Theo Apple Insider, nhiều người dùng có xu hướng bán điện thoại đang sử dụng để đổi sang đời mới ngay khi sản phẩm vừa ra mắt, đặc biệt là nhóm khách hàng smartphone cao cấp. Thiết bị nào giữ giá cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm của đối tượng người dùng này.
"Trung bình trong năm đầu tiên, iPhone mất 23,45% giá trị, năm thứ hai vào khoảng 45,46%", trang mua bán điện thoại cũ BankMyCell cho biết. Lấy iPhone XR làm ví dụ, mẫu máy ra mắt cuối 2018 với giá 749 USD, đến 2019 còn 647 USD.
Smartphone Android giảm giá trị gấp đôi iPhone sau năm đầu sử dụng. Ảnh: Android Central. |
Smartphone Android trượt giá thảm hại
Tình hình còn tệ hơn với các smartphone Android. Mẫu Samsung Galaxy S10 được tung ra thị trường tháng 3/2019 cũng với mức giá 749 USD, nhưng đến cuối năm đã giảm 278 USD.
Sau năm đầu sử dụng, các thiết bị Android mất 48,65% giá trị, gấp hơn hai lần so với iPhone. Sau 2 năm, thiết bị Android mất 79,66% giá bán.
Samsung là hãng ít mất giá nhất trong thế giới Android. Mức giảm cao nhất thuộc về LG G7 ThinQ với 89,7%, từ 749 USD xuống còn 77 USD. Cái tên đáng chú ý khác có thể kể đến Sony X22 Premium khi giảm đến 999 USD chỉ sau một năm.
Pixel của Google mất 38,46% giá trị sau năm đầu sử dụng. Pixel 4 dẫn đầu bảng xếp hạng tổng thể với mức giảm 40,56%, tương đương 160 USD.
Các mẫu Android trượt giá thảm hại chỉ sau một năm ra mắt. Ảnh: iTechify. |
Có nhiều yếu tố dẫn đến mức giảm của smartphone như thời gian cập nhật hệ điều hành, tuổi thọ và hiệu suất phần cứng. iPhone nhờ được cập nhật phần mềm mới liên tục trong nhiều năm nên vẫn giữ được giá cao.
Trong khi đó, dù nhận được các bản cập nhật phần mềm nhanh chóng, dòng Pixel của Google thường gặp phải các sự cố phần cứng nghiêm trọng.
Việc smartphone Android trượt giá mạnh có thể lý giải bởi cuộc chạy đua giữa các hãng sản xuất. Samsung, LG, Sony và HTC đều tung ra rất nhiều sản phẩm cao cấp, cấu hình mạnh trong năm nhằm chiếm lĩnh thị trường. Khi sản phẩm mới ra mắt, những thiết bị trước đó nhanh chóng bị lỗi thời.
Chiến lược của Apple
Tính phân mảnh của hệ điều hành Android cũng góp phần ảnh hưởng đến mức giảm giá sản phẩm. Nếu iPhone chỉ ra mắt mỗi năm một dòng máy, các thiết bị không quá cũ vẫn có thể cập nhật đầy đủ tính năng iOS mới, với Android lại là câu chuyện khác.
Thông thường, một chiếc điện thoại Android chỉ được cập nhật 1-2 bản cập nhật lớn, sau đó dừng lại bởi không đáp ứng được yêu cầu về cấu hình, hoặc nhà sản xuất đã dừng hỗ trợ model đó để tập trung cho sản phẩm mới hơn.
Việc iPhone giữ được giá trị trong thời gian dài khiến cho vòng đời điện thoại trở nên lâu hơn. Nhờ liên tục được cập nhật phần mềm trong năm cùng các bản vá bảo mật, iPhone cũ vẫn tiếp tục được mua bán và sử dụng, góp thêm doanh thu cho mảng dịch vụ như Apple Music.
iPhone cũ vẫn tiếp tục được mua bán và sử dụng, góp thêm doanh thu cho mảng dịch vụ như Apple Music. Ảnh: iMore. |
Giá bán cao còn khiến doanh số các mẫu iPhone cao cấp ra mắt trong tương lai tăng vì người dùng được trợ giá từ các sản phẩm cũ thông qua chương trình “thu cũ đổi mới”.
Chiến lược giá này của Apple không chỉ giúp công ty thu được lợi nhuận cao, nó còn tạo cơ sở để người dùng sử dụng iPhone lâu dài.
Thị trường mua bán iPhone cũ cũng giống như ôtô hạng sang. Nếu Apple sản xuất thiết bị giá thành rẻ hơn như mô hình các thương hiệu Trung Quốc áp dụng nhiều năm qua, doanh số bán sẽ tăng nhưng chỉ ở thời gian ngắn hạn, trong khi làm giảm khả năng phát triển sản phẩm cao cấp và lợi nhuận cho phép Apple đầu tư vào các công nghệ khác. Hệ quả tiếp theo là vị trí độc tôn của công ty trong ngành smartphone cũng sẽ bị lung lay.