Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới đây có thông báo gây tranh cãi khi quyết định thu học phí học kỳ I năm học mới 2021-2022 từ ngày 31/5 đến 30/6.
Nhiều sinh viên phàn nàn, học kỳ II năm học này còn chưa kết thúc, có sinh viên chưa thi hết môn, nhưng trường đã yêu cầu đóng trước học phí kỳ I của năm sau. Theo họ, yêu cầu đóng học phí ở thời điểm này là quá gấp gáp, trong lúc dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều gia đình, nhiều sinh viên không thể đi làm thêm.
Sinh viên nên giỏi kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Ảnh: Tiền Phong (ảnh được chụp trước ngày 24/4). |
Tình trạng sinh viên nợ học phí
Bà Nguyễn Thị Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nói rằng nhiều năm nay, nhà trường quá thương, nuông chiều, tạo điều kiện cho người học khi cho phép nợ học phí, dẫn đến việc nhiều sinh viên nợ học phí trong nhiều kỳ, không có khả năng trả, không được tốt nghiệp.
“Thời điểm hiện tại, theo thống kê, gần 1.500 sinh viên đến ngày thi còn nợ học phí của học kỳ hiện tại và không được thi hoặc không được tốt nghiệp ở kỳ này”, bà Giang cho biết.
Theo bà, nếu trường tiếp tục không thu học phí trước mà cho sinh viên nợ học phí, con số này có thể tiếp tục tăng ở năm học tới, gây lãng phí chất xám, thời gian, công sức của thầy cô và của chính sinh viên. Bà Giang khẳng định việc thu học phí sớm hoàn toàn không phải vì tiền mà là một cách được tính toán để thay đổi nếp nghĩ của sinh viên học viện.
Đó là muốn hướng sinh viên tới nhận thức rõ trách nhiệm hoàn tất nghĩa vụ tài chính trước khi tham gia học tập. Bà nói rằng trước khi có quyết định chính thức, học viện đã thông báo ít nhất 3 lần thông qua các hình thức như gửi về tất cả các lớp, các cố vấn học tập, đăng tải trên cổng thông tin điện tử và fanpage của học viện nhưng nhiều sinh viên không chú ý.
Năm học 2019-2020, ĐH Ngân hàng TP.HCM phải mạnh tay hủy kết quả học tập học kỳ I với các sinh viên chậm đóng học phí. Trước khi bắt đầu học kỳ, nhà trường thông báo về việc đăng ký học phần kết hợp nộp học phí theo quy định. Tuy nhiên, nhiều sinh viên không tuân thủ quy định của nhà trường, vẫn thực hiện đăng ký học phần, vẫn có tên trong danh sách lớp đã đăng ký.
Sau khi sinh viên theo học một thời gian, nhà trường ra thông báo hai lần nhưng nhiều em vẫn không nộp. Trước đây, do nhà trường nhiều lần thông cảm, xuê xoa trong việc này, nhiều sinh viên nợ học phí.
ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế, cũng vừa thông báo danh sách sinh viên nợ học phí học kỳ I năm học 2020-2021 với số lượng lên đến hơn 1.000 sinh viên ở các khóa học chính quy.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay trước đây, mỗi năm, tiền nợ đọng học phí lên đến hàng tỷ đồng (hàng nghìn sinh viên nợ học phí). Nhưng 5 năm nay, trường áp dụng công nghệ thông tin vào thu học phí và kế hoạch học tập.
Nếu sinh viên chưa nộp học phí, hệ thống tự động không cho phép sinh viên đăng ký các môn học của kỳ học tiếp theo. Vì vậy, chỉ những sinh viên gặp khó khăn, có đơn để trường xem xét giãn học phí mới nợ, còn lại sinh viên thường nộp học phí đúng hạn.
Quản lý chi tiêu cá nhân
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho hay hàng năm, số sinh viên của trường nợ học phí chiếm khoảng 2-3%.
“Đây là vấn đề khó tránh khỏi, nhất là khối các trường kỹ thuật, nhiều sinh viên rơi vào tình trạng nghiện game nên tiền học phí được chi sai mục đích”, ông Bình nói.
Tuy nhiên, trường cũng luôn có giải pháp như chưa đóng học phí, sinh viên sẽ không được thi hết môn.
Để sinh viên không “qua mặt” phụ huynh, dùng tiền học phí cho việc khác, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải đều có thư chúc mừng gửi qua đường bưu điện đến từng phụ huynh, trong đó có thông báo quá trình một năm học ở trường và tình hình đóng học phí của sinh viên.
Ghi nhận thực tế cho thấy tất cả trường đại học đều có tình trạng sinh viên nợ học phí. Một trong những nguyên nhân là sinh viên đang thiếu kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Nhiều sinh viên vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn kinh phí gia đình chu cấp để học đại học, nhưng chi tiêu “lạm phát” dẫn đến việc sinh viên sử dụng tiền đóng học phí để chi trả sinh hoạt phí. Mới chỉ một số trường đại học khối ngành kinh tế đưa môn học quản lý tài chính cá nhân vào giảng dạy cho sinh viên.
Khảo sát “Am hiểu tài chính” do hãng MasterCard tổ chức mới đây tại 16 nước và vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, người trẻ Việt Nam dù hoạch định khá tốt ở mức 73 điểm, nhưng hạn chế về kỹ năng quản lý tiền cơ bản (52 điểm) và yếu nhất về kỹ năng đầu tư tài chính (51 điểm). Có nghĩa, thanh niên Việt yếu nhất hai kỹ năng quan trọng nhất của việc làm giàu: quản lý chi tiêu cá nhân và đầu tư tài chính.
Một số trường đại học ở Việt Nam đã tổ chức các cuộc thi liên quan kỹ năng quản lý tài chính cá nhân để sinh viên làm quen và hình thành thói quen chi tiêu tiết kiệm, có kế hoạch.