Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên Nhật dạy tuyệt chiêu cho môi giới chứng khoán Việt

Trong thời đại của web 2.0, chàng sinh viên Nhật khuyên broker Việt dùng thư tay gửi khách hàng tiềm năng bởi nó đem lại cảm xúc nhiều hơn và "không bỏ cuộc khi bị từ chối".

Một buổi sáng tháng 3, nhân viên lễ tân của Công ty chứng khoán APEC tại Hà Nội tiếp một sinh viên nước ngoài khá đặc biệt. Đó chỉ là một người Nhật mới đến Hà Nội 3 tuần để học tiếng Việt nhưng đề nghị tổ chức buổi thuyết trình về kỹ năng thuyết phục khách hàng cho nhân viên của APEC.

Lúc đó, không hiểu cậu sinh viên có gì hấp dẫn mà cô lễ tân APEC lại đưa lên gặp Chủ tịch HĐQT. Sau khi nói chuyện, Chủ tịch APEC đồng ý với đề nghị vì thấy ấn tượng trước cách tiếp cận cũng như thuyết trình của cậu sinh viên Nhật có tên Yosuke Hayakawa.

Yosuke tin rằng thư viết tay với giấy truyền thống sẽ hiệu quả hơn email.   Ảnh: Lê Hiếu.

Thực tế, Yosuke Hayakawa đã có kinh nghiệm 4 năm làm việc tại bộ phận nghiên cứu tài chính của Nomura Securities Co., Ltd (công ty chứng khoán lớn nhất Nhật Bản) và được cử sang Việt Nam học tiếng Việt 9 tháng. Tuy nhiên, khi đến Công ty chứng khoán APEC cậu chỉ có thể giới thiệu mình là sinh viên bởi không thể đại diện Nomura Securities Co., Ltd đi gặp công ty khác.

Sang Việt Nam học ngôn ngữ nhưng Yosuke Hayakawa vẫn thường mặc bộ đồ nhân viên chứng khoán Nomura: Vest, giày đen và cà vạt nghiêm chỉnh. Dù giới thiệu mình là sinh viên Nhật đang học tiếng Việt ở Đại học Hà Nội nhưng với cách ăn mặc và giải thích chuyên nghiệp, Yosuke vẫn tạo được ấn tượng khác biệt với người gặp mình.

Sáng 15/3 (thứ Bẩy), chàng sinh viên người Nhật có buổi thuyết trình về kỹ năng thuyết phục khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tư vấn, đầu tư chứng khoán tại Công ty APEC. Ngoài việc chuẩn bị công phu slide trình chiếu về những nguyên tắc cơ bản khi thuyết phục khách hàng (song ngữ Anh – Việt), Yosuke còn đem đến những kinh nghiệm cá nhân đặc biệt.

Bí quyết của Yosuke là: "Không bỏ cuộc".   Ảnh: Lê Hiếu.

Trong thế giới của email, skype, điện thoại và facebook… chàng trai Yosuke lại chọn thư tay kiểu giấy dài truyền thống Nhật Bản để giới thiệu bản thân và dịch vụ của Nomura với khách hàng. Gửi thư tay, giúp đỡ các việc có thể tại trụ sở hay “săn” những khách hàng tiềm năng quan trọng vào sáng sớm hoặc tối muộn… và quan trọng nhất là “không bỏ cuộc” nằm trong những bí quyết thuyết của chàng trai này.

Giải thích về việc dùng thư tay với giấy dài truyền thống của Nhật chứ không phải các phương thức điện tử, Yosuke chia sẻ: “Thư viết tay mang lại cảm xúc nhiều hơn. Trong một thế giới đầy rẫy những email, điện thoại… khách hàng sẽ chú ý hơn tới những dòng chữ viết tay mà họ ngày càng ít gặp”.

Trả lời câu hỏi của các môi giới chứng khoán (broker): “Làm thế nào để vượt qua nỗi thất vọng, buồn chán… khi khách hàng liên tục từ chối, đặc biệt là những nhà đầu tư VIP?”, chàng sinh viên Nhật nói: “Tôi tiếp tục thử thêm với những cách mới. Kiên trì hành động là điều quan trọng nhất”. Yosuke cho biết, anh từng theo đuổi một khách hàng VIP (người mà cậu cũng rất thích) là chủ công ty bất động sản gần 1 năm nhưng chưa thành công.

Rất nhiều thư tay gửi tới bị vứt vào sọt rác, rình gặp vào sáng sớm hay tối muộn đều không thành, giúp các việc có thể ở công sở cũng chẳng làm cho các nhân viên hay lãnh đạo tại đó mủi lòng cho anh một cuộc hẹn. Yosuke quyết định làm một bức thư tay dạng giấy thật công phu trong đó có từng cột mốc quan trọng của ông chủ công ty với những bình luận mà cậu nghiên cứu rất kỹ… đi kèm. Bức thư “tâm thư” đó dài tới hơn 3m.

Theo Yosuke, chữ viết trên giấy sẽ đem lại nhiều cảm xúc hơn cho khách hàng.    Ảnh: Lê Hiếu.
Chàng nhân viên của Nomura chọn đúng ngày sinh nhật của khách hàng để mang “tâm thư” đến tặng. Hôm ấy trời mưa và lạ lùng là công ty đó lại được nghỉ, không có người đến làm việc. Đứng chờ ở cửa công ty khoảng vài tiếng như để trông chờ vào một phép màu, Yosuke thấy không còn cơ hội khi trời mỗi lúc một mưa to nên chuẩn bị ra về.

Thế nhưng vào đúng lúc đó, ông chủ công ty bất động sản xuất hiện và Yosuke chớp cơ hội gửi tặng bức “tâm thư” dài hơn 3m đã bị ướt mưa cho vị khách này. Khi đọc bức thư và nghe Yosuke kể chuyện, người chủ công ty bật khóc và chàng nhân viên của Nomura cũng khóc… Người chủ công ty bất động sản sau đó không những mở tài khoản tại Nomura mà còn chọn đây là nơi tư vấn cho nhiều dịch vụ tài chính sau này. Ông chọn bởi ở đó có Yosuke.

Trong lần đến Công ty APEC giới thiệu, đề nghị được chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm và chinh phục khách hàng, chàng trai 27 tuổi này cũng áp dụng đúng nguyên tắc mình thực hiện tại Nhật Bản: đến gặp trực tiếp để thuyết phục. Ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán APEC chia sẻ: “Mới gặp Yosuke lần đầu nhưng tôi đã cảm nhận được quyết tâm mãnh liệt và sự chuyên nghiệp của cậu ấy khi trình bày ý tưởng. Cũng vì thế, tôi mong muốn nhân viên của mình có thể học hỏi được tinh thần cũng như phong cách của cậu ấy. Ngoài ra, Nomura cũng là công ty chứng khoán danh tiếng nhất Nhật Bản, người đến từ đó được cử sang Việt Nam hẳn có nhiều thứ để chúng tôi học hỏi”.

Hàng ngày, chàng trai Nhật Bản đều đặn lên lớp tại Đại học Hà Nội để học tiếng Việt.    Ảnh: Lê Hiếu

Chàng trai người Nhật cho biết, Nomura chưa mạnh về mảng khách hàng cá nhân ở nước ngoài nên anh nằm trong số những người được cử đi để học hỏi thêm. Cũng vì thế, mục tiêu khi sang đây của Yosuke là học tiếng Việt và chia sẻ kinh nghiệm thuyết phục khách hàng với mong muốn tìm hiểu thêm về chứng khoán Việt Nam. Sau 9 tháng, khóa học ngôn ngữ kết thúc thì công ty sẽ thông báo về công việc mới. “Còn giờ tôi tiếp tục học tiếng Việt và tìm kiếm thêm cơ hội chia sẻ kiến thức về thuyết phục khách hàng của mình”, Yosuke tâm sự.

Hoàng Ly - Lê Hiếu

Bạn có thể quan tâm