10. David Dein (cười): Cựu Phó chủ tịch Arsenal xứng đáng có mặt trong danh sách này. Dein chính là người đưa HLV Arsene Wenger về Highbury (sân mới Emirates) năm 1996. Ông cũng là người uy tín và có tiếng nói tại Premier League. Ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến tình hình đội bóng và thường xuyên bàn bạc với HLV Wenger về các vụ chuyển nhượng. Rất nhiều thành viên “Pháo thủ” tiếc nuối khi David Dein chia tay Arsenal năm 2007. |
9. Jose Mourinho: Chiến lược gia người Bồ Đào Nha là một trong những HLV thành công nhất trong hơn thập kỷ gần đây. Dù làm việc ở Porto, Chelsea (hai lần), Inter Milan hay Real Madrid, Mourinho cũng luôn mang về cho CLB danh hiệu lớn, trong đó có 2 “cú ăn ba”, 3 “cú đúp” và 8 chức vô địch quốc gia. Mourinho là người hiếu chiến, tự cao tự đại. Tuy nhiên, ông cũng là người đáng tin cậy. |
8. Roman Abramovich: Sau khi mua lại Chelsea từ Ken Bates ngày 1/7/2003, Roman Abramovich nhanh chóng thể hiện sự chịu chơi. Ngay trong tháng đầu tiên, doanh nhân người Nga ném vào thị trường chuyển nhượng tới 111 triệu bảng. Nhờ “túi tiền không đáy” của nhà tài phiệt người Nga, “The Blues” không ngừng lột xác và trở thành thế lực hàng đầu Premier League trong thập kỷ qua. |
7. David Beckham: Cựu danh thủ người Anh vừa gia nhập Instagram tháng trước, nhưng tới nay anh đã có 7 triệu người theo dõi. Ngoài ra, Fanpage của Beck còn có 51,6 triệu like trên Facebook. Chừng đó cho thấy danh tiếng của cựu tiền vệ 40 tuổi rất lớn. Trong 11 năm gắn bó cùng Manchester United, Beckham ra sân 394 trận, ghi 85 bàn thắng giúp CLB giành 12 danh hiệu, trong đó có 6 chức vô địch Premier League, 2 FA Cup và 1 Champions League. Trước khi treo giày năm 2013, Beckham còn thi đấu cho những CLB như Real Madrid, LA Galaxy, AC Milan và PSG. |
6. Jean-Marc Bosman: Trong sự nghiệp cầu thủ, cựu tiền vệ người Bỉ chưa từng thi đấu tại Anh. Tuy nhiên, những gì ông mang lại cho bóng đá xứ sương mù là rất lớn. Vụ kiện do ông khởi xướng tạo ra luật Bosman. Nó cho phép cầu thủ ra đi tự do khi hết hạn hợp đồng và phá bỏ quy định hạn chế số cầu thủ nước ngoài trong mỗi trận đấu. Đầu những năm 1990, chỉ vài chục cầu thủ gia nhập Premier League. Thế nhưng, sau một thập kỷ kể từ khi luật Bosman ra đời (1995), hơn 1.000 cầu thủ nước ngoài có cơ hội chơi bóng tại giải đấu danh giá nhất xứ sở sương mù. |
5. Richard Scudamore: Ông tiếp quản chiếc ghế Tổng giám đốc Premier League năm 1999. Dưới sự điều hành của Scudamore, giải đấu danh giá nhất xứ sương mù không ngừng lớn mạnh và nhận được những hợp đồng bản quyền truyền hình (BQTH) khổng lồ. Trong đó, BQTH với các đối tác bên ngoài lãnh thổ Anh tăng 30 lần trong vòng 15 năm. Năm 2001, tổng số tiền BQTH mang lại là 212 triệu bảng. Con số này tăng lên 3 tỷ bảng trong năm 2016. |
4. Arsene Wenger: Tháng 7/1996, Giám đốc Glenn Hoddle muốn bổ nhiệm Wenger làm Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá Anh (FA). Tuy nhiên, Phó chủ tịch David Dein thuyết phục thành công cựu HLV Monaco từ chối lời mời của Hoddle để dẫn dắt Arsenal, thay người tiền nhiệm Bruce Rioch. Khi đó, các tờ báo tại Anh đồng loạt đưa tiêu đề: “Wenger là ai?”. Tuy nhiên, họ sớm nhận được câu trả lời. Dưới sự dẫn dắt của “Giáo sư”, Arsenal lột xác và trở thành thế lực tại Premier League suốt hai thập kỷ qua. |
3. Eric Cantona: Nói đến Manchester United trong kỷ nguyên Premier League, người hâm mộ không thể không nhớ đến Eric Cantona. Cựu danh thủ người Pháp là người giúp M.U trở thành một trong những CLB vĩ đại nhất thế giới. Sau 5 mùa giải chơi bóng tại Old Trafford (1992-1997), Cantona cùng “bầy Quỷ đỏ” giành 4 danh hiệu Premier League, 2 FA Cup và 3 Charity Shield. Khi quay quảng cáo về Cantona, Nike từng nói: “1966 là năm vĩ đại nhất bóng đá Anh. Đó là năm sinh của Eric”. |
2. Rupert Murdoch: Nhà tỷ phú người Mỹ gốc Australia sở hữu khối tài sản lên tới 8,5 tỷ bảng (13,4 tỷ USD). Murdoch là người đặt nền móng cho dịch vụ truyền hình trả tiền. Premier League gắn liền với Sky, một kênh truyền hình trả tiền. Giá trị bản quyền truyền hình Premier League từ năm 2016-2019 do Sky mang lại lên tới 5 tỷ bảng. Nếu không có Sky, Premier League chưa chắc đã nổi tiếng như ngày nay. |
1. Sir Alex Ferguson: Sẽ không quá nếu cho rằng lịch sử Premier League thuộc về Sir Alex. Người đàn ông sinh tại Govan, Glasgow (Scotland) nâng tầm giải đấu khi đưa Manchester United trở thành CLB vĩ đại nhất thế giới suốt 25 năm qua. Trước khi quyết định nghỉ hưu cuối mùa 2012/2013, HLV huyền thoại 73 tuổi bổ sung vào phòng truyền thống tại Old Trafford bộ sưu tập khổng lồ với 38 danh hiệu, nổi bật nhất là 13 chức vô địch Premier League, 5 FA Cup, 2 Champions League, 4 League Cup và 10 Community Shield. |
50 người có ảnh hưởng lớn nhất trong kỷ nguyên Premier League:
Top 50: Steven Gerrard (50), Peter Ridsdale (49), Didier Drogba (48), Karren Brady (47), Philip Don (46), Sol Campbell (45), Gary Lineker (44), Carlos Tevez (43), Rune Hauge (42), Kevin Keegan (41).
Top 40: Rio Ferdinand (40), John Terry (39), Paul Hawkins (38), Cristiano Ronaldo (37), Frank Lampard (36), George Graham (35), Gia đình nhà Glazer (34), Gary Neville (33), Dennis Bergkamp (32), Andy Melvin (31).
Top 30: Jorge Mendes (30), Gianfranco Zola (29), Gordon Taylor (28), Peter Schmeichel (27), Juninho (26), Peter Kenyon (25), Bobby Robson (24), Wayne Rooney (23), Ken Bates (22), Ryan Giggs (21).
Top 20: Harry Redknapp (20), Sacha Gaydamak (19), Patrick Vieira (18), Roy Keane (17), Jack Walker (16), Lord Taylor (15), Thierry Henry (14), Kenny Dalglish (13), Alan Shearer (12), Sheik Mansour (11).
Top 10: David Dein (10), Jose Mourinho (9), Roman Abramovich (8), David Beckham (7), Jean-Marc Bosman (6), Richard Scudamore (5), Arsene Wenger (4), Eric Cantona (3), Rupert Murdoch (2), Sir Alex Ferguson (1).