Gần 18h chiều ngày 23/7, tại siêu thị Co.opmart Văn Thánh (quận Bình Thạnh) khoảng 20-30 người xếp hàng chờ mua sắm, siêu thị giới hạn 10 người vào một lần trong 20 phút. Tuy nhiên, tại các quầy, lượng rau củ, thịt cá vẫn dồi dào, khách mua có thể lựa chọn đa dạng mà không phải chen lấn.
Theo một nhân viên tại đây, so với 2-3 ngày trước, hôm nay lượng khách có tăng mạnh hơn nhưng hàng hóa vẫn đảm bảo đủ cung ứng. Siêu thị còn sắp xếp một số loại củ quả đã cân sẵn đặt gần lối ra vào để khách hàng dễ lựa chọn.
Tại siêu thị này, tình trạng hết hàng cục bộ như thời điểm các ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16 không còn.
Vừa thanh toán hóa đơn hơn 1 triệu đồng, chị Mai (quận Bình Thạnh) cho hay: "Hôm nay nghe nói giãn cách thành phố thêm 8 ngày nên tôi tranh thủ đi mua sắm cho cả tuần, cũng phải ngồi chờ hơn 1 tiếng mới được vào mua".
Gần 18h tối nhưng rau, củ, thịt cá tại siêu thị Co.opmart vẫn đầy ắp trên kệ hàng. Ảnh: Quỳnh T. |
Giá thực phẩm thiết yếu như rau, củ, thịt heo tại siêu thị này luôn ở mức bình ổn. Thịt ba rọi có giá 200.000 đồng/kg, nạc vai 145.000 đồng/kg, thịt heo xay 160.000 đồng/kg, bắp cải 16.500 đồng/kg, bầu 30.000 đồng/kg, đậu bắp 26.500 đồng/kg,...
Tại cửa hàng Vinmart+ (quận 1) chỉ có 5-6 người xếp hàng chờ, một số mặt hàng rau, củ vẫn còn nhiều trên các quầy kệ. Đại diện siêu thị khẳng định lượng hàng tại hệ thống siêu thị đủ cung ứng cho người tiêu dùng. Hiện Vinmart/Vinmart+ dự trữ lượng hàng hóa tăng 300% so với bình thường, tương ứng khoảng 40-60 ngày tiêu thụ.
Trong khi đó, tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Nguyễn Văn Thương và Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) ghi nhận thời điểm 17h khách hàng không phải xếp hàng vào mua sắm nhưng hàng hóa tươi sống không còn nhiều, đặc biệt mặt hàng rau, củ chỉ còn 2-3 loại. Mặt hàng trứng gà, vịt hầu như không còn.
Một số mặt hàng đồ khô như mỳ gói cũng hết, chỉ còn một số loại mỳ Hàn Quốc với mức giá khá cao, dao động 20.000-35.000 đồng/gói tùy loại.
Liên quan tới việc đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng tại TP.HCM khi thành phố siết chặt Chỉ thị 16, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có hướng dẫn cụ thể.
Cửa hàng Bách Hóa Xanh hết sạch mỳ gói, miến. Ảnh: Quỳnh T. |
"Cụ thể siết chặt như thế nào để các địa phương, Bộ ngành liên quan chủ động xây dựng kịch bản ứng phó chuẩn bị đủ nguồn hàng, nhất là hàng hóa thiết yếu cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Hiện, Sở Công Thương TP.HCM cũng đã có nhiều biện pháp nhằm giảm áp lực mua sắm tại các siêu thị khi chỉ còn 32 chợ hoạt động. Lũy kế từ ngày 11/7 đến 22/7, TP đã tổ chức được 798 điểm bán với 866 lượt xe bán hàng lưu động với tổng lượng hàng hóa cung cấp là 415 tấn thực phẩm các loại, 120.700 quả trứng.
Trong đó, Sở Công Thương tổ chức 260 điểm bán với 348 lượt xe theo đề xuất điểm đăng ký của các quận, huyện với 109 tấn hàng hóa và 110.700 quả trứng.
Trong số đó, nhiều nhất là quận 7 với 35 điểm, Bình Thạnh: 41 điểm, TP Thủ Đức: 32. Các quận huyện không đăng ký bán hàng lưu động gồm: Quận 4, quận 5, quận Tân Phú và huyện Cần Giờ).
Theo Sở Công Thương TP.HCM, số lượng các chuyến xe và khối lượng hàng bán lưu động đang có xu hướng ngày càng tăng và thêm nhiều đơn vị tham gia. Mô hình bán hàng lưu động sẽ được TP tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới với quy mô và phạm vi lớn hơn để hỗ trợ người dân.