Parti Liyani, người Indonesia, làm giúp việc cho một gia đình Singapore giàu có sở hữu những công ty lớn nhất nhì đảo quốc này, với mức lương 600 SGD/tháng (khoảng 438 USD).
Cách đây nhiều năm, cô bị gia đình chủ buộc tội ăn cắp. Sự kiện này đã trở thành vụ án lớn gây chấn động đất nước với những cáo buộc ăn cắp hàng loạt túi xách hàng hiệu, một đầu đĩa DVD, và cả lời khai về chuyện ăn mặc “gây sốc” của nguyên đơn.
Cô Parti Liyani (trái) và ông Liew Mun Leong (phải). Ảnh: BBC. |
Đầu tháng này, cô Parti cuối cùng đã được tuyên bố trắng án.
"Tôi rất vui vì cuối cùng cũng được tự do", cô nói với các phóng viên. "Tôi đã chiến đấu suốt bốn năm".
Tuy nhiên, trường hợp án oan của Parti đặt ra mối nghi ngờ vào công lý và sự bình đẳng ở Singapore, với nhiều người chất vấn tại sao cô giúp việc lại bị kết tội ngay từ đầu.
Cô Parti bắt đầu làm việc tại tư gia của tỷ phú Liew Mun Leong từ năm 2007, nơi các thành viên trong gia đình, bao gồm cả con trai ông, Karl, sinh sống. Vào tháng 3/2016, ông Karl Liew cùng gia đình chuyển nhà đến một nơi khác.
Theo các tài liệu của tòa án, cô Parti được yêu cầu dọn dẹp nhà cửa và văn phòng mới của ông Karl Liew "nhiều lần" - điều này vi phạm các quy định về lao động tại địa phương, và cô cũng đã khiếu nại trước đó.
Vài tháng sau, gia đình Liew sa thải cô Parti vì nghi ngờ cô ăn cắp đồ của họ. Nhưng khi ông Karl Liew đuổi việc Parti, cô đã nói với ông: "Tôi biết lý do. Ông tức giận vì tôi không chịu dọn dẹp nhà vệ sinh".
Cô có hai tiếng để đóng gói tư trang của mình. Cô phải bay về nước ngay trong ngày, còn đồ đạc cá nhân sẽ được đóng kiện gửi đến Indonesia sau.
Trong khi thu dọn đồ đạc, cô đe dọa sẽ khiếu nại với chính quyền Singapore về việc ông Karl Liew yêu cầu cô dọn dẹp nhà của ông.
Gia đình ông Liew quyết định kiểm tra đồ đạc của Parti sau khi cô rời đi và khẳng định đã tìm thấy những món đồ của họ trong đó. Ông Liew Mun Leong và con trai đã báo cảnh sát vào ngày 30/10/2016.
Cô Parti không biết gì về việc này, cho đến năm tuần sau đó, khi cô quay lại Singapore để tìm việc làm mới, và bị bắt ngay tại hải quan. Vì đang là đối tượng bị truy tố, cô Parti không được đi làm và phải ở lại một cơ sở tạm trú dành cho lao động nhập cư, sống nhờ hỗ trợ tài chính từ họ trong thời gian điều tra.
Quần áo nữ giới và con dao màu hồng
Cô Parti bị cáo buộc ăn cắp nhiều món đồ của gia đình ông Liew, bao gồm 115 bộ quần áo, túi xách hàng hiệu, một đầu đĩa DVD và một chiếc đồng hồ Gerald Genta. Tổng giá trị các món đồ vào khoảng 34.000 SGD.
Trong phiên tòa, cô khẳng định những đồ vật bị cho là ăn cắp này hoặc là đồ của cô, hoặc là những thứ đồ bỏ đi mà cô tìm thấy, hoặc là những thứ mà cô không hề đóng gói vào kiện đồ đạc của mình.
Vào năm 2019, một thẩm phán đã kết tội và tuyên án cô hai năm hai tháng tù giam. Cô Parti quyết định kháng cáo. Vụ việc tiếp tục kéo dài cho đến đầu tháng này khi Tòa án Tối cao Singapore cuối cùng tuyên trắng án cho cô.
Thẩm phán Chan Seng Onn kết luận gia đình ông Liew có "động cơ không chính đáng" khi đệ đơn tố cáo cô Parti, đồng thời cũng nêu lên một số vấn đề trong cách cảnh sát, công tố viên và thẩm phán cấp dưới xử lý vụ án.
Ông cho rằng có lý do để tin rằng gia đình Liew đã báo cảnh sát bắt cô Parti để ngăn cô khiếu nại về việc bị cử đến dọn dẹp nhà của ông Karl Liew một cách bất hợp pháp.
Thẩm phán cũng cho biết nhiều món đồ bị cho là cô Parti ăn cắp trên thực tế đã bị hư hỏng - chẳng hạn như chiếc đồng hồ bị mất núm vặn và hai chiếc iPhone không còn hoạt động - và cho rằng, gọi việc lấy những món đồ hỏng hóc như vậy là ăn cắp mới là "bất thường".
Cô Parti bị cáo buộc ăn cắp một đầu đĩa DVD, mà cô nói rằng gia đình ông chủ vứt đi vì nó không hoạt động.
Các công tố viên sau đó thừa nhận họ biết thiết bị không thể chạy đĩa DVD, nhưng không đưa ra tình tiết này trong phiên tòa khi nó được nêu ra làm bằng chứng và rõ ràng chi tiết này đã bị “lèo lái” theo cách khác. Điều này khiến thẩm phán Chan chỉ trích rằng họ đã sử dụng một "một trò ảo thuật đặc biệt nhằm gây bất lợi cho bị cáo".
Ngoài ra, thẩm phán Chan cũng nghi ngờ độ tin cậy của Karl Liew với tư cách là nhân chứng.
Con trai ông Liew cáo buộc cô Parti ăn cắp một con dao màu hồng anh đã mua ở Anh và mang về Singapore vào năm 2002. Nhưng sau đó anh thừa nhận con dao đó có kiểu dáng hiện đại mà trước năm 2002 không thể sản xuất ở Anh.
Anh ta cũng khai rằng nhiều món quần áo khác nhau, bao gồm cả quần áo phụ nữ, được tìm thấy trong kiện đồ đạc của cô Parti thật ra là của mình - nhưng sau đó lại không thể nhớ liệu anh ta có sở hữu chúng hay không. Khi được hỏi trong phiên tòa tại sao anh lại sở hữu quần áo phụ nữ, anh ta khai mình thích mặc đồ của nữ giới - điều mà thẩm phán Chan thấy "rất khó tin".
Thẩm phán Chan cũng đặt câu hỏi về việc tác nghiệp của cảnh sát khi họ không hề đến kiểm tra hay xem xét hiện trường cho đến khoảng năm tuần sau khi đưa ra báo cáo ban đầu.
Cảnh sát cũng không cung cấp cho cô Parti một thông dịch viên nói tiếng Indonesia, thay vào đó, họ đưa vào một người nói tiếng Mã Lai, một ngôn ngữ khác mà cô Parti không biết.
"Cách cảnh sát xử lý các cuộc điều tra như thế này là rất đáng quan ngại", Eugene Tan, giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore nói với BBC News.
"Thẩm phán cấp dưới dường như đã có định kiến đối với vụ án và không nhìn ra những điểm thiếu sót trong quá trình tác nghiệp của cảnh sát và công tố viên".
Trận chiến không cân sức
Vụ việc đã gây chấn động ở Singapore, với làn sóng phẫn nộ hướng về ông Liew và gia đình. Nhiều người lấy trường hợp này là ví dụ về việc người giàu và tầng lớp thượng lưu bắt nạt người nghèo và yếu thế trong xã hội, sống theo những quy tắc của riêng họ.
Mặc dù cuối cùng công lý vẫn thắng thế, đối với một số người Singapore, sự việc đã làm lung lay niềm tin lâu dài vào sự công bằng, không thiên vị của hệ thống tư pháp. “Gần đây không xảy ra trường hợp nào như thế này”, giáo sư Tan cho biết.
"Những thất bại mang tính hệ thống rõ ràng trong trường hợp này đã làm dấy lên sự nghi ngại trong công chúng. Nhiều người băn khoăn: Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi ở vị trí của cô ấy? Liệu sự việc có được điều tra một cách công bằng và xét xử không thiên vị không?".
Việc ông Liew có thể khiến cảnh sát và tòa án cấp dưới kết án oan đã đặt ra câu hỏi chính đáng liệu sự việc này có dính đến hối lộ hay không.
Sau sự phản đối kịch liệt của công chúng, ông Liew Mun Leong tuyên bố sẽ từ chức chủ tịch của một số công ty danh tiếng ông đang sở hữu.
Trong một tuyên bố, ông nói ông "tôn trọng" quyết định của tòa án cấp cao và có niềm tin vào hệ thống pháp luật của Singapore. Tuy nhiên, ông cũng bảo vệ quyết định báo cảnh sát của mình, nói rằng: "Tôi thực sự tin rằng nếu nghi ngờ có hành vi sai trái, nghĩa vụ của công dân là báo cảnh sát".
Ông Karl Liew vẫn giữ im lặng và không đưa ra thêm bất kỳ tuyên bố nào về vấn đề này.
Vụ án đã kích hoạt cuộc tổng rà soát các quy trình điều tra của cảnh sát và truy tố. Bộ trưởng Luật và Nội vụ Singapore K Shanmugam thừa nhận "có điều gì đó không ổn trong chuỗi sự kiện này".
Những hành động tiếp theo của chính phủ sẽ được theo dõi rất chặt chẽ. Nếu chính phủ không đáp ứng được yêu cầu của người Singapore về "trách nhiệm giải trình và sự công bằng có hệ thống ở cấp cao hơn", điều này có thể "lan truyền một nhận thức rằng tầng lớp thượng lưu đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của toàn xã hội", nhà bình luận Singapore Donald Low viết.
"Trọng tâm của cuộc tranh luận [là] liệu chủ nghĩa tinh hoa đã ngấm vào hệ thống và phơi bày sự suy đồi trong hệ thống đạo đức của chúng ta hay chưa", cựu nhà báo PN Balji nói trong một bài bình luận riêng.
"Nếu điều này không được giải quyết thỏa đáng, công việc của người giúp việc, luật sư, các nhà hoạt động và cả thẩm phán sẽ bị lãng phí".
Vụ việc cũng làm dấy lên quan ngại về khả năng tiếp cận công lý của lao động nhập cư.
Cô Parti đã có thể ở lại Singapore và đấu tranh với vụ kiện của mình nhờ sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Home, và luật sư Anil Balchandani, chuyên xử lý các vụ pro bono (vì lợi ích công cộng), nhưng ước tính phí pháp lý của ông lên tới 150.000 SGD (109.000 USD).
Singapore cung cấp các nguồn lực pháp lý cho lao động nhập cư, nhưng vì họ thường là trụ cột duy nhất của gia đình, nên nhiều người, khi phải đối mặt với các vấn đề pháp lý, thường quyết định không đấu tranh, vì họ không có điều kiện để theo đuổi những vụ kiện kéo dài hàng tháng, thậm chí là nhiều năm, mà không thu nhập, tổ chức Home cho biết.
"Parti được giúp đỡ bởi một luật sư kiên định, người đã chiến đấu kiên cường chống lại sức mạnh của nhà nước. Sự bất cân xứng về nguồn lực pháp lý rất nghiêm trọng", giáo sư Tan nói. "Nó như thể trận chiến giữa David và Goliath - với sự chiến thắng của David".
Về phần cô Parti, cô cho biết sẽ trở về nhà.
"Bây giờ vụ kiện đã qua đi, tôi muốn trở lại Indonesia", cô nói trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông. "Tôi tha thứ cho ông chủ. Tôi chỉ muốn nói với họ rằng đừng làm điều tương tự với những người lao động khác".