Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên học viết CV để tăng cơ hội cạnh tranh nghề nghiệp

Sau nhiều lần thất bại trong ứng tuyển, Thi Nguyễn cân nhắc việc tham gia khóa học viết CV để tránh hồ sơ của mình bị loại từ vòng đầu tiên.

Trong thời gian chờ bằng tốt nghiệp, Thi Nguyễn (23 tuổi, Đồng Nai) trải qua hơn 3 tháng gửi CV song không nhận được phản hồi từ công ty tuyển dụng.

Trong khi đó, tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, tân cử nhân đánh giá bản thân có khả năng ngoại ngữ tốt, lại có kinh nghiệm đi làm thêm, thực tập.

Tương tự, Thu Huyền, 21 tuổi, sinh viên năm ba, ĐH Ngoại thương (Hà Nội), cũng gặp thất bại trong quá trình tìm việc.

sinh vien hoc viet CV anh 1

Thu Huyền từng thất bại khi xin việc. Ảnh: NVCC.

Thất bại ngay từ vòng tuyển chọn hồ sơ

Thu Huyền cho hay cô tập viết CV ngay từ năm nhất. Tuy nhiên, nữ sinh không biết phải viết từ đâu, viết như thế nào để gây ấn tượng. Việc đưa thông tin, trình bày CV cũng khiến Thu Huyền băn khoăn.

Bản CV xin việc của Thu Huyền lấy mẫu có sẵn trên mạng, cô điền vào các thông tin cá nhân rồi gửi đi ứng tuyển. Lần đó, nữ sinh không vượt qua vòng lọc hồ sơ.

Thất bại khiến cô hụt hẫng, thất vọng khi tự đánh giá bản thân có xuất phát điểm tốt - từng là học sinh trường chuyên lớp chọn, tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa.

Thu Huyền suy đoán bản thân bị loại vì CV chưa đủ ấn tượng, cả hình thức lẫn nội dung. Các khía cạnh học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm ổn nhưng không được trình bày trong mối tương quan.

Trong khi đó, sau nhiều lần không nhận được phản hồi từ công ty tuyển dụng, Thi Nguyễn đăng tải CV, chia sẻ của bản thân lên các diễn đàn để xin góp ý. Qua đánh giá của nhiều người, Thi nhận ra CV của mình thiếu chuyên nghiệp.

“Mọi người nhận xét rất tích cực. Nhìn lại, CV của mình trình bày rất rối mắt, mình không làm nổi bật được kỹ năng, kinh nghiệm liên quan đến vị trí làm việc mong muốn. Chưa kể, chỗ mình viết tiếng Anh, chỗ lại viết tiếng Việt”, Thi chia sẻ với Zing.

Khác với hai nữ sinh trên, không chờ đến lên đại học, Tân Huyền (19 tuổi, từ Điện Biên) đã tập viết CV khi đang học lớp 12. Đương nhiên, lúc đó, nữ sinh không biết viết gì vào CV ngoài vài dòng giới thiệu bản thân, liệt kê những hoạt động ngoại khóa cô tham gia.

Lên đại học, có cơ hội tham hoạt động Mock interview (phỏng vấn giả), Tân Huyền tự tin đem đến bản CV với nhiều thành tích, hoạt động liên quan. Trái với mong đợi, CV của Huyền được nhận định cần phải chỉnh sửa khá nhiều.

CV của cô nhạt nhòa, thiếu nổi bật giữa hàng loạt ứng viên tiềm năng. Sau lần đó, Tân Huyền nhận thấy cần thu hút nhà tuyển dụng từ bước đầu tiên - CV.

sinh vien hoc viet CV anh 2

Tân Huyền nhận ra cần thu hút nhà tuyển dụng từ CV. Ảnh: NVCC.

Học viết CV

Trở về nhà, Tân Huyền bắt đầu tìm hiểu, học viết CV với dự định ứng tuyển cho một vị trí thực tập sinh. Nữ sinh chủ yếu tìm hiểu qua vlogs, diễn đàn tuyển dụng, xem CV của người khác để nhận thấy lỗi sai.

Cô viết lại CV, đăng tải lên diễn đàn để xin phản hồi từ các thành viên khác và không ngại nghe bình luận, phản hồi từ nhiều phía. Ngoài ra, nữ sinh cũng tham gia câu lạc bộ Nguồn nhân lực của trường để thực hành thêm.

Trong khi đó, trong lần ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh tại trung tâm tiếng Anh, Thu Huyền có cơ hội làm việc, học cách viết CV từ một trưởng phòng nhân sự dày dặn kinh nghiệm.

Qua những buổi đào tạo do công ty tổ chức, Thu Huyền tích lũy dần kinh nghiệm viết và sửa CV. Trở về nhà sau một ngày đi học, đi làm, Thu Huyền tiếp tục lên mạng xã hội tham khảo thêm.

Thu Huyền nhận định học qua mạng xã hội nhớ nhanh, quên cũng nhanh nếu không được thực hành thường xuyên. Cô biết lý thuyết song không thể viết nổi CV chỉn chu.

Đánh giá việc học viết CV cần bài bản, Thu Huyền lập thư mục lưu trữ kiến thức, chia sẻ ở lĩnh vực này. Cô kỳ vọng bản thân học tập nghiêm túc hơn.

Tương tự, Thi Nguyễn mày mò học, viết lại CV sau hơn 3 tháng không tìm được việc. Tuy nhiên, cô phân vân không biết học ai vì thông tin quá nhiều.

Tân cử nhân tìm hiểu khóa học viết CV online với chi phí khoảng 500.000 đồng. Cô kỳ vọng khóa học giúp mình biết cách trình bày kinh nghiệm, xác định phong cách CV, sử dụng màu sắc, lấp đầy khoảng trống CV nếu có, loại bỏ điểm yếu…

“Ngoài ra, theo mình tìm hiểu, khóa học cũng cung cấp một số lưu ý khi trả lời phỏng vấn. Mình hy vọng sẽ tìm được công việc mong muốn”, Thi chia sẻ.

Học viết CV đẹp chưa đủ

Sau khi tìm hiểu, Thu Huyền đã tiến bộ trong trình bày CV. Các thông tin được sắp xếp logic, cô cũng biết không đưa thông tin "ảo" vào đó. Với bản CV đó, Huyền ứng tuyển vào lại công ty từng loại cô. Lần này, cô vượt qua, tiến đến vòng phỏng vấn rồi trúng tuyển.

Dù vậy, nữ sinh Ngoại thương nhận định CV tốt tạo ấn tượng ban đầu chứ không phải là yếu tố quyết định.

“CV không chỉ dừng lại ở mức liệt kê mà cần có cả kết quả được đo lường. Trong quá trình học và làm, bạn hãy đo lường kết quả bằng con số và thể hiện nó trong CV”, Thu Huyền nhấn mạnh.

Đối với Tân Huyền, sắp tới, cô chưa có dự định ứng tuyển vào công ty nào. Dù vậy, nữ sinh vẫn cố gắng làm dày dặn CV bằng trải nghiệm thực tế, học hỏi nhiều hơn.

Nữ sinh kỳ vọng khi ứng tuyển, CV của cô không chỉ đẹp mà còn phản ánh được bản thân thực sự có kinh nghiệm, kỹ năng, phù hợp với vị trí ứng tuyển.

Người trẻ chi gần chục triệu đồng, đi sớm về khuya học làm sự kiện

Trần Bạch Tuyết (22 tuổi, TP.HCM) đầu tư tiền bạc lẫn công sức vào khóa học làm sự kiện. Nhờ đó, cô có được nhiều mối quan hệ tốt.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm