Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sikorsky S-69, con lai của trực thăng và máy bay phản lực

Sikorsky S-69 là trực thăng đồng trục trang bị hai động cơ phản lực, ra đời nhằm mục đích thử nghiệm dưới sự tài trợ của quân đội và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Tập đoàn chế tạo máy bay Sikorsky bắt đầu dự án chế tạo S-69 hay còn gọi là XH-59A trong đầu thập niên 1970. Mẫu máy bay thử nghiệm thứ nhất cất cánh lần đầu ngày 26/7/1973. Hai cánh quạt đồng trục quay ngược chiều cùng hai động cơ phản lực gắn bên thân giúp S-69 có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa đạt 518 km/h. Ảnh: Wikipedia

Thiết kế khí động học của S-69 cho phép nó hoạt động bình thường nếu không có hai động cơ phản lực. Trong trường hợp này, máy bay chỉ có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa đạt 289 km/h. Nếu không dùng động cơ cánh quạt, S-69 có khả năng di chuyển với vận tốc 487 km/h. Ảnh: Wikipedia

Mẫu Sikorsky S-69 thử nghiệm thứ hai ra mắt trong tháng 7/1975. Ban đầu, người ta chưa trang bị động cơ phản lực cho nó nên lần bay thử đầu tiên, hai cánh quạt đồng trục giúp máy bay cất cánh. Sikorsky tiếp tục lắp đặt động cơ phản lực để hoàn thiện mẫu thử nghiệm S-69 thứ hai trong những năm tiếp theo.  Ảnh: Wikipedia

Theo kế hoạch ban đầu, quân đội Mỹ và NASA chỉ đầu tư kinh phí để chế tạo một mẫu S-69 duy nhất. Tuy nhiên, sự cố xảy ra với nguyên mẫu thử nghiệm đầu tiên khiến Sikorsky phải chế tạo nguyên mẫu thứ hai với hàng loạt cải tiến. Ảnh: Wikipedia

Những chiếc S-69 dài 12,42 m, cao 4,01 m với đường kính cánh quạt đạt 10,97 m. Nó có khả năng cất cánh với tải trọng tối đa đạt 5.000 kg. Khoang lái của S-69 dành cho 2 phi công. Các động cơ phản lực cho phép S-69 đạt tới độ cao 7.600 m. Ảnh: Airplanes.net

Năm 1981, Mỹ tạm ngưng dự án chế tạo Sikorsky S-69. Hai mẫu máy bay này thuộc quyền sở hữu của NASA. Năm 1982, người ta nâng cấp cánh quạt, động cơ và hệ thống đẩy ở phía đuôi, giúp S-69 phù hợp hơn với một chiếc trực thăng tấn công hạng nhẹ. Thành tựu của S-69 đóng vai trò quan trọng trong quá trình chế tạo trực thăng siêu tốc của quân đội Mỹ sau này. Ảnh: Airplanes.net

Hồng Minh

Bạn có thể quan tâm