T
ùy thuộc vào điều kiện của gia đình và bản thân, mỗi sinh viên khi thuê nhà lại gặp những vấn đề khác nhau trong sinh hoạt. Nhiều bạn trẻ khi được hỏi về cuộc sống ở nhà trọ đều cười nói rằng có "kể khổ cả ngày cũng chưa hết".
Ám ảnh vì không có điều hòa, chủ cấm bạn đến chơi
Hoàng Ánh (23 tuổi, quê Lạng Sơn) vừa tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Từ năm 2 đại học, 9X cùng một cô bạn cùng lớp thuê trọ gần trường ở khu Cầu Giấy (Hà Nội) với giá 1,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài số tiền 3 triệu đồng cha mẹ gửi hàng tháng, từ cuối năm 2 đến đầu năm 3, Ánh làm thêm việc làm sub (phụ đề) cho phim. Với thù lao 5.000 đồng/phút, cô kiếm được 450.000 đồng cho bộ phim lẻ có thời lượng 100 phút.
Trung bình mỗi tháng, cô gái có 4,5 triệu đồng chi tiêu. Trừ 1,3 triệu đồng sinh hoạt phí, cũng như dành một số tiền góp đóng học phí 2,7 triệu đồng/kỳ, Ánh cho biết chỗ đó cũng tạm đủ trang trải sinh hoạt.
Hầu hết sinh viên chia sẻ nỗi khổ khi đi ở trọ trong mùa hè là không đủ tiền sắm điều hòa. Họ chỉ có chiếc quạt điện để "chống chọi" qua thời tiết nóng nực. Ảnh: Thu Thảo. |
"Tiền điện khá đắt 4.500 đồng/số, nước thì 20.000 đồng/khối nên hai đứa mình không dám lắp điều hoà. Bình thường chạy bình nóng lạnh và quạt với giá điện đó cũng đủ tốn tiền. Nhiều lúc mình cũng phải đi vay bạn bè tiêu trước, xong tháng sau có tiền thì trả", Hoàng Ánh nói với Zing.vn.
Để vượt qua mùa hè nóng nực mà không có điều hòa, cô gái Lạng Sơn chia sẻ bí kíp khi còn đi học là rủ bạn ra quán cà phê manga (có nhân vật cosplay và truyện tranh) gọi cốc nước rồi "lê la" ở đó ôn thi.
Giờ Ánh làm công việc dịch báo part-time với thu nhập khá. 9X vui vẻ khoe từ hơn một tháng nay không phải xin tiền cha mẹ nữa. Tuy nhiên, lắp điều hòa ở phòng vẫn là điều nằm ngoài khả năng của 2 nữ sinh mới ra trường. Bởi vậy, cô cho biết cách "trốn nóng" là lên toà soạn ngồi.
Bên cạnh khó khăn về điều kiện sinh hoạt, Hoàng Ánh cho biết ở trọ chung chủ nên giờ giấc không được tự do. Đúng 23h, chủ trọ sẽ khóa cửa bằng chìa riêng. Ai về sau giờ đó chỉ còn cách đi ngủ nhờ nhà bạn bè.
"Chủ trọ mình khá khó tính, hay soi xét nên bạn bè đến chơi phải xin phép trước. Có lần mình đưa cô bạn về ngủ qua đêm nhưng quên không báo, hôm sau bị mắng xối xả", cựu nữ sinh Học viện Báo chí kể.
'Sống chung' với chuột
Khó khăn khi đi thuê trọ với Mai Phương Quỳnh (sinh viên năm 2, ĐH Dược Hà Nội) là phòng nhiều chuột. Loài vật này cắn mọi đồ vật trong phòng, nhiều lần khiến Quỳnh và chị gái giật mình tỉnh dậy giữa đêm.
Dù thử nhiều biện pháp như đặt bẫy, dùng keo dính chuột..., tình trạng này vẫn không được cải thiện.
2 cô gái không lắp điều hòa nhưng không thấy quá nóng, bởi phòng ở tầng một. Tuy nhiên, nhà không chung chủ nên mọi người sống cùng nhà không có ý thức giữ gìn vệ sinh những nơi sinh hoạt chung như cầu thang, khu để xe.
"Mình ở tầng một nên nhiều khi ban đêm tỉnh giấc vì có người đi về muộn nhưng vẫn nổ máy xe vào tận bên trong gây tiếng ồn và bốc mùi xăng xe rất ghê. Thỉnh thoảng mình cũng nhắc nhở một số người quá vô ý thức. Nhà không chung chủ chỉ được một điều là tự do. Về vào giờ nào cũng được", Phương Quỳnh chia sẻ.
Tình trạng "cha chung không ai khóc" xảy ra ở những nhà trọ không chung chủ. Hầu hết mọi người không có ý thức giữ gìn những nơi sinh hoạt chung như hành lang, khu để xe. Ảnh: Thu Thảo. |
Nữ sinh ĐH Dược Hà Nội cho biết chị em cô thuê phòng trọ từ năm 2016 với giá 2 triệu/tháng. Phương Thảo - chị gái Phương Quỳnh, hiện là nhân viên văn phòng - cho biết dù điều kiện sinh hoạt không tốt, hai chị em vẫn quyết định ở lại vì ngại chuyển nhà.
Hơn nữa, nơi Thảo và Quỳnh đang ở, xe khách về quê Nam Định chạy qua trước ngõ nên họ không cần ra bến khi cần.
Hàng xóm ở bẩn, bạn cùng phòng sống cá nhân
Ngọc Diệp (21 tuổi, quê Hưng Yên) thuê nhà trọ trên phố Cầu Giấy từ khi còn là sinh viên năm 3, ĐH Quốc gia Hà Nội. Phòng cô ở có 2 người, đối diện phòng của một nữ sinh năm nhất ĐH Thương Mại.
3 cô gái dùng chung nhà vệ sinh và tận dụng một góc hành lang chật hẹp giữa 2 phòng để nấu ăn. Diệp kể nỗi khổ lớn nhất khi ở trọ là gặp phải hàng xóm không có ý thức giữ vệ sinh chung.
"Ngay từ khi bạn sinh viên chuyển tới phòng đối diện, 3 người chúng mình đã phân lịch cụ thể để quét dọn nhà tắm và hành lang. Thế nhưng đến lịch, bạn đó rất ít khi chủ động dọn dẹp. Nhiều lần, mình phải sang tận phòng gõ cửa nhắc nhở.
Nhà tắm là nơi sinh hoạt chung nhưng bạn đó rất hay quên giặt đồ, cứ để ngâm trong chậu vừa chiếm chỗ, vừa phản cảm. Có khi để gần một tuần mới giặt nếu mình không nhắc. Mỗi như thế, bạn chỉ xin lỗi xong đâu lại vào đó", Diệp kể.
Ngoài vấn đề kể trên, Diệp và bạn quyết định chuyển phòng bởi nhà 2 người thuê không có chỗ để xe, phải đi gửi bên ngoài với phí 200.000 đồng/xe/tháng, môi trường lại phức tạp do chủ nhà không quy định chỉ cho sinh viên thuê.
Nhiều sinh viên khó chịu vì bạn cùng phòng ăn ở bừa bộn, thiếu vệ sinh. Ảnh: Thu Thảo. |
Sau khi nhập học ĐH Kiến trúc TP.HCM cách đây gần 4 năm, Nguyễn Thụy Mỹ Trinh (22 tuổi, hiện là sinh viên năm 4) may mắn tìm được nhà chung cư giá rẻ ở quận 3 cho 4 người ở.
Sống được gần hết năm nhất, Mỹ Trinh quyết định dọn đi, dù rất ưng mức giá 3,5 triệu đồng/tháng. Nữ sinh lý giải khó khăn xuất phát từ việc nhiều thành viên ở chung.
Mỹ Trinh sống hướng đến tập thể, nhưng cô nhận ra điều đó chưa đủ để 4 con người sống cùng trở thành một tập thể. Bởi các sinh viên khóa trên ở cùng cô sống cá nhân, không làm gương và tạo môi trường sống tốt cho các em.
Khó khăn về tài chính cũng khiến Trinh "đau đầu" như nhiều sinh viên khác. Ngoài số tiền cha mẹ cho đóng học phí, 9X tự kiếm thêm tiền trang trải việc ăn uống, sinh hoạt bằng cách làm khá nhiều việc part-time khác nhau như bồi bàn, phục vụ, thiết kế.
Mỹ Trinh chia sẻ dù "cày" không ít việc, cô cũng chưa có điều kiện lắp điều hòa. Nữ sinh vượt qua khổ sở, nóng bức bằng cách chăm ghé các cửa hàng tiện lợi.
Không thể tránh khỏi cô đơn
Là sinh viên năm nhất ĐH Kinh tế TP.HCM, Trần Thị Thu Hằng (18 tuổi, quê Gia Lai) vẫn chưa quen cuộc sống xa gia đình. Nữ sinh cảm thấy khá cô đơn khi nhiều việc phải tự mình làm.
Sống ở nhà trọ với giá thuê gần 3 triệu đồng/tháng có 6 người ở, Thu Hằng tâm sự cha mẹ vẫn phải chu cấp tiền thuê trọ và tiền sinh hoạt cho cô hàng tháng.
"Dù có đi làm thêm công việc nhân viên sale cho cửa hàng lẩu xuất khẩu, mức sống ở thành phố tương đối cao lại chưa biết cách chi tiêu hợp lý nên tiền lương nhận được cũng không đủ để mình tự lo cho bản thân", Thu Hằng bộc bạch.
Nữ sinh kinh tế chia sẻ thêm thời tiết Sài Gòn nóng và oi bức nên không có điều hòa khá khó chịu. Tuy nhiên, cô thấy không có cũng không sao, bởi "dùng quạt nhiều rồi sẽ quen".
Những sinh viên tỉnh lẻ như Thu Hằng, Phương Quỳnh, Ngọc Diệp, Hoàng Ánh, Mỹ Trinh đều có nỗi khổ riêng khi thuê trọ và bám trụ tại thành phố lớn. Tuy nhiên, về mặt tích cực, họ đều cho rằng sinh viên đi học xa nhà có cơ hội va vấp, trưởng thành và tự lập hơn. Bên cạnh đó, họ có thêm nhiều mối quan hệ tốt và học hỏi được nhiều điều từ mọi người xung quanh.
Mùa hè không có điều hòa là nỗi ám ảnh với nhiều sinh viên. Tuy nhiên, họ cũng sáng tạo ra 1.001 cách để đối phó. Hí họa: Minh Tiêu. |