Vài năm gần đây, nhiều ý kiến cho rằng thị trường điện thoại thông minh đã trở nên bão hòa. Hiện tại, không khó để người dùng có thể tìm được cho bản thân một chiếc máy với màn hình hiển thị đẹp, hiệu năng mạnh mẽ, camera chụp hình tốt hay được trang bị nhiều công nghệ bảo mật.
Những chiếc smartphone từ tầm trung đến cao cấp gần như có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của người dùng. Điều này vô tình khiến chúng dần trở nên giống nhau và nhàm chán.
Tuy nhiên, trong năm 2019, các nhà sản xuất di động đã tạo ra được không ít điều mới mẻ, giúp thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận của người dùng với một chiếc điện thoại.
Điện thoại màn hình gập
Smartphone màn hình gập là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trong ngành công nghiệp di động 2019. Hiện tại, chúng ta đã có hàng loạt thiết bị như Samsung Galaxy Fold, Motorola Razr hay một chiếc điện thoại ít người biết đến hơn là Royole Flexpai.
Điện thoại màn hình gập không còn là điều giả tưởng, chỉ xuất hiện trên phim. Ảnh: PhoneArena. |
Bên cạnh việc mang đến một vẻ ngoài hoàn toàn mới, thoát khỏi lối mòn thiết kế hiện nay, những mẫu smartphone màn hình gập được kỳ vọng sẽ giúp các hãng di động phục hồi doanh số bán máy đang có chiều hướng suy giảm qua các năm.
Điểm hạn chế lớn nhất của những chiếc smartphone màn hình gập trong thời điểm hiện tại là mức giá. Samsung Galaxy Fold được bán ra tại Việt Nam với mức giá 50 triệu đồng, cao hơn bất cứ chiếc điện thoại thông minh nào từng được bán ra (không tính các phiên bản đặc biệt như mạ vàng). Những model khác như Huawei Mate X hay Motorola Razr cũng có giá bán lần lượt là 2.600 USD và 1.500 USD
Theo Pocketnow, trong một vài năm đầu ra mắt, người dùng cơ bản sẽ khó có thể tiếp cận với những mẫu máy này vì mức giá của chúng. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, giá bán của sản phẩm sẽ giảm theo thời gian, người dùng có thể phải chờ vài thế hệ sau.
Hiện tại, vẫn chưa thể khẳng định điện thoại màn hình gập sẽ trở thành tương lai của ngành công nghiệp di động. Dù vẫn còn một số nghi ngại về độ bền khi sử dụng lâu dài, nó cũng đang cho thấy sự tác động không nhỏ đến thế giới smartphone từ thiết kế đến cách người dùng thao tác với máy.
Phần cứng mạnh mẽ
Trang PhoneArena nhận định với những thế hệ chip gần đây của Apple đã giúp nâng cấp đáng kể hiệu suất hoạt động trên các thiết bị của hãng. Ngay cả con chip Snapdragon 855 đến từ Qualcomm cũng cho thấy sức mạnh tương tự.
Hiện tại, mọi tác vụ trên điện thoại thông minh đều có thể được xử lý mượt mà ngay cả với những tựa game nặng. Cấu hình không còn là điều quá quan trọng khiến người dùng phải lo lắng mỗi khi chọn mua một mẫu điện thoại.
Cấu hình không còn là điều khiến người dùng lo lắng trên smartphone. Ảnh: PhoneArena. |
Bên cạnh đó, màn hình cũng được các hãng đầu tư nhằm nâng cao trải nghiệm sử dụng. Đa số smartphone cao cấp hiện tại đều được trang bị tấm nền OLED, cho màu sắc rực rỡ, nịnh mắt.
Ngoài ra, sử dụng màn hình tần số quét cao cũng trở thành một trào lưu trong năm 2019. ROG Phone II của Asus được trang bị màn hình với tần số quét 120 Hz. Trong khi đó, nhiều model khác như OnePlus 7 Pro, Google Pixel 4 XL cũng sử dụng màn hình có tần số 90 Hz.
Camera trên di động ngày càng tốt hơn
2019 là năm cho thấy sự phát triển vượt trội của camera trên các thiết bị di động. Mỗi nhà sản xuất đều cố gắng đưa ra các giải pháp khác nhau như tăng độ phân giải cảm biến, kết hợp nhiều ống kính, zoom quang học hay sử dụng thuật toán chụp hình.
Trào lưu nhiều camera, chụp ảnh sử dụng thuật toán nở rộ trong năm 2019. Ảnh: PhoneArena. |
Một trong những xu hướng nổi bật trong năm 2019 là việc sử dụng cảm biến với độ phân giải cao. Năm 2018, người dùng khó có thể tìm thấy một chiếc máy khác cũng sử dụng cảm biến 40 MP như trên Huawei P20 Pro.
Tuy nhiên, đến năm 2019, ống kính với độ phân giải 48 MP hay 64 MP lại trở nên phổ biến và xuất hiện ngay trên nhiều model giá rẻ. Thậm chí, gần đây nhất chiếc Mi Note 10 đã trở thành mẫu di động đầu tiên trên thế giới được trang bị cảm biến 108 MP.
Trong khi các hãng di động Trung Quốc liên tục tăng độ phân giải cảm biến, Apple và Google lại tập trung vào việc phát triển tính năng chụp hình bằng thuật toán.
Google Pixel 4 được xem là ví dụ điển hình khi nhắc đến chụp ảnh bằng thuật toán. Thuật toán phần mềm mang lại cho máy nhiều hiệu ứng chụp ảnh như làm mờ phông, chế độ tối, nhận diện khung cảnh bằng AI...
Cũng nhờ thuật toán phần mềm mà chúng ta mới có chế độ zoom "lai" của Huawei P30 Pro, chế độ chụp thiên văn của Pixel 4 hay Deep Fusion trên iPhone 11 Pro.
Tuổi thọ pin tăng cao
Những năm trước, các nhà sản xuất di động luôn theo đuổi thiết kế mỏng, nhẹ. Điều này khiến hãng buộc phải hy sinh cắt giảm dung lượng pin trên sản phẩm. Tuy nhiên, điều này đã nhận phải không ít ý kiến trái chiều từ người dùng.
Trên thực tế, người dùng không cần một thiết bị quá mỏng. Thay vào đó, một chiếc máy có thể cân đối giữa thiết kế vừa phải cùng dung lượng pin lớn sẽ là sự lựa chọn được ưa chuộng hơn.
Các hãng đã không còn chạy theo trào lưu gọt mỏng điện thoại làm giảm dung lượng pin như những năm trước. Ảnh: PhoneArena. |
Nhận thấy điều này, những chiếc điện thoại cao cấp không còn đi theo triết lý thiết kế mỏng nhẹ như trước. Những model như Samsung Galaxy Note10+ giữ ngoại hình cân đối, trong khi vẫn được tích hợp viên pin dung lượng 4.300 mAh. Ngay cả với chiếc iPhone 11 Pro Max của Apple, hãng cũng không cố gọt mỏng thiết bị để có thể trang bị viên pin 4.000 mAh.
Bên cạnh đó, việc sử dụng những con chip thế hệ mới trên tiến trình nhỏ hơn, cùng với khả năng tối ưu hóa phần mềm cũng giúp tăng thời lượng sử dụng pin trên máy.
Cuộc chiến về giá đã kết thúc?
Trong 2 năm 2017 và 2018, giá bán smartphone cao cấp liên tục tăng cao. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này vì người dùng đang sử dụng thiết bị của họ lâu hơn trước. Điều này khiến các hãng buộc phải tăng giá bán nhằm duy trì doanh thu.
Thay vì chỉ tập trung vào các model cao cấp, cả Apple và Samsung đều tạo ra những thiết bị có mức giá rẻ hơn để tiếp cận với nhiều người tiêu dùng. Ảnh: PhoneArena. |
Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng giá những model cao cấp nhất, những ông lớn cũng "chơi chiêu" thu hút người dùng bằng các thiết bị có giá bán rẻ hơn.
Năm 2018, Apple ra mắt chiếc iPhone XR với giá 750 USD, được xem như phiên bản rút gọn của XS Max. Theo nghiên cứu của Counterpoint Research, iPhone XR là model bán chạy nhất toàn cầu trong quý III/2019, chiếm 3% thị phần. Trên thực tế, XR cũng là model bán chạy nhất trên toàn cầu từ quý IV/2018.
Năm 2019, Apple tiếp tục ra mắt chiếc iPhone 11 với mức giá thậm chí rẻ hơn 50 USD so với XR. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử bán hàng của hãng. Điều đó cho thấy một model cao cấp "giá rẻ" quan trọng ra sao đối với việc tăng doanh số bán hàng.
Samsung đã làm điều tương tự với chiếc Galaxy S10e. Theo một số thông tin rò rỉ gần đây, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cũng chuẩn bị ra mắt bộ đôi Note10 Lite và S10 Lite "giá rẻ".
Trên thực tế, cuộc đua về giá trên những model cao cấp vẫn chưa kết thúc. Với việc ra mắt điện thoại màn hình gập, giá bán của những thiết bị này dự kiến tiếp tục tăng cao.