Hiện tượng siêu Trăng cuối cùng của năm 2020 sẽ diễn ra vào chiều ngày 7/5 (theo giờ Việt Nam). Cụ thể, Trăng sẽ đạt kích thước lớn nhất vào 17:45. Giới chuyên môn gọi đây là “siêu Trăng hoa” vì Trăng sáng, to và rõ nhất.
“Siêu Trăng hoa” quan sát từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA năm 2017. Ảnh: NASA/ Kim Shiflett. |
"Siêu Trăng hoa” được xem là điềm lành của mùa xuân ở Bắc bán cầu. NASA cho biết quan niệm này bắt nguồn từ phương thức dự đoán thời tiết Maine Farmers Almanac vào những năm 1930.
Thuật ngữ “siêu Trăng” mô tả thời điểm Mặt Trăng có khoảng cách gần nhất với Trái Đất trên quỹ đạo Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời. Khi đó, Mặt Trăng trông sáng và lớn hơn so với bình thường.
Có thể nói “siêu Trăng hồng” vào tháng 4 là siêu Trăng lớn nhất năm 2020, còn “siêu Trăng hoa" trong tuần này là siêu Trăng đẹp nhất.
Bản tin NASA cho biết trong tuần này, bên cạnh thứ Năm ngày 7/5, “siêu Trăng hoa sẽ xuất hiện liên tục từ tối thứ Ba đến sáng thứ Sáu”.
Thời điểm dễ quan sát siêu Trăng nhất là vào hoàng hôn. Bạn chỉ cần nhìn ra ngoài theo hướng đối diện Mặt Trời lặn là sẽ thấy được toàn cảnh siêu Trăng.
Ngoài "siêu Trăng hoa”, một sự kiện khác là mưa sao băng sẽ diễn ra vào đêm ngày 6/5 (theo giờ Việt Nam). Mưa sao băng xuất hiện lần này có tên gọi là Bảo Bình (tên khoa học: Eta Aquarids).
Ở khu vực Nam bán cầu, người xem có thể thấy tối đa 60 vệt băng/giờ, trong khi ở Bắc bán cầu, mật độ xuất hiện bị giảm một nửa với tối đa 30 vệt băng/giờ.
Đáng tiếc thay, do thời điểm cực đại trùng với “siêu Trăng hoa”, việc quan sát mưa sao băng Bảo Bình sẽ gặp khó khăn hơn đôi chút.
Tại Việt Nam, thời tiết đêm ngày 6 rạng sáng 7/5 ở các vùng trên cả nước đều ít mây, không mưa hoặc chỉ mưa vài nơi, khá thuận lợi để ngắm mưa sao băng.