Ông chủ Facebook đang nung nấu nhiều ý tưởng đột phá mang tính cách mạng. |
Facebook ngày nay được nhắc tới với hai thực thể khác nhau: một là mạng xã hội với hàng tỷ người dùng chia sẻ ảnh, quan điểm mỗi ngày; hai là nhà máy tương lai đang tạo nên những chiếc trực thăng không người lái và các bộ óc trí tuệ nhân tạo siêu thông minh.
Hiện tại, chúng là hai thực thể rất khác nhau. Khi nói về tác động của những câu chuyện sai sự thật, hay “bộ lọc bong bóng” theo cách gọi của Donald Trump, chúng ta đang nói về Facebook thứ nhất, chính là mạng xã hội vẫn sử dụng hàng ngày và những tương tác của nó với thế giới thực.
Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta nên thay đổi suy nghĩ bởi thực ra chúng là một, và không phải lúc nào cũng tạo ra những thay đổi tích cực như cách mọi người mong muốn.
Năm 2016, Mark Zuckerberg đã vạch ra kế hoạch phát triển 10 năm đầy tham vọng của Facebook. Trọng tâm của chiến lược này chính là tương lai với trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường và kết nối khắp mọi nơi.
Lộ trình 10 năm của Facebook, từ 2016 tới 2026. |
Tại Hội nghị Facebook F8 diễn ra trong tuần này ở San Jose, Mỹ, Zuckerberg nhấn mạnh vào lộ trình đưa mạng xã hội Facebook tiếp cận gần hơn nữa với thế giới thực bằng cách sử dụng camera điện thoại tạo nên hình ảnh số rồi đưa vào thế giới thực.
Nếu khả năng này được thực hiện, nó sẽ là đột phá mới với smartphone, vốn đang có tốc độ tiến hóa chậm chạp sau nhiều năm phát triển. Tuy nhiên, ẩn sau đó sẽ là các nguy cơ, thậm chí loại bỏ cả vai trò của smartphone.
Thế giới tương lai năm 2026
Một mặt, tầm nhìn Facebook tới năm 2026 nghe rất sáng lạn: bạn sẽ không bị ngăn cách bởi giới hạn vật lý nếu muốn dành thời gian cho ai đó dù họ đang ở bất cứ đâu trên thế giới. Khi đó, bạn chỉ cần gặp họ trong thế giới ảo và mọi thứ sẽ diễn ra như trong đời thực.
Rồi các quầy bán hàng như McDonalds sẽ là chương trình máy tính thông minh có trí tuệ nhân tạo, với avatar đại diện có khuôn mặt người hiển thị trên kính thực tế ảo mà người dùng Facebook đang đeo.
Với Facebook, đây chính là sự mở rộng của sứ mệnh giúp mọi người kết nối với nhau, thậm chí cả những ứng dụng thương mại tiềm năng cũng có thể giúp doanh nghiệp nói chuyện với khách hàng theo cách tự nhiên hơn.
Như Zuckerberg từng nói tại hội nghị F8 rằng tầm nhìn này có thể thay thế mọi màn hình trong ngôi nhà như TV, và một ngày nào đó là cả smartphone, khi kết hợp thế giới thực và thế giới vật lý với nhau mà không cần tới thiết bị phụ trợ. Tất cả chỉ dựa trên chiếc kính thực tế ảo tăng cường của Facebook.
Zuckerberg đang tô vẽ thế giới thực tế ảo cùng những đột phá mà chúng mang lại. |
Với hàng loạt thành quả quan trọng đạt được trong năm vừa rồi, chúng ta hãy cùng nhìn lại xem tác động của tầm nhìn này là như thế nào.
Đầu tiên là tranh cãi xung quanh việc kiểm soát nguồn tin cho các chủ đề mang tính xu hướng của Facebook, đến những tranh luận gần đây về “tin tức sai sự thật”, rồi việc chúng tác động thế nào tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tất cả phơi bày cách thức chúng ta đang khai thác truyền thông xã hội như thế nào, rồi Facebook đã tác động tới nội dung thông tin mà người dùng đọc hàng ngày ra sao, và có thể là cả cách thức chúng ta suy nghĩ như thế nào.
Trong thế giới thực tế ảo mà Facebook đang xây dựng, hãng có thể kiểm soát mọi thứ chúng ta thấy và trải nghiệm. Các thuật toán bí mật của Facebook sẽ có cơ hội phát huy tác dụng và mang lại những trải nghiệm mà chúng ta chưa từng biết tới, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới cảm nhận của mọi người.
Nói một cách ngắn gọn, thực tế có thể bị bóp méo trên mạng xã hội. Trong một thế giới Instagram tràn ngập ảnh đăng lên, thực tế ảo khiến người ta dễ dàng thể hiện một cuộc sống không hề tồn tại.
Như Zuckerberg nói: “Bạn có thể thêm một tách cafe thứ hai để trông có vẻ bạn không đang ăn sáng một mình”.
Thực tế thì sao, bạn đang ăn sáng một mình nhưng lại không muốn thể hiện mình đang cô đơn, và phải che đậy bằng một tách cafe đặt thêm ở bên cạnh.
Ở mức độ cao hơn, mọi thứ có thể có thể trở nên kỳ quặc, thậm chí gây ảnh hưởng rất xấu. Chẳng hạn hồi tháng 11 năm ngoái, một lỗi nào đó đã khiến Facebook dán “cáo phó” cho 2 triệu người dùng, trong đó có cả ông chủ Zuckerberg.
Trong thế giới kết nối hiện nay, những thông tin tiêu cực kiểu này sẽ để lại những hậu quả vô cùng tai hại.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu một sai sót nào đó của kính thực tế ảo Facebook khiến bạn không thể nhìn thấy ai đó trong tầm mắt, hoặc nhìn thấy người nào đó mà thực ra họ lại không ở đó.
Nghe có vẻ như lo lắng thái quá nhưng thực tế những lo ngại tưởng chỉ có trong thế giới khoa học viễn tưởng này đang dần trở thành hiện thực.
Còn nhớ khi mới ra đời Facebook chỉ là công cụ giải trí đơn thuần, nhưng giờ đây nó đã trở thành phương tiện hội thoại quan trọng trong nền chính trị toàn cầu. Nếu thêm khả năng thực tế ảo và thực tế tăng cường, Facebook hy vọng sẽ tạo nên đột phá, thêm một lần và mãi mãi.