Siêu xe thăm dò chụp hình ‘nóc nhà sao Hỏa’
Siêu xe thăm dò sao Hỏa Curiosity gửi về trái đất một trong những khoảnh khắc đáng kinh ngạc nhất trong hành trình truy tìm sự sống trên bề mặt hành tinh Đỏ: chụp toàn cảnh đỉnh núi cao hơn “nóc nhà thế giới” Everest.
Đỉnh Aeolis Mons nằm ở trung tâm miệng núi lửa khổng lồ Gale, gần xích đạo sao Hỏa. Nếu sử dụng phương pháp so sánh độ cao của Aeolis Mons với điểm cao nhất xung quanh đó, ngọn núi này sẽ cao hơn bất kỳ đỉnh núi nào khác trên trái đất. Khoảng cách từ đỉnh của ngọn núi cao thứ 2 so với Aeolis Mons đạt 18.000 ft, tương đương 5.486 m.
Đỉnh Aeolis Mons, "nóc nhà" sao Hỏa. (Kích chuột phải, chọn "View Image" hoặc "Xem ảnh" để hiện thị đầy đủ) |
Thực tế, trên sao Hỏa không tồn tại nước trên bề mặt nên hoàn toàn không thể so sánh chiều cao của Aeolis Mons với mực nước biển, cách thức vẫn thường được dùng để đo đạc trên mặt đất. Chính vì lẽ đó, so sánh chiều cao của ngọn núi với các đỉnh bên cạnh được xem là phương thức hiệu quả nhất để xác định độ cao.
Dù đỉnh núi Aeolis Mons được vệ tinh quan sát từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên con người có thể ngắm nhìn nó theo hướng từ chân lên tới đỉnh. Với máy chụp ảnh sắc nét và có tầm bao quát rộng, những hình ảnh chi tiết về ngọn núi Aeolis Mons được Curiosity chụp lại và gửi về trái đất. Dựa vào những ảnh chụp, các nhà khoa học có thể nhận ra cấu tạo các loại đá, dựa vào kinh nghiệm nghiên cứu dưới mặt đất.
Bức hình chụp toàn cảnh “nóc nhà sao Hỏa” được NASA công bố không lâu sau khi siêu xe thăm dò phân tích thành công mẫu chất liệu thu thập trên bề mặt hành tinh Đỏ. Theo đó, các nhà khoa học đã xác định được sự có mặt của lưu huỳnh, nitơ, hydro, oxy, phốt pho và carbon, những thành phần hóa học quan trọng để hỗ trợ sự sống trên Hỏa tinh. Nó cũng từng cho thấy nước dưới dạng lỏng từng tồn tại trên bề mặt người láng giềng trái đất.
Hồng Duy
Theo Infonet