Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu thị chen chân đến khu dân cư

Cuộc đua bán lẻ hàng tiêu dùng theo hướng “gần dân” đang tỏ ra gấp gáp, khi nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng vào cuộc.

Siêu thị chen chân đến khu dân cư

Cuộc đua bán lẻ hàng tiêu dùng theo hướng “gần dân” đang tỏ ra gấp gáp, khi nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng vào cuộc.

Sự tiện lợi của siêu thị, cửa hàng tiện ích khiến khách hàng đến với loại hình bán lẻ này ngày càng đông.

Thị trường bán lẻ TP HCM từ đầu năm đến nay liên tục có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng thuộc kênh phân phối hiện đại. Đặc biệt là sự xuất hiện liên tục của các siêu thị mini tại nhiều khu dân cư từ nội thành ra ngoại thành. Ở phân khúc cửa hàng thực phẩm tiện lợi, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cuối tháng 5 đã đưa vào khai thác cửa hàng Satrafoods tại Gò Vấp. Đây là cửa hàng thứ 21 trong chuỗi Satrafoods, và là cửa hàng thứ hai tại quận này.

Năm 2013, thay vì mở tại các quận huyện vùng ven, Satra tập trung phát triển hệ thống cửa hàng Satrafoods ở nội thành. Kế hoạch của đơn vị này đến cuối năm nay sẽ có hơn 30 cửa hàng thuộc chuỗi. Và trong những năm tới, mỗi năm sẽ đầu tư từ 15-20 cửa hàng để bao phủ khắp TPHCM.

Còn nhà bán lẻ Saigon Co.op vừa khai trương đại siêu thị Co.op Xtra Plus tại quận Thủ Đức, hồi giữa tháng 5 thì đặt mục tiêu có thêm 24 cửa hàng thực phẩm Co.op Food trong năm 2013.

Trong khi đó, ông lớn Big C, nhà bán lẻ nước ngoài vốn chỉ đầu tư các đại siêu thị cũng đang chen chân vào sâu trong khu dân cư, khi cho ra đời được10 cửa hàng tiện lợi của chuỗi hệ thống Big C Express và New Chợ.  

Cuộc đua mở siêu thị đến từng khu dân cư đang thu hút hầu hết các nhà bán lẻ.

Dạo qua BigC Express trên đường Hoàng Hoa Thám (P.12, Tân Bình), dù cách chợ Hoàng Hoa Thám chỉ vài chục mét nhưng siêu thị này lúc nào cũng đông khách, chủ yếu là các bà nội trợ mua hoá đơn chừng 200.000-250.000 đồng. Tại Satrafoods quận 9, từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối cũng luôn tấp nập các bà nội trợ mua thực phẩm, dù bao quanh siêu thị này là 3 chợ truyền thống.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, giám đốc chuỗi cửa hàng Co.opfood, thực phẩm chiếm từ 70 – 90% doanh thu của chuỗi Co.opfood. Doanh thu hàng ngày tại các cửa hàng nhỏ mức thấp khoảng 30 triệu đồng, các cửa hàng lớn hơn 50 – 70 triệu.

Siêu thị nhỏ vẫn đắt khách chính là lý do kinh tế khó khăn, sức mua giảm nhưng kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động theo hướng đi vào khu dân cư, phục vụ toàn thời gian vẫn được các nhà bán lẻ tích cực triển khai. Theo ông Trần Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Satra, trong chiến lược phát triển của Satra, đơn vị này xác định mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi phù hợp để mở rộng nhanh, bởi diện tích không lớn, dễ đầu tư và đầu tư nhanh.

Còn ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, thì cho rằng so với siêu thị, cửa hàng tiện lợi có nhiều lợi thế như không cần diện tích lớn, không tốn nhiều chi phí đầu tư, có thể đi sâu vào các khu dân cư nhưng lại cho người dân cảm giác đến siêu thị vì hàng hóa đảm bảo, phong phú, đa dạng, môi trường sạch sẽ và được bán đúng giá dù đầu giờ sáng hay tối khuya… Chính những lợi thế này đã giúp doanh thu ở chuỗi cửa hàng Coop Food liên tục đạt mức tăng trưởng 100%.

Theo định giá của nhiều nhà bán lẻ, vốn đầu tư cửa hàng tiện lợi không nhiều, chỉ khoảng 2-2,5 tỷ đồng, nên trong thời gian tới sẽ còn nở rộ loại hình cửa hàng này hơn nữa. Cũng theo tính toán này, nếu chọn được vị trí thuận lợi, thời gian lấy lại vốn của một cửa hàng đông khách chỉ chừng 1-2 năm. Điều này cũng thúc đẩy các nhà bán lẻ ồ ạt mở cửa hàng, siêu thị nhỏ sâu vào từng khu dân cư và tung hàng loạt chương trình khuyến mãi không thua các siêu thị lớn để hút khách.

Nhưng miếng bánh ngon sẽ có nhiều người chia phần. Thế nên, nhiều chuỗi cửa hàng đang hướng đến việc cho ra những sản phẩm “độc quyền” để hút khách. FamilyMart bán các sản phẩm “ăn nhanh” mang hương vị truyền thống Nhật Bản như sushi cá hồi, sushi salad, còn Big C thì mang thương hiệu WOU vào siêu thị C Express và chọn vị trí ngay cạnh chợ truyền thống để so sánh giá cả, chất lượng sản phẩm… 

Một số thương hiệu khác lại đang ra chiến lược mở rộng chuỗi bằng cách hợp tác đầu tư và hỗ trợ các hộ gia đình nâng cấp trên mặt bằng sẵn có và đào tạo kỹ năng quản lý. Về lâu dài, các kênh bán lẻ sẽ vươn rộng đến các khu dân cư để tạo ra mạng lưới đủ lớn và tận dụng lợi thế về quy mô để có chi phí cạnh tranh.

Hiện có khoảng 30 chuỗi đang kinh doanh như Circle K, Shop&Go, Ministop, FamilyMart, B&B, Day&Night, Co.opfood, Satrafoods, New Chợ, CExpress, … Nếu xét về số lượng, hiện nay hệ thống Co.op Mart dẫn đầu với 62 siêu thị, hơn 55 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, trên 100 cửa hàng Co.op. Chuỗi Shop&Go với 83 cửa hàng và đang mở rộng ra phía Bắc, FamilyMart với 27 cửa hàng trong kế hoạch đạt 300 vào năm 2015 và 1.000 vào năm 2020; Ministop với 12 cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM trong mục tiêu 500 cửa hàng trong 5 năm tới; Circle K với 33 cửa hàng trong kế hoạch mở 550 cửa hàng đến năm 2018.

H.Linh

Theo infonet

H.Linh

Theo infonet

Bạn có thể quan tâm