Ngày 9/8, Samsung chính thức giới thiệu Galaxy Note 9, smartphone cao cấp nhất từ trước đến nay của hãng. Hãng cũng trình làng thế hệ kế tiếp của Samsung Dex, phụ kiện giúp biến chiếc Galaxy Note thành máy tính khi kết nối với màn hình.
Nhìn lại lịch sử, công nghệ kiểu như vậy đã được nhiều hãng ra mắt nhưng không thể tạo ra cách mạng, bởi bản thân thiết bị đó không thành công về doanh số. Nhưng với chiếc Galaxy Note9, câu chuyện có thể khác đi với những dự án có vòng đời ngắn ngủi dưới đây hay không?
Windows Phone Continuum
Công nghệ được giới thiệu lần đầu vào 2015 sau 2 năm phát triển. Nền tảng này cho phép kết nối smartphone qua bộ điều hợp không dây sử dụng công nghệ khóa điện tử tương thích để trình chiếu sang máy tính mà không cần Internet.
Windows Phone Continuum chỉ vận hành được trên Windows Phone. |
Smartphone đang ghép nối còn có thể được dùng như một bàn rê chuột ảo và phím ảo. Nền tảng chỉ vận hành được trên Windows nhưng lại không chạy được nhiều ứng dụng của Windows Phone.
Doanh số đáng buồn của Lumia 950 và 950 XL - hai thiết bị đầu tiên sử dụng Continuum đã khiến công nghệ của Microsoft dần trôi vào quên lãng.
Motorola Atrix
Smartphone cùng với Lapdock được thiết kế riêng ra mắt tại CES 2011, sau đó tung ra thị trường độc quyền bởi nhà mạng AT&T. Đây là smartphone đầu tiên tích hợp màn hình PenTile qHD 24 bit tại thời điểm đó và tính năng Webtop.
Smartphone cùng Laptop đầu tiên có thể ghép nối với nhau. Ảnh: Cnet. |
Khi ghép nối smartphone vào Lapdock, màn hình laptop hiển thị giao diện của hệ điều hành Ubuntu gồm các thông báo Android, trình đa phương tiện, giao diện Firefox.
Độc đáo là thế, nhưng "tổ hợp" thiết bị này không phổ biến, rất ít người dùng phổ thông biết đến sự tồn tại của Atrix.
Palm Foleo
Công nghệ có tuổi thọ không quá ba năm do Palm sản xuất vào năm 2007. Thiết bị dùng để vận hành smartphone Treo 755p chạy trên nền tảng Linux.
Thiết bị không thể gửi hay nhận email theo cách thông thường. |
Palm Foleo có bộ nhớ ngoài chỉ 256 MB và không dùng Wi-Fi hay Bluetooth để gửi/nhận email, người dùng phải kết nối smartphone Palm để thực hiện tác vụ.
Redfly Mobile Companion
Thiết bị trông giống như laptop lại không có CPU, RAM,... |
Nền tảng cũng ra mắt vào năm 2007, thiết bị đóng vai chiếc vỏ cho smartphone vận hành vì không có các bộ phận như CPU, RAM, bộ nhớ trong. Redfly tích hợp 2 cổng USB và hoạt động trong 5 tiếng đồng hồ mỗi lần sạc.
Khi ghép nối điện thoại vào thiết bị thông qua Bluetooth hay cổng USB, tất cả giao diện của smartphone được hiển thị trên màn hình 9 inch. Tuy nhiên, dự án sớm lụi tàn vì không hỗ trợ các dòng điện thoại BlackBerry hoặc Nokia vốn rất thịnh hành lúc bấy giờ.
Asus Zenfone PC Link
Công nghệ cho phép trình chiếu toàn bộ giao diện smartphone lên trên màn hình PC thông qua cáp USB hoặc bộ docking dành riêng cho laptop Asus hay qua cùng một mạng Wi-Fi.
Asus PC Link còn cho phép sử dụng chuột, bàn phím và thao tác chạm màn hình để người dùng điều khiển một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, khi kết nối với PC, smartphone tự động tắt màn hình để tiết kiệm pin.
Samsung Dex mới có tạo nên khác biệt?
Công nghệ Dex đời đầu hỗ trợ Galaxy S8, S8 Plus và Note 8 cùng với S9, S9+ với hiệu suất tốt hơn. Nền tảng cho phép kết nối smartphone với màn hình để bàn qua cáp HDMI và một dock nhỏ gọi là Dex Pad.
Samsung Dex cung cấp người dùng trải nghiệm môi trường làm việc của một chiếc máy tính đầy đủ nhất. |
Đến nay, Samsung đã tung ra Dex "thế hệ 2", thu gọn kết nối chỉ còn là một cọng dây cáp HDMI đặc biệt có thể mang theo bên mình, không còn Dex Pax kích thước lớn như trước. Nó cũng tương thích cả với các thiết bị cũ hơn như Note 8, Galaxy S8/S8+/S9/S9+.
Lợi thế của hệ thống này là sức mạnh của Galaxy Note9 có thể đảm đương các tác vụ văn phòng thông thường tương đương với máy tính - điều mà những hệ thống Phone-PC nhiều năm trước chưa làm được. Bộ nhớ 512 GB GB và tối đa 1 TB, tốc độ LTE nhanh nhất, sở hữu hệ thống tản nhiệt tốt cũng khiến chiếc Galaxy Note9 gần hơn với vai trò như một chiếc PC.
Tuy nhiên, người dùng vẫn cần kết nối chuột và bàn phím để sử dụng như một bộ PC thực thụ. Điều này nghe hơi kỳ lạ khi nếu ở đâu đó, bạn đã có màn hình và các phụ kiện trên, vì sao không mua luôn một chiếc PC mà phải dùng đến điện thoại Galaxy?
Câu trả lời có lẽ nằm ở thói quen di động của những người thường xuyên làm công việc đòi hỏi tần suất di chuyển cao. Việc đăng nhập trên một máy tính công cộng hoặc của người khác cũng kém riêng tư và thiếu an toàn hơn là mang theo một chiếc smartphone có khả năng biến thành máy tính.
Chưa kể, nó có thể mang lại trải nghiệm xuyên suốt từ điện thoại cho đến máy tính, điều mà đối thủ Apple đang làm rất tốt trên hệ sinh thái iOS-macOS, nhưng theo một cách hơi khác.