Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Smartphone màn hình cong là xu hướng tất yếu?

Sự trỗi dậy của thiết kế màn hình cong đối với cả điện thoại và TV là một xu hướng tất yếu trong giai đoạn chín muồi của công nghệ OLED, với màn hình siêu mỏng và có tính đàn hồi.

Có một điều không cần tranh cãi là thị trường smartphone đã có bước nhảy vọt trong năm 2013. Hàng loạt mẫu điện thoại và nền tảng được tung ra, cũ có, mới có.

Nhưng ngay khi bạn cho rằng mảnh đất smartphone đã bão hòa, thì một thế hệ sản phẩm mới toanh trình làng khiến nhiều người không khỏi tò mò: điện thoại thông minh màn hình cong.

Không hẹn mà gặp, mùa thu này cả Samsung và LG đều ra mắt hai dòng smartphones mới với thiết kế cong. Sản phẩm Samsung Galaxy Round có hình dạng cong theo chiều ngang, tạo cảm giác thoải mái khi màn hình 5,7 inch áp vào đùi khi nằm trong túi quần.

Hai chiếc Samsung Galaxy Round (phải) và LG G Flex (trái).

Mặt khác, LG G Flex lại được trang bị màn hình 6 inch lượn cong theo chiều thẳng đứng, giúp điện thoại bắt tiếng tốt và áp sát mặt hơn khi bạn thực hiện cuộc gọi.

LG G Flex được trang bị màn hình 6 inch lượn cong theo chiều thẳng đứng. 

Với cả 2 sản phẩm trên, màn hình đều được giảm lóa đáng kể. Nhất là khi xem video, độ chói được cải thiện rõ rệt. Khi đặt chiếc điện thoại màn hình cong cạnh một chiếc màn hình phẳng thông thường, có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt.

Sau khi trải nghiệm cả hai sản phẩm, phân tích viên của tạp chí công nghệ Mashable cho rằng màn hình G Flex cho chất lượng hiển thị “điện ảnh” hơn khi xem video, dù Galaxy Round có hình ảnh rực rỡ sống động hơn hẳn màn hình phẳng cùng cỡ của Galaxy Note 3.

Nhưng xét trên khía cạnh tổng thể, vì cả hai cùng là điện thoại cỡ to, nên ngay từ đầu đây đã là yếu tố khiến người dùng ngại ngần khi phải mang theo người. Samsung đã vượt lên với kiểu dáng gọn và thuận tiện để đút túi hơn chiếc điện thoại to và hơi thô mang hiệu G Flex.

Ngoài màn hình cong, G Flex còn được trang bị một tính năng khá lạ, đó là công nghệ tự phục hồi (self-healing), giúp các vết xước trên nắp lưng mờ dần sau vài tiếng. Tuy nhiên, với những vết xước lớn, thời gian hồi phục dài hơn và vẫn để lại vệt về sau.

Sự trỗi dậy của thiết kế màn hình cong đối với cả điện thoại và TV là một xu hướng tất yếu.

Bước tiếp cho điện thoại sẽ là khả năng đàn hồi hoàn toàn, dù để đạt được điều này thì không chỉ màn hình mà tất cả các bộ phận khác cũng cần có thể bẻ cong. 

Các nhà nghiên cứu công nghệ đang nỗ lực cho mục tiêu này. Bước đầu, một nhóm kỹ sư Hàn Quốc đã phát minh ra bộ pin đàn hồi cho điện thoại.

Cả hai sản phẩm Galaxy Round và G Flex hiện đã có mặt tại vài quốc gia châu Á. LG tuyên bố hãng sẽ tấn công thị trường Mỹ trong năm tới, và Samsung chắc chắn sẽ nối gót. Các sản phẩm smartphone với màn hình cong cỡ nhỏ hơn cũng sẽ được phát triển.

Liệu màn hình cong có là xu hướng mới của thị trường điện thoại thông minh, hay đây chỉ là một sản phẩm mang tính thử nghiệm? Báo cáo của Samsung cho thấy hiện giờ nhu cầu đối với thiết kế này còn khá hạn chế. Nhưng có thể gió sẽ đảo chiều nếu nhiều ứng dụng chuyên biệt được phát triển thêm.

Thế nên, có lẽ đế chế của “smartphone cong” mới chỉ vừa bắt đầu.

Theo Bizlive

Bạn có thể quan tâm