Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Sinh viên ở TP.HCM mắc kẹt trong tâm dịch Covid-19

Nhóm sinh viên Lào, Campuchia được bố trí ở lại ký túc xá của Đại học Quốc gia TP.HCM trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

SINH VIÊN Ở TP.HCM MẮC KẸT TRONG TÂM DỊCH COVID-19

Nhóm sinh viên Lào, Campuchia được bố trí ở lại ký túc xá của Đại học Quốc gia TP.HCM trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 1

Đúng thời điểm này của năm 2020, Phitthoumma Nouitavan, nữ sinh viên năm thứ ba khoa Quan hệ quốc tế đang cùng cha, mẹ và em trai ra vùng ngoại ô thủ đô Viên Chăn (Lào) để du lịch. Mọi người tận hưởng thời gian nghỉ hè khá ngắn của Nouitavan để đi chơi cùng nhau trước khi em quay về TP.HCM học tập.

Thế nhưng, năm nay em phải ở lại trong căn phòng ký túc xá. Giờ đây, Nouitavan không thể trở lại quê nhà vì dịch Covid-19. Em và 4 người bạn cùng phòng quây quần với nhau, nhắc lại kỷ niệm của những ngày tháng rong ruổi khi hè đến.

Ở lại ký túc xá để tránh dịch

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 2

Phitthoumma Nouitavan - sinh viên Lào.

- Mỗi ngày em gọi điện cho người thân nhiều lần anh ạ, nhớ lắm rồi!

- Giờ gọi điện qua smartphone nên cũng đỡ nhớ mọi người.

- Vậy là đã một năm nay, em chưa được về quê đó anh!

Nouitavan, Monemany và những người bạn khác thay nhau trả lời các câu hỏi của phóng viên. Trong số này, những sinh viên năm thứ ba như Nouitavan khá thạo tiếng Việt. Cạnh đó, một bạn mới vào ngành Quan hệ quốc tế chỉ có thể viết ra giấy những chia sẻ của mình rồi nhờ người khác dịch lại.

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 3

Nhóm sinh viên Lào khoảng 140 người được bố trí ở lại ký túc xá tránh dịch. Các em đều đang học tập tại các trường thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Sinh viên Việt Nam đã về quê từ hơn một tháng qua, nhường ký túc xá cho khu cách ly tập trung các trường hợp F1, F2.

Cũng như nhiều bạn khác, Nouitavan từng có ý về nước. Tuy nhiên, gần đến giờ bay, em được người thân thông báo thành phố đang sống bị phong tỏa nghiêm ngặt vì Covid-19. Tất cả dự định và kế hoạch của Nouitavan bị phá vỡ. Em ở lại, tiếp tục học tập, chờ đến khi tình hình dịch bệnh được cải thiện.

Douangpasith Lipda - sinh viên năm thứ hai ngành Quan hệ quốc tế - gần một năm nay chưa về nhà thăm cha mẹ, chưa bao giờ em xa gia đình lâu như vậy.

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 8

Douangpasith Lipda - sinh viên Lào tại ký túc xá của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Lipda nói từ TP.HCM về đến nhà em - tỉnh Luang Prabang - mất chỉ vài giờ bay. Nhưng vì dịch bệnh, khoảng cách địa lý không xa này đã thật sự trở thành rào cản.

Lipda cho rằng ở Việt Nam an toàn vì chính quyền đang đẩy mạnh tiêm vaccine phòng dịch quy mô lớn trong cộng đồng.

“Em và mẹ vẫn hay khóc trong lúc call video với nhau”, Lipda xúc động nói.

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 9

Douangpasith Lipda lao vào việc học online. Thời gian khác, cô giải trí và rèn luyện sức khỏe bằng những bài tập thể dục.

Để làm dịu bớt cảm giác nhớ quê nhà, người thân, Lipda lao vào việc học online, đọc sách. Những lúc khác, bạn tập thể dục với chiếc vòng lớn. Nữ sinh nói rằng bản thân cố không để thời gian trống, tránh những cảm xúc tiêu cực. Với Lipda, dịch bệnh đang khiến con người em mạnh mẽ hơn.

Cũng như Lipda, phần lớn sinh viên ở lại tại ký túc xá đều dành nhiều thời gian cho học online. Không ít bạn đang hoàn thành những bài luận cuối khóa và trao đổi chuyện bài vở hàng ngày cùng giáo viên.

Với Heng Makara (người Campuchia), sinh viên năm cuối ngành Phát triển kinh tế nông thôn, việc học và thi online vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, ngành học của Makara có nhiều nội dung thực hành cuối khoá nên bạn lo ngại mình sẽ tốt nghiệp muộn hơn dự kiến.

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 10

Heng Makara (giữa) - sinh viên Campuchia và các bạn.

“Đây là lần đầu việc học của em bị hoãn vì dịch. Việc học kéo dài thêm có nghĩa là em chưa thể trở về quê nhà. Cha đã xin được cho em một chỗ làm việc ở gần Phnom Phenh. Tuy nhiên nơi đó nói sẽ huỷ lời hứa cho thử việc nếu em không về đúng như dự kiến”, Makara tâm sự.

Chiều muộn, anh Trịnh Văn Giang - nhân viên của ký túc xá - đội mưa chuyển cơm hộp từ ngoài vào toà nhà lô F. Anh vào thang máy, lên các tầng cao hơn - nơi ở hiện tại của sinh viên.

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 11

“Nay có nhà tài trợ, các em được miễn phí 100% tiền cơm nhé. Ngoài ra còn có thêm phần chả cá chiên”, anh Giang vừa nói vừa đến phát cơm cho các bạn. Anh cũng yêu cầu mọi người đăng ký lại các phần ăn vào hôm sau để chủ động nhờ người chuẩn bị, tránh bị thừa hay thiếu đồ ăn.

Ngoài mang cơm, anh cũng thường giúp các bạn nhận mì tôm, nước uống từ bên ngoài. Anh nói công việc này khiến bản thân cảm thấy vui, như thể được cùng lớp sinh viên đàn em vượt qua đại dịch.

Anh Giang là một trong số hàng chục nhân viên của ký túc xá, luân phiên phụ trách hỗ trợ các bạn sinh viên “kẹt” lại vì dịch Covid-19. Mọi người chia việc để cùng mang cơm đến giao miễn phí cho sinh viên, hoặc thu tiền với giá thấp hơn một nửa (chỉ khoảng 15.000 đồng/hộp) so với bình thường.

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 14

Với những phần cơm này, các bạn được hỗ trợ giảm 1/2 giá tiền so với lúc bình thường.

Ngoài ra, các bạn sinh viên cũng có thể đặt hàng online tại siêu thị gần đó và được hỗ trợ mang vào ký túc xá.

Không thể về quê vì phong tỏa

Mấy hôm nay, Nguyễn Hồng Lĩnh, sinh viên năm 3 ngành Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) như ngồi trên đống lửa vì ở quê nhà, bố mẹ và em trai vừa được cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm.

Họ là 3 trong số gần 2.000 người được xét nghiệm thần tốc trong đêm, vì liên quan mấy ca nghi mắc Covid-19. Thật may là người thân của Lĩnh đều có kết quả âm tính, nhưng một phần thôn xóm quê nhà bị căng dây phong tỏa 14 ngày.

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 15

Sinh viên Nguyễn Hồng Lĩnh tâm sự rằng em không thể về quê Bắc Giang dịp này.

Đây đã là lần thứ ba căn nhà của bố mẹ Lĩnh bị phong toả, kể từ khi dịch bệnh bùng phát dữ dội ở Bắc Giang. Trước đó khoảng một tuần, mọi người vui vì căn nhà gỗ cũ kỹ, nhiều nơi hỏng hóc của họ được gỡ phong toả sau 14 ngày.

Dịp Tết Nguyên đán 6 tháng trước là lần về nhà gần nhất của nữ sinh này. Bạn vừa học, vừa lo cho sự an toàn của người thân. Hàng ngày, cô gọi điện liên tục cho gia đình. Đằng sau những giọt nước mắt, nữ sinh viên hiền lành cũng không quên tâm sự với mọi người khó khăn hiện tại.

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 16

Chỉ sau 6 giờ ngày 12/7, TP.HCM ghi nhận 879 ca mắc Covid-19. Nhìn những con số trong cuộc chiến chống dịch, Lĩnh, Lipda, Makara hay bất kỳ công dân nào đang sống, học tập, làm việc tại thành phố đều thấy nặng lòng.

Nơi ở của các bạn là tòa nhà lô F01 của ký túc xá khu B. Tòa nhà này có trên 360 phòng thì hiện tại chỉ có 48 phòng hoạt động. Đây cũng là nơi sinh hoạt, học tập hàng ngày của các em. Rất nhiều bạn đã về quê nhà tránh dịch. Những người còn lại cũng được yêu cầu hạn chế tối thiểu việc tiếp xúc.

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 19

Dịch Covid-19 khiến nhiều thứ thay đổi, trong đó là những thích nghi với yêu cầu và cuộc sống mới. Tạm ngừng học, dừng về quê, học cách cân bằng cảm xúc, cuộc sống... là những điều các bạn đang cố gắng thực hiện mỗi ngày.

"Cố lên TP.HCM, sớm hết dịch nhé!".

Sinh vien ket lai ky tuc xa DH quoc gia TP.HCM anh 22

Phạm Ngôn

Bạn có thể quan tâm