Bạn đọc Minh cho biết, bạn là học sinh phổ thông ở miền Tây, trong đợt thi tuyển sinh đại học 2014, bạn tập trung tại điểm thi ở Cần Thơ. Những ngày đến trường dự thi, bạn đã trở thành nạn nhân của những kẻ lừa gạt, tự xưng bán tăm ủng hộ trẻ em khuyết tật. May mắn là Minh được bạn bè dặn dò trước nên không rơi vào bẫy của bọn lừa đảo.
Minh nghi ngờ đó là những kẻ lừa gạt vì khuôn mặt của họ không hiền lành, trông giảo hoạt, có người nhuộm tóc đỏ. Họ cũng không có giấy tờ hoặc thẻ để chứng minh là người của trung tâm khuyết tật ngoài cuốn sổ "ghi nợ". Thông thường, người ở trung tâm khuyết tật muốn quyên góp sẽ nói cho mọi người nghe mục đích của họ trước, sau đó, họ đưa hình ảnh và nhiều thứ khác để minh chứng. Người ủng hộ muốn đưa bao nhiêu tùy tấm lòng, họ không đòi hỏi.
Đối tượng mua tăm là học sinh ở dưới quê lên thành phố Cần Thơ dự thi đại học. |
Minh kể, những người bán tăm lựa chọn đối tượng phần lớn là học sinh, sinh viên có độ tuổi từ 17-20. Họ tiếp cận khách hàng bằng cách đưa bịch tăm nhỏ khoảng 20 cây, dẹp như tép kẹo cao su thay cho lời mời mua hàng. Khi người mua cầm lấy tăm, họ sẽ hỏi tên, ghi vào một tờ giấy và đề nghị ký tên. Sau khi ký xong, họ mới nói lý do là bán tăm để có tiền ủng hộ cho trẻ em khuyết tật.
Nhiều bạn trẻ có tấm lòng đã đưa 10.000-20.000 đồng ủng hộ, tuy nhiên, những người bán tăm không đồng ý và yêu cầu trả thêm tiền. Để tránh phiền phức, nhiều bạn nhanh chóng đưa 50.000-60.000 đồng rồi đi. Ba người bạn của Minh cũng mất 150.000 đồng cho 3 bịch tăm gồm 60 cây khi vừa thi xong đứng trước cổng trường.
“Tôi gặp bọn chúng 2 lần và thấy chúng có cùng một kiểu bán tăm đòi tiền giá cao như vậy. Đa số người mua là học sinh xa quê lên Cần Thơ dự thi nên các bạn đều không dám thể hiện bức xúc, đôi co. Các bạn đều được cha mẹ cho một ít tiền làm lộ phí đi thi, không đủ xài mà còn bị người ta lừa nên tôi rất bức xúc”, Minh nói.
Không chỉ gặp những người bán tăm giá cao ở trước cổng trường đại học, Minh còn gặp họ ở các địa bàn hoạt động khác như trước các trung tâm mua sắm, siêu thị.
“Tôi nghĩ, bọn chúng là thanh niên khỏe mạnh, mặt mũi cũng sáng sủa nhưng vì sao không đi kiếm việc làm tử tế lại lợi dụng lòng tốt của người khác? Việc làm của chúng vô tình làm cho nhiều người mất lòng tin vào những người khuyết tật đi quyên góp thật sự”, Minh bức xúc.
Minh gửi lời khuyên đến mọi người nên cảnh giác với chiêu trò bán tăm giá cao, đội lốt ủng hộ trẻ em khuyết tật để lừa đảo. Đặc biệt là các học sinh lên thành phố dự thi, xa nhà còn nhiều bỡ ngỡ. Đặc biệt, các bạn không nên nhận và ký tên vào bất cứ giấy tờ gì mà không biết lý do.
Độc giả là nạn nhân của các trò lừa đảo, quấy rối, hoặc có thông tin muốn chia sẻ để cảnh báo cho cộng đồng mạng... vui lòng báo cho mục "Câu chuyện cảnh giác" của Zing.vn theo địa chỉ hòm thư: toasoan@news.zing.vn.