Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sinh viên Bách khoa thiết kế áo làm mát cho y bác sĩ chống dịch

Chiếc áo làm mát do nhóm sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội thiết kế có thể giúp hạ nhiệt độ bên trong áo bảo hộ xuống 26-27 độ C dưới điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt.

Những ngày tháng 5, dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng. Nhìn hình ảnh y bác sĩ mồ hôi nhễ nhại, người phồng rộp, thậm chí ngất xỉu khi phải mặc áo bảo hộ trong thời tiết nắng nóng, nhóm sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội suy nghĩ phải làm gì đó để giúp công việc của họ đỡ vất vả.

Đó là điều thôi thúc nhóm sinh viên K62 của Viện Kỹ thuật Hóa học, gồm Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo và Kiều Thị Thuỳ Linh, chuyển sang nghiên cứu thiết kế áo làm mát.

thiet ke ao lam mat cho y bac si chong dich anh 1

Nhóm sinh viên thiết kế áo làm mát. Ảnh: P.Đ.G.

Trao đổi với Zing, Phạm Đình Giỏi cho hay điều đầu tiên nhóm cân nhắc là áo làm mát không ảnh hưởng chức năng phòng, chống dịch của bộ đồ bảo hộ. Ngoài ra, sản phẩm cần nhỏ gọn, thuận tiện cho hoạt động của người mặc. Nhóm cũng ưu tiên tốc độ nghiên cứu do tình hình dịch căng thẳng và miền Bắc đang vào hè nóng nực.

Với kinh nghiệm làm mũ bảo hiểm chống nóng từ trước cùng với sự giúp đỡ của PGS.TS Vũ Đình Tiến, nhóm nhanh chóng đưa ra thiết kế sản phẩm theo nguyên lý tuần hoàn nước lạnh.

“Khâu khó nhất là tìm nơi may áo do đang dịch nên nhiều nơi đóng cửa. Một nơi nhận lời may thử nhưng sản phẩm ra không đạt mong muốn”, Đình Giỏi kể.

May mắn, thông qua thầy Tiến kết nối, nhóm được cô Lã Thị Ngọc Anh, nguyên Trưởng bộ môn May và Thời trang, Viện Dệt May Da giầy và Thời trang, giúp đỡ, tối giản thiết kế nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.

Áo làm mát của nhóm thuộc kiểu áo ba lỗ, phần trong gồm các lớp vải, giữa các lớp là đường ống để làm mát và bảo ôn.

Người dùng mặc áo bên trong lớp đồ bảo hộ. Đường ống dẫn nước được luồn qua chỗ trước cằm, cắm vào ba lô đựng nước đá đeo sau lưng.

Theo Giỏi, áo có trọng lượng khoảng 1 kg khi ba lô chứa nửa lít nước lạnh. Em giải thích nước tuần hoàn, không thất thoát nên chỉ cần lượng vừa đủ để bơm hoạt động.

thiet ke ao lam mat cho y bac si chong dich anh 2

Kết quả thử nghiệm mặc áo làm mát khi trời nóng 38 độ C cho thấy áo có thể giúp hạ nhiệt độ bên trong áo bảo hộ từ 42 độ C xuống còn 26-27 độ C. Ảnh: P.Đ.G.

Sau khi có sản phẩm, nhóm đã tiến hành thử nghiệm ở nhiệt độ ngoài trời 38 độ C, bên trong áo bảo hộ là 42 độ C. Áo làm mát giúp nhiệt độ bên trong giảm xuống còn 26-27 độ C. Hôm trời gay gắt hơn, nhiệt độ bên trong tăng nhẹ lên 27-28 độ C.

Thời gian làm mát kéo dài khoảng 4 tiếng tuy nhiên việc bỏ thêm đá lạnh 2 tiếng/lần giúp đạt hiệu quả chống nóng tốt nhất. Người dùng có thể điều chỉnh nhiệt độ thông qua lưu lượng bơm. Sản phẩm sử dụng pin dự phòng điện thoại nên có thể hoạt động cả ngày.

“Áo có ưu điểm làm mát nhanh nhưng không gây sốc nhiệt. Kết quả thử nghiệm cho thấy người mặc không chảy mồ hôi nhiều, hạn chế mất nước, mất muối”, Giỏi thông tin.

Dù vậy, nam sinh thừa nhận do thời gian gấp gáp, tính thẩm mỹ của áo chưa tốt. Ngoài ra, nhóm tiếp tục cải thiện ở phần ba lô, có thể làm thêm đai thắt để cố định khi người dùng làm việc.

Việc sản xuất áo dễ dàng. Chi phí một chiếc áo may lẻ chưa đến 500.000 đồng và rẻ hơn nhiều khi sản xuất đồng loạt.

Hiện tại, ngoài việc nghiên cứu cải tiến sản phẩm, nhóm tìm kiếm đơn vị tài trợ để có thể may áo, nhanh chóng gửi đến các y bác sĩ tuyến đầu để họ đỡ vất vả khi chống dịch trong thời tiết nắng nóng gay gắt.

“Nhóm em tiếp tục điều chỉnh áo phù hợp với các công việc ngoài trời để không chỉ làm mát cho các y bác sĩ mà còn giúp công nhân, nhân viên môi trường đỡ nóng khi làm việc ngoài trời nắng”, Giỏi tâm sự.

ĐH Bách khoa Hà Nội công bố ngưỡng yêu cầu xét tuyển tài năng đợt 1

ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố ngưỡng yêu cầu đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển tài năng đợt 1, phương thức xét chứng chỉ quốc tế hoặc theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn.

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm