Chiều 27/3, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì buổi giao ban trực tuyến công tác phòng chống dịch Covid-19 với các đơn vị trực thuộc.
Phó giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan thông tin ngay sau chỉ đạo của thành phố yêu cầu tạm đóng cửa các cơ sở kinh doanh không cần thiết, đồng loạt các quận, huyện, thị xã đã thực hiện nội dung này. Tuy nhiên, cách hiểu chưa thống nhất dẫn đến UBND một số phường chỉ đạo lực lượng chức năng phường đóng cửa cả đơn vị kinh doanh thương mại và ra cả bằng văn bản.
Sức mua tăng mạnh trước khi lệnh cấm có hiệu lực
Nhiều doanh nghiệp thắc mắc đến Sở Công Thương, đồng thời một bộ phận người dân lo các hệ thống phân phối nhu yếu phẩm đóng cửa, đổ xô đi mua hàng ở chợ.
“Ngày 27/3, tại siêu thị lượng hàng bán tăng gấp đôi so với ngày thường, ở chợ tăng 20-50%. Chúng tôi lại phải điện thoại cho lãnh đạo quận, huyện, thị xã nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không phải tích trữ hàng hóa, các hệ thống phân phối vẫn mở cửa bình thường đảm bảo hàng hóa cho người dân”, bà Lan chia sẻ.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Sở Công Thương, để không phải đóng cửa theo chỉ đạo của thành phố, một số cơ sở, siêu thị điện máy đã đưa thêm hàng hóa thiết yếu vào bán chung với mặt hàng điện máy. Vì thế, tình hình hết sức phức tạp, Sở Công Thương phải phối hợp với đơn vị chức năng để xử lý.
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương, trên toàn thành phố có 26 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 455 chợ, hơn 400 cửa hàng xăng dầu và hơn 600 cửa hàng gas… Đây là các đối tượng được xem xét mở cửa để phục vụ cho nhu cầu của người dân.
Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết đối với các trung tâm thương mại chỉ mở cửa siêu thị tổng hợp bên trong. Các siêu thị được mở bán nhưng không được phục vụ ăn uống, cà phê và vui chơi giải trí. Còn các chợ vẫn mở cửa bình thường.
Về dự trữ hàng hóa, Sở Công Thương đã xây dựng kịch bản theo 5 cấp độ và sẽ gửi UBND thành phố cũng như các quận, huyện để cùng rà soát, nắm bắt tình hình, diễn biến dịch và xây dựng phương án cho từng cấp độ.
Báo cáo về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết trong đêm 26/3, toàn bộ lực lượng các phường trên địa bàn quận đã ra quân, đi đến từng cửa hàng vận động, tuyên truyền yêu cầu đóng cửa. Trong số hơn 5.200 cơ sở thì đã dừng hơn 4.200 cơ sở.
Ngoài ra, cơ sở dịch vụ không thiết yếu như trung tâm ngoại ngữ, nhà nghỉ, cà phê, bán đồ điện, thiết bị vệ sinh thì quận đang vận động, yêu cầu đóng cửa theo chỉ đạo của thành phố và Thủ tướng.
"Quận đã thành lập 3 tổ công tác đi kiểm tra, rà soát toàn bộ 8 phường về việc đóng cửa các quán ăn, cơ sở giải trí, các nơi tụ tập đông người. Đến nay hơn 4.000 cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận đã được phổ biến và dừng kinh doanh", ông Phong nói.
Hà Nội ghi nhận 17 trường hợp lây nhiễm chéo tại cộng đồng
Lãnh đạo Sở Y tế cho hay tính đến 14h ngày 27/3, Việt Nam có 153 người bị nhiễm Covid-19 tại 22 tỉnh, thành phố (tới 18h cùng ngày, theo Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 10 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 163 ca).
Theo Sở Y tế, tính đến 12h ngày 27/3, TP đã ghi nhận tổng cộng 58 trường hợp có xét nghiệm dương tính. Trong đó, 46 trường hợp là người nhập cảnh vào Hà Nội, 12 trường hợp lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Đáng chú ý, trong số 46 người dương tính từ nước ngoài về, chỉ có 29 người được phát hiện, sàng lọc sớm, còn đến 17 người về cộng đồng mới phát hiện.
Hà Nội đã ghi nhận 58 ca dương tính với Covid-19, trong đó có 17 ca lây nhiễm chéo tại cộng đồng. Ảnh: Việt Hùng. |
Hiện, thành phố theo dõi 9.804 người liên quan đến các ca bệnh và người từ vùng dịch về chưa qua 14 ngày. Thành phố đang cách ly 1.277 trường hợp F1, đã lấy mẫu xét nghiệm 1.262 trường hợp (còn 13 trường hợp đang liên hệ lấy mẫu). Kết quả 1.128 trường hợp âm tính, 9 trường hợp dương tính,125 trường hợp đang đợi kết quả.
Đối với các trường hợp lây nhiễm tại bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế đã liên hệ với bệnh viện để lấy danh sách các trường hợp đã điều trị nội trú và ra viện trong khoảng thời gian ngày 15-25/3 (tổng số có 1.591 người), đồng thời yêu cầu cách ly và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ các trường hợp trên.
UBMT Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp nhận ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trên 2 tỷ đồng và số trang thiết bị, nhu yếu phẩm trị giá trên 9,2 tỷ đồng.
Sở Y tế nhận định số ca mắc của Hà Nội chủ yếu vẫn là từ nước ngoài về, tuy nhiên đã xuất hiện chùm ca bệnh trong bệnh viện Bạch Mai và các trường hợp nhân viên y tế lây nhiễm.
"Trong những ngày tới dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn và tiếp tục có chiều hướng gia tăng", báo cáo của Sở Y tế nêu.