Nhằm giúp các học sinh có cái nhìn khái quát hơn khi lựa chọn khối ngành kinh tế cũng như cơ hội việc làm trong thời gian tới, ông Yamada Takafumi - Giám đốc CareerLink.vn đã đưa ra những phân tích chi tiết.
- Theo ông, nguyên nhân nào khiến các em học sinh đổ dồn vào ngành kinh tế trong thời gian qua?
- Hòa vào xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cùng với cơ hội việc làm nhiều, tên gọi thời thượng và tâm lý đám đông... những yếu tố này đã khiến nhóm ngành kinh tế trở thành “thỏi nam châm” trong các đợt thi đại học nhiều năm vừa qua.
Sinh viên khi tốt nghiệp ngành kinh tế có cơ hội việc làm đa dạng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Khối ngành này với các ngành hot như tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán… vẫn được nhiều phụ huynh và học sinh ưu tiên lựa chọn.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh khi các em học sinh lựa chọn khối ngành kinh tế?
- Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số hồ sơ nộp vào các ngành kinh tế, tài chính trung bình các năm chiếm khoảng 59% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng. Trong đó, hồ sơ nộp vào ngành kinh tế là rất cao. Số lượng đông học sinh đăng ký dẫn đến việc điểm chuẩn của các trường đại học đối với nhóm ngành này luôn ở mức cao so với các ngành khác.
Cung vượt cầu khiến nhiều sinh viên ngành kinh tế lo ngại khó tìm việc làm sau tốt nghiệp. |
Năm 2016, điểm chuẩn của nhóm ngành kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân với các chuyên ngành như kinh tế đầu tư (23 điểm), kinh tế (23,46 điểm), kinh tế quốc tế (25,44 điểm)… Ngành kinh tế thuộc Đại học Ngoại thương Hà Nội có điểm trúng tuyển từ 25,05 đến 26,45 điểm với 2 khối thi A và D. Ngành này ở cơ sở 2 tại TP.HCM có mức điểm trúng tuyển cao nhất lên đến 26,5 điểm.
Các con số này là minh chứng cho thấy ngành kinh tế vẫn giữ được sức nóng qua các mùa tuyển sinh, là lựa chọn hàng đầu của các thí sinh giỏi trên cả nước. Chính vì vậy, học sinh khi đăng ký thi đại học cần cân nhắc yếu tố cạnh tranh này để lựa chọn được chuyên ngành và trường phù hợp với lực học.
- Có ý kiến cho rằng, sinh viên ngành kinh tế dễ thất nghiệp bởi tình trạng bão hòa, thiếu nhân lực chuyên môn cao. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo báo cáo từ Bản tin Thị trường lao động của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, vào năm 2015 có đến 12.000/29.000 cử nhân thất nghiệp trong nhóm ngành kinh tế và tài chính ngân hàng.
Lượng lớn sinh viên đổ dồn vào học ngành kinh tế, cộng thêm việc có quá nhiều trường đại học, cao đẳng cùng mở chuyên ngành đào tạo này khiến nhóm ngành kinh tế đang bị bão hòa. “Cung vượt quá cầu”, kèm theo chất lượng đầu ra, chất lượng đào tạo giảm sút là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp có trình độ chuyên môn kém, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Cử nhân ngành kinh tế tuy đông về lượng nhưng chất lượng lại không được đánh giá cao cả về kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm thực tế. |
- Đứng trên quan điểm giám đốc của một trang tin tuyển dụng, theo ông, yếu tố nào giúp sinh viên tốt nghiệp dễ dàng tìm việc trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay?
- Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sinh viên phải có khả năng thích ứng cao, trong đó ngoại ngữ đóng vai trò rất quan trọng. Trong giai đoạn hiện nay, ngoại ngữ được coi là tấm vé thông hành giúp sinh viên tìm được công việc chất lượng cao, giao lưu và tiếp cận với thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn chưa thực sự coi trọng việc trau dồi ngoại ngữ, trong khi đây là điều kiện mở rộng cơ hội việc làm tại những công ty đa quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh so với các ứng viên khác.
- Vậy có bất kỳ tín hiệu khả quan nào khi lựa chọn ngành kinh tế không?
- Các bậc phụ huynh và học sinh có thể an tâm về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế trong thời gian tới. Đà hồi phục của nền kinh tế, đặc biệt là nhiều cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam là tín hiệu khả quan cho sự gia tăng nhu cầu nhân lực trong khối ngành này.
- Học sinh cả nước đang bước vào giai đoạn quan trọng là chuẩn bị chọn ngành, chọn nghề. Ông có lời khuyên gì với các em?
- Nếu các em thực sự chú tâm, tiếp thu đầy đủ kiến thức chuyên môn, tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là trau dồi vốn ngoại ngữ ngay trong thời gian học đại học, thì dù lựa chọn bất cứ ngành nghề nào, chắc chắn cơ hội việc làm sẽ luôn rộng mở.