Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từng gặp gỡ lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018. Hội nghị bao gồm hai cuộc gặp, một giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên và một cuộc hội đàm khác có thêm sự tham gia của các cố vấn. Sau đó, hai phái đoàn cùng dùng bữa trưa, theo Observer.
Trả lời phóng viên tại cuộc họp báo tiền sự kiện, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết hội nghị tại nước này dự kiến tiêu tốn khoảng 20 triệu USD. Trong đó, chi phí chủ yếu dành cho hoạt động bảo an và cơ sở hạ tầng phục vụ các phái đoàn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6/2018. Ảnh: Straits Times. |
"Chi phí sẵn sàng chi trả"
Tuy là số tiền không hề nhỏ, nhưng "đây là chi phí mà chúng tôi sẵn lòng chi trả", Thủ tướng Lý nói và cho biết thêm đây là đóng góp cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế và mang lại "lợi ích sâu sắc" cho Singapore.
Khoảng một nửa số tiền nói trên được chi trả cho công tác an ninh, bao gồm 12 vệ sĩ chạy bộ theo xe của ông Kim Jong Un, bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên từ sân bay đến địa điểm họp.
Do yếu tố cấp cao của hội nghị, yêu cầu bảo mật cũng cao hơn nhiều so với các sự kiện chính trị trước đây. Ngoài lực lượng cảnh sát được bố trí xung quanh địa điểm họp, lực lượng "bảo vệ toàn diện và chuyên sâu - trên không, trên biển và đất liền - chống lại các cuộc tấn công và phòng ngừa rủi ro" cũng được tăng cường, Thủ tướng Lý giải thích.
12 vệ sĩ chạy bộ theo xe của ông Kim Jong Un, bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Hàn Quốc hồi tháng 4/2018. Ảnh: Korea Summit Press Pool/Getty. |
Straits Times dẫn nguồn tin từ Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore cho biết khoảng 5 triệu USD được dành cho việc xây dựng trung tâm truyền thông tại Tòa nhà F1 Pit nằm ở khu trung tâm Singapore. Phần còn lại của ngân sách được sử dụng để tài trợ nơi ăn ở cho nhân viên đi theo phục vụ hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên và khoảng 2,500 nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đến đưa tin.
"Nỗ lực của cả đất nước"
Ngoài khoản ngân sách khổng lồ, hoạt động của các doanh nghiệp và người dân Singapore cũng bị hạn chế một phần để phục vụ cho các hoạt động của hội nghị. Bãi biển và các con đường gần khách sạn 5 sao Capella Singapore, nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh, cũng được coi là "khu vực dành cho sự kiện đặc kiện" từ ngày 10-14/6/2018.
Một số chủ sỡ hữu của các khu nghỉ dưỡng tại đây cho biết tình hình kinh doanh đã bị sụt giảm trong tuần diễn ra hội nghị, theo Straits Times. Nhiều tuyến đường bị chặn ở một số khu vực nhất định cũng khiến người dân Singapore thường xuyên bị kẹt xe không báo trước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Lý cho rằng tất cả những điều bất tiện này đều đáng giá. Ông nói thêm sự kiện này không nên được đánh giá là nỗ lực của riêng chính phủ, mà là của "toàn bộ đất nước Singapore". "Tôi hy vọng các bạn hiểu điều này đều nhằm mục đích chính đáng. Đây là nỗ lực của cả đất nước và tôi hy vọng tất cả chúng ta có thể cùng nhau cho thế giới thấy Singapore có thể làm được những gì", ông Lý nói.
Các phóng viên đưa tin cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất làm việc tại trung tâm truyền thông trong Tòa nhà F1 Pit nằm ở khu trung tâm Singapore. Ảnh: Twitter. |
Thủ tướng Lý cũng khen ngợi các sĩ quan quân đội quốc gia Singapore, với vai trò như lực lượng bảo an, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong hoàn cảnh rất khó khăn, kể từ khi có thông báo chính thức cuộc họp diễn ra ở Singapore vào ngày 1/6, khiến nước này chỉ có hai tuần để chuẩn bị.
Singapore là một trong số ít các quốc gia có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên. Thủ tướng Lý cho rằng việc tìm được địa điễm gặp gỡ thích hợp làm hài lòng cả hai phía là không hề dễ dàng.
"Do đó, khi Mỹ và Triều Tiên yêu cầu chúng tôi tổ chức hội nghị, chúng tôi không thể nói không. Thực tế là Singapore đã được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc họp dù chúng tôi không yêu cầu. Tuy nhiên hai phía đã hỏi và chúng tôi đã đồng ý - trên phương diện mối quan hệ của Singapore với các bên, Mỹ và Triều Tiên, cũng như dựa trên vị thế của chúng tôi trong cộng đồng quốc tế", Thủ tướng Lý cho biết.