Trong năm 2013, khoảng 7 triệu sinh viên Trung Quốc đã tốt nghiệp, bước vào cuộc cạnh tranh tìm việc làm khốc liệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang suy giảm. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay, khiến năm 2013 bị coi là năm gian khó nhất đối với người tìm việc.
Cầu giảm, cung nhiều khiến các nhà tuyển dụng khắt khe hơn trong lựa chọn. Họ thường thẳng thắn ghi rõ ưu tiên những ứng viên có ngoại hình hấp dẫn, thậm chí nêu điều kiện chiều cao trong quảng cáo tuyển dụng.
Quảng cáo làm “mũi Eiffel” bên ngoài một thẩm mỹ viện ở Trùng Khánh. |
Thay đổi chiều cao dường như là điều không thể, trong khi thay đổi một bộ phận trên khuôn mặt lại dễ dàng hơn. Nhiều bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Trung Quốc cho biết, khách hàng của họ gần đây có khá nhiều sinh viên - lực lượng góp phần tăng trưởng cho thị trường phẫu thuật thẩm mỹ lớn thứ 3 thế giới.
Tại thành phố Trùng Khánh, hàng chục thẩm mỹ viện đã đăng quảng cáo dịch vụ, đặc biệt quy trình làm mũi “theo hình tháp Eiffel” của bác sĩ Wang Xuming - người mỗi tháng nhận hàng chục ca phẫu thuật mũi.
Với quan niệm phẫu thuật mũi góp phần nhiều vào thành công của khách hàng, bác sĩ Wang cho biết: "Một số sinh viên đối mặt với rất nhiều áp lực tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Nếu khuôn mặt họ trông hài hòa, họ sẽ có nhiều cơ hội tìm việc hơn".
Một chiếc “mũi Eiffel” chuẩn. |
Tại bệnh viện Trùng Khánh, bác sĩ Wang vừa thực hiện xong ca phẫu thuật làm “mũi Eiffel” cho một khách hàng. Sau khi gây tê, ông cắt một phần mô từ trán bệnh nhân rồi ghép nó vào mũi. Phần lớn bệnh nhân chỉnh mũi thường là nữ và có gia đình khá giả. Thông thường các khách hàng đi cùng mẹ.
Mỗi ca làm “mũi Eiffel” như vậy có giá khoảng 9.800 USD (hơn 200 triệu đồng). Sở dĩ “mũi Eiffel” được ưa chuộng là nhờ nó mang nét đẹp cổ điển, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của tháp Eiffel nổi tiếng của nước Pháp. Người đi làm “mũi Eiffel” còn có cơ hội trúng thưởng một chuyến du lịch đắt tiền tới thủ đô Paris của Pháp để thăm tháp Eiffel - nguồn cảm hứng của chiếc mũi mới. Chuyến du lịch cho người may mắn sẽ do bệnh viện Trùng Khánh trang trải chi phí.
Sở dĩ cuộc cạnh tranh tìm việc làm ngày càng gay gắt hơn ở Trung Quốc là do hệ thống trường đại học đã được mở rộng đáng kể. Số trường đại học, cao đẳng ở quốc gia này đã tăng hơn gấp đôi trong vòng chục năm qua. Tuy nhiên, số việc làm “cổ cồn trắng” lại thiếu hụt, khiến hàng năm có tới hàng trăm ngàn sinh viên rơi vào cảnh “bơ vơ” với tấm bằng tốt nghiệp trong tay. Theo thống kê, khoảng 10% sinh viên đại học tốt nghiệp trong thời gian gần đây không có việc làm.