đất sống
Trước khó khăn từ dòng điện thoại phổ thông, các hãng điện thoại thương hiệu Việt đã chuyển sang phân khúc smartphone và Mobiistar với Q-Mobile là 2 điển hình. Chỉ trong một thời gian ngắn, Mobiistar đã tung ra một loạt smartphone ở nhiều phân khúc khác nhau như Touch S01, S02, S02i, Kem 430, 432, 452, Touch Lai 5. Q-Mobile cũng không kém cạnh khi tung ra loạt sản phẩm với S11, S12, S15, S18, S22….
Việc tung ra ồ ạt các sản phẩm và cách làm khá giống với điện thoại phổ thông trước đây, khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có xảy ra tình trạng "nhà nhà, người người" làm smartphone, để rồi có nguy cơ tiếp tục cùng dìu nhau “chết” hay không? Nhưng đại diện các hãng sản xuất điện thoại Việt cho biết "sẽ khó xảy ra tình trạng giống như vậy".
Theo ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc ABTel, đơn vị sở hữu thương hiệu điện thoại Q-Mobile thì smartphone là một phân khúc “khó chơi”, khi chu kì sản phẩm ngắn, chỉ kéo dài trong 3 – 4 tháng, các sản phẩm mới sẽ phải tiến hành nhiều nâng cấp về chip, thiết kế, hệ điều hành... Chính vì vậy, chỉ có doanh nghiệp có cấu trúc bền vững, nguồn lực tài chính và thương hiệu mới có thể tồn tại được. Việc nhiều doanh nghiệp ồ ạt tham gia vào thị trường smartphone giá rẻ sẽ rất khó xảy ra, bởi vì để ra được sản phẩm tốt không hề đơn giản.
Ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc điều hành hãng điện thoại Mobiistar cũng cho rằng, cơ hội sẽ không chia đều cho tất cả mọi người, bởi kinh doanh điện thoại là ngành nhiều rủi ro. Smartphone phát triển nhanh, thay đổi nhanh với vòng đời ngắn. Người tiêu dùng ngày càng có nhiều thông tin và có nhiều lựa chọn cho mình. Doanh nghiệp đi quá sớm, hay quá muộn đều dẫn đến rủi ro. Cho nên, chỉ có cách chuẩn bị duy nhất là theo dõi kỹ diễn biến công nghệ để luôn sẵn sàng cho cái mới. Đồng thời theo dõi “khẩu vị” của người tiêu dùng để giới thiệu cho họ các món “ngon bổ rẻ” mà lại nóng sốt kịp thời. Điều này sẽ có ít doanh nghiệp làm được và sẽ khó xuất hiện tình trạng “khủng hoảng” như đối với dòng điện thoại phổ thông trước đây.
Theo ICTNews