Đặc điểm nổi bật thị trường điện của Singapore là các công ty tham gia thị trường này có thể thực hiện cả khâu phát điện, phân phối và bán lẻ trực tiếp tới khách hàng. Trong khi đó, Chính phủ nắm giữ một phần phân phối bán lẻ điện thông qua một công ty cung cấp dịch vụ điện năng.
27 đơn vị bán lẻ điện được cấp phép
Thị trường điện cạnh tranh Singapore đã có quá trình hình thành trong 10 năm từ năm 1998 đến năm 2008.
Thời kỳ đầu của hệ thống điện Singapore, tất cả khâu từ phát điện, truyền tải, phân phối đều do Temarsek nắm giữ (hay nói cách khác là Chính phủ độc quyền). Đến năm 1998-1999, Chính phủ Singapore tách dần các khâu ra khỏi Temarsek và giảm dần tỷ lệ nắm giữ vốn tại các tổng công ty, mở đường cho thị trường điện cạnh tranh hình thành và phát triển.
Hiện nay, toàn bộ thị trường điện Singapore do Cơ quan điều tiết quản lý thị trường năng lượng EMA (Energy Market Authority), đơn vị trực thuộc dưới quyền của Bộ Công Thương Singapore, trực tiếp giám sát và quản lý các hoạt động điện lực. Các khâu phát điện, truyền tải, vận hành thị trường điện, bán lẻ và phân phối điện được tách bạch và thực hiện bởi các đơn vị khác nhau.
Cấu trúc thị trường điện Singapore. |
Trực thuộc quản lý của EMA có 2 tổng công ty. Thứ nhất là Công ty vận hành hệ thống điện (PSO) - một đơn vị của Chính phủ quản lý (trực thuộc PSO), chịu trách nhiệm cung cấp điện năng ổn định và an ninh hệ thống.
Thứ hai là Công ty lưới điện quốc gia (SP Power Assets) - sở hữu toàn bộ lưới điện Singapore, có chức năng vận hành vào bảo dưỡng lưới điện.
Trong khi đó, Công ty vận hành thị trường điện EMC (Energy Market Company) là một công ty cổ phần, được cấp phép thực hiện các chức năng điều hành thị trường điện Singapore. EMC tương tự một sàn giao dịch điện năng và giao dịch hợp đồng thị trường điện, cung cấp các hệ thống công nghệ thông tin phục vụ giao dịch và quản lý thị trường điện.
Các công ty phân phối (đơn vị bán lẻ điện - Retailer) thực hiện chức năng bán điện cho các khách hàng các khách hàng lẻ, hộ tiêu dùng cá nhân. Hiện tại, thị trường bán lẻ Singapore có 27 đơn vị bán lẻ điện được cấp phép để cung cấp điện cho khách hàng. Trong đó có nhiều đơn vị sở hữu nhà máy điện được gọi là Gentailer, các đơn vị khác chỉ ký hợp đồng mua điện từ các nhà máy và bán lại cho người tiêu dùng.
Mất 21 năm để xây dựng thị trường bán lẻ điện
Cấu trúc thị trường điện Singapore được hình thành bởi thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ.
Tính đến cuối năm 2017, Singapore có khoảng 27 đơn vị kinh doanh bán lẻ điện hoạt động, trong đó Công ty MSSL (đơn vị cung cấp các dịch vụ cho thị trường) là đơn vị bán lẻ mặc định, chỉ bán điện cho các khách hàng không tham gia thị trường bán lẻ điện theo biểu giá do Nhà nước quy định, không tham gia cạnh tranh với các đơn vị bán lẻ điện khác.
Bắt đầu từ tháng 11/2018, Singapore bắt đầu triển khai thử nghiệm thị trường điện bán lẻ cho các khách hàng nhỏ trên 4 vùng trong cả nước và chính thức vận hành thị trường điện bán lẻ hoàn chỉnh từ tháng 5/2019 (Open Energy Market - OEM).
Thị trường bán lẻ điện Singapore. |
Hiện tại, khoảng 76% khách hàng dùng điện của Singapore (chủ yếu là các đối tượng khách hàng công nghiệp, thương mại - dịch vụ và vận tải) là các đơn vị trực tiếp mua điện từ thị trường (trực tiếp hoặc thông qua đơn vị bán lẻ).
Phụ tải còn lại là hộ tiêu dùng, thương mại, chiếm 24% là các khách hàng không trực tiếp thanh toán trên thị trường. 60% đã chuyển đổi mua điện từ thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh (OEM) của các đơn vị bán lẻ điện theo các gói. 40% vẫn mua từ Tập đoàn Điện lực Singapore theo giá điều tiết của Nhà nước.
Thời gian để xây dựng thị trường bán lẻ điện của Singapore mất 21 năm từ năm 1998 đến năm 2019. Chất lượng điện năng luôn được đảm bảo do việc vận hành lưới điện và cấp điện đến khách hàng tiêu thụ điện vẫn do SP Group (1 đơn vị độc lập với các bên) đảm nhận.
Singapore cũng không đưa các thành phần trợ giá, bù giá vào trong giá điện, nhằm mục đích định giá điện chính xác và khuyến khích sử dụng điện hiệu quả và tránh lãng phí.