Việc sử dụng smartphone đem đến cho người dùng sự thuận tiện khi có thể online mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, bản chất 2 mặt của một vấn đề khiến người dùng bị các vấn đề về mặt tâm lý.
Tôi đã có cuộc trò chuyện với một số bạn học sinh về cách mà họ sử dụng điện thoại. Nổi bật nhất trong đó là Lan Anh, 14 tuổi, em sở hữu smartphone từ cách đây 4 năm.
Chúng tôi đã trò chuyện về những bài hát yêu thích, về The Face hay chuyện du lịch ở Đà Nẵng. Cuối cùng, tôi hỏi về những sở thích của em với bạn bè. Không ngần ngại, em cho biết “hành động duy nhất em cảm thấy muốn đi cùng mọi người là chơi tại trung tâm thương mại”.
Tuy nhiên, số lần đi chơi trung tâm thương mại cùng bạn bè chỉ đếm trên đầu ngón tay, một lần/tháng. Thông thường, họ dành thời gian chủ yếu cho nhau qua smartphone. Ngày nay, người trẻ muốn dành thời gian nhiều hơn cho việc “nói” trên chiếc điện thoại và các ứng dụng như Snapchat, Facebok hay Instagram.
Nếu kỷ niệm, họ sẽ chọn và biết tới mốc thời gian họ kết bạn và nói chuyện trên Facebook hay Zalo. Nó không đơn thuần là những kỷ niệm tình bạn phải ghi vào thời gian biểu hay nhật ký.
Ngày kỷ niệm tình bạn của họ được chọn từ những dấu mốc trên mạng xã hội Facebook hay Zalo. Nó không còn là thời gian đầu tiên hai bạn gặp gỡ và trò chuyện.
Thi thoảng, Lan Anh chụp lại những khoảnh khắc, lời nói “hớ hênh” của những người bạn. Họ gọi đó là những “kỷ niệm vui”.
Lan Anh cũng cho biết thêm, hầu hết thời gian mùa hè, cô đều “cắm đầu vào" chiếc smartphone. Nói về việc này, thay vì ái ngại, cô cho rằng “chúng em không được quyền lựa chọn cách để tìm hiểu cuộc sống ngoài việc sử dụng smartphone. Những thiết bị này còn hữu ích hơn cả con người”.
Thực tế, có những khác biệt khá lớn giữa những thế hệ khác nhau, đặc biệt trong 25 năm gần đây. Tiến sĩ tâm lý Jean M.Twenge, người dành cả đời thời gian để nghiên cứu về vấn đề này đã cung cấp một số thông tin hữu ích.
Theo đó, những đặc điểm đặc trưng của một thế hệ sẽ xuất hiện dần dần, theo một chuỗi liên tục. Những hành vi và niềm tin vào nó được tiếp tục phát triển để đến một mức nhất định.
Thế hệ Millennials (thế hệ sinh năm 1980 đến đầu những năm 2000) là điển hình cho điều đó. Họ là những người có sự tự tôn và độc lập cao. Tuy nhiên, tính cách này bắt nguồn từ “Baby Boomer” hay còn gọi là thời kỳ “bùng nổ trẻ sơ sinh” những năm 1930-1945. Tại thời điểm đó, sự phát triển còn chậm, dao động theo biểu đồ hình sin nhỏ.
Tuy nhiên, năm 2012, tiến sĩ tâm lý Jean M. Twenge phát hiện ra sự thay đổi bất ngờ của nhóm người trong độ tuổi thiếu niên. Điều này chưa từng xảy ra trong quá khứ. Những điểm đặc trưng của Millennial bắt đầu biến mất nhanh chóng theo đồ thị dựng đứng.
“Sự quyến rũ của tính cách độc lập, mãnh mẽ của thế hệ trước không còn là hình tượng đối với các bạn trẻ thời nay”
Sự khác biệt lớn giữa thế hệ Millennial và thế hệ ngày nay không chỉ ở quan điểm sống mà còn là cách sử dụng thời gian. Những trải nghiệm của teen hiện nay khác biệt hoàn toàn so với những người anh, chị đã trưởng thành trước họ vài năm.
Câu hỏi được đặt ra với mỗi người? Điều gì đã xảy ra vào năm 2012 làm thay đổi hoàn toàn đặc trưng của một thế hệ? Nhiều người sẽ nghĩ đến ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế diễn ra trước đó 3 năm. Nhưng tỷ lệ người dùng smartphone tại một số quốc gia vượt quá mức 50% mới là lý do chính.
Thái độ và cách nhìn nhận cuộc sống của thế hệ 9x và 10x hiện tại quá khác biệt. Điều đó hình thành do sự phổ cập smartphone cũng như sự nở rộ của truyền thông xã hội. Có lẽ, cái tên iGen phù hợp cho những tính cách mà họ bị ảnh hưởng từ sự phát triển của điện thoại thông minh mà điểm khởi đầu là iPhone.
Sinh ra từ năm 1995 đến 2012, những thành viên của thế hệ này đang lớn lên cùng những chiếc smartphone. Họ bắt đầu tham gia Facebook trước khi bước vào trường trung học cơ sở. Thậm chí, thế hệ này còn không nhớ được khoảng thời gian trước khi tiếp xúc với Internet.
Ngược lại, thế hệ Millennials lớn lên cùng với sự phát triển của web. Tuy nhiên, chưa bao giờ cuộc sống của những con người này gắn chặt vào nó cả ngày lẫn đêm.
Sự xuất hiện của smartphone đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của những thanh thiếu niên trong mọi khía cạnh, từ cách thức tương tác xã hội, sức khoẻ đến đời sống tâm lý của họ. Tầm ảnh hưởng của nó rộng khắp, tác động đến những đứa trẻ trên mọi miền đất nước cũng như mọi gia đình. Nơi nào có sóng di động, tại đó nhiều thanh niên gắn chặt cuộc sống với smartphone.
Luôn có 2 mặt của một vấn đề. Sự phát triển của điện thoại thông minh đến giới trẻ cũng vậy. Smartphone giúp họ không còn cảm thấy cô đơn. Thay vì uống rượu hay đua xe, rồi đặt mình vào tình huống nguy hiểm, thế hệ sau của Millennials đã chọn lựa cách an toàn hơn.
Tuy nhiên, về mặt tâm lý, iGen dễ bị tổn thương hơn thế hệ trước. Tỷ lệ trầm cảm và tự sát ở trẻ vị thành niên tăng vọt từ năm 2011. Những con số đã nói lên việc giới trẻ hiện nay đang gặp khủng hoảng tinh thần tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ smartphone.
Những sự kiện như chiến tranh, phát minh mới hay một buổi hoà nhạc miễn phí cũng không tác động đến giới trẻ hiện nay. Cha mẹ, nhà trường đều đang tìm giải pháp thay đổi để phù hợp với văn hoá cũng như tính cách của iGen.
Smartphone đã và đang tác động lớn đến giới trẻ. Nó ảnh hưởng sâu rộng và xuyên suốt đến từng người trong họ. Có nhiều bằng chứng cho thấy, di động thông minh ảnh hưởng đến việc người trẻ cảm thấy thất vọng về cuộc sống.
Thực sự iGen giờ đã thay đổi quá nhiều so với thế hệ trước. Họ không còn muốn tự lập hay tham gia các hoạt động khẳng định bản thân. Thế giới của họ giờ đây dường như đang phụ thuộc vào smartphone.
Một bạn học sinh lớp 10, trung học phổ thông Việt Đức cho biết: ”không có smartphone em cảm thấy trống vắng, không biết làm gì”. Thậm chí, nhiều người còn cho biết chiếc điện thoại là vật bất ly thân của họ kể cả lúc đi ngủ.
Từ bao giờ, một em học sinh lại không biết làm gì khi thiếu chiếc smartphone. Đó là sự khác biệt, thế hệ trước có những hoài bão về sự tự lập. Họ hứng thú tham gia nhiều hoạt động mà không bao giờ cảm thấy nhàm chán.
Một điều khá buồn nữa, iGen dành nhiều thời gian cùng bố mẹ hơn, biệt lập với xã hội. Tuy nhiên, sự gắn kết gia đình không phát triển hơn thế hệ trước. Ngọc Hồng, một cô gái 16 tuổi cho biết: "Em ít khi nói chuyện với bố mẹ một cách chính thức. Thông thường, chỉ là những từ ngữ thông báo hoặc gọi ăn cơm. Sau đó, tất cả mọi người lại quay trở về với phòng và sử dụng những tiện ích thông minh”.
Mối quan hệ bạn bè của iGen cũng đi xuống. Theo thống kê, thời gian giới trẻ hiện nay dành cho bạn bè đã giảm 40% từ năm 2000 đến nay. Nhiều người nghĩ việc này sẽ giúp iGen tập trung hơn vào việc học tập, đọc sách hay vận động cơ thể với những môn thể thao yêu thích. Nhưng trên thực tế, hầu hết quỹ thời gian này đều dành cho những tiện ích trên smartphone.
Thống kê đã chỉ ra, những thiếu niên dành nhiều thời gian trên các phương tiện truyền thông xã hội có khả năng cao không cảm thấy hạnh phúc. Ngoài ra, nó còn dẫn đến chứng bệnh trầm cảm.
Lời khuyên để tìm được hạnh phúc cho những người thuộc thế hệ iGen: “bỏ smartphone, tắt máy tính và làm bất cứ công việc nào khác”. Một cuộc thử nghiệm diễn ra tại Mỹ, các sinh viên nhận được một tin nhắn với 5 liên kết nhiều lần trong một ngày. Tâm trạng của họ đã thay đổi theo hướng tiêu cực và dễ nổi nóng.
Dễ nhận thấy, việc sử dụng smartphone trước khi lên giường làm người dùng mất ngủ. Điều này dẫn đến những bệnh như suy nhược, cao huyết áp, tăng cân. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến tâm trạng, lâu dần dẫn đến lo lắng và trầm cảm.
Ngoài ra, hầu hết người dùng smartphone đều sử dụng mạng xã hội. Facebook là một ví dụ tiêu biểu cho điều đó. Nó giúp các bạn trẻ có thêm nhiều bạn bè, dễ dàng kết nối được với họ. Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết họ cảm thấy “cô đơn” trên Facebook.
Thực tế, smartphone đang ngày càng phát triển. Những đứa trẻ chỉ 3,4 tuổi đã sử dụng thành thạo iPad hay iPhone. Việc ngăn cấm hoàn toàn giới trẻ tiếp xúc với nó sẽ mang lại nhiều tiêu cực và rào cản thông tin. Những bậc cha mẹ cần có những giới hạn sử dụng smartphone cho con mình về cả thời và nội dung.