Siêu tăng T-14, dự án phát triển bí mật của Nga trong nhiều năm qua. Hình ảnh, tính năng của nó trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trong giới quân sự Nga cũng như thế giới. Ảnh: Bastion-Karpenko |
Dự án bí mật
Mặc dù, giới quân sự thế giới đánh giá T-90 là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu thế giới nhưng quân đội Nga vẫn không hài lòng với tính năng của dòng xe tăng này. Mặt khác, T-90 chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc chờ đợi sự phát triển của dòng xe tăng mới.
Theo Military-today, sau khi hủy bỏ dự án phát triển xe tăng T-95, năm 2011, quân đội Nga quyết định phát triển hệ thống khung gầm hạng nặng tiêu chuẩn Armata làm cơ sở sản xuất các loại xe tăng - thiết giáp mới. Dự án Armata gồm có: Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14, xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 và một số phương tiện kỹ thuật khác.
Quá trình phát triển dự án Armata được bảo mật thông tin rất chặt chẽ, dẫn đến những đồn đoán về hình ảnh và tính năng. Đến đầu năm 2015, Nga mới tiết lộ một số thông tin về dự án bí mật này. Theo RT, các loại xe tăng - thiết giáp trong dự án sẽ công khai trước công chúng tại lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít ngày 9/5 tới.
Nắm đấm hỏa lực mạnh nhất
T-14 là xe tăng đầu tiên trên thế giới sử dụng tháp pháo điều khiển từ xa. Ảnh: Sputniknews |
Theo hình ảnh mới nhất do Bộ Quốc phòng Nga công bố, T-14 có thiết kế rất hầm hố. Thân xe dài hơn so với T-90. Hệ thống truyền động 7 bánh trong khi T-90 chỉ có 6.
Một trong những tính năng nổi bật của T-14 là sử dụng tháp pháo điều khiển từ xa. Tháp lắp pháo chính nòng trơn 2A82 125 mm. Pháo có khả năng bắn các loại đạn xuyên giáp mạnh như: Đạn xuyên giáp động năng sử dụng thanh xuyên có định hình, đạn nổ mạnh, bắn tên lửa chống tăng qua nòng và nhiều loại đạn khác.
Pháo 2A82 có xung lực đầu nòng mạnh hơn so với pháo Rheinmetall 120 mm trên xe tăng Leopard-2 của Đức. Giới quân sự Đức thừa nhận, tính năng của T-14 vượt trội so với Leopard-2A7, một trong những xe tăng mạnh nhất của Đức.
Vũ khí phụ của siêu tăng gồm súng máy cỡ nòng 7,62 mm điều khiển từ xa. So với T-90, tháp pháo T-14 cao và nhiều góc cạnh hơn. Một điểm khác lạ của T-14 so với các xe tăng khác trên thế giới là hệ thống phóng lựu đạn khói gây nhiễu bố trí ngay dưới tháp pháo.
Ngoài ra, phía trên tháp pháo còn có 2 hệ thống phóng lựu đạn khói khác. Hông xe phía trước được trang bị giáp hộp, đuôi xe sử dụng giáp dạng lưới. Đặc tính giáp của T-14 chưa được tiết lộ nhưng giới quân sự dự đoán, nó sẽ có khả năng chống chịu rất tốt với các loại vũ khí chống tăng.
T-14 sẽ là trụ cột của lực lượng tăng-thiết giáp Nga thời gian tới. Ảnh: Sputniknews |
Một số nguồn tin cho biết, các kỹ sư Nga sẽ trang bị cho T-14 hệ thống phòng vệ chủ động (APS) Afganit. Hệ thống hoạt động dọc theo tháp pháo ở nhiều cấp độ khác nhau, đảm bảo phòng vệ đầy đủ nhất các khu vực quan trọng của xe tăng.
Theo Văn phòng Nghiên Cứu Quân Sự Nước Ngoài (FSMO), Mỹ, T-14 được trang bị hệ thống treo có thể điều chỉnh theo địa hình giúp xe di chuyển linh hoạt hơn. Hệ thống treo còn giúp ê-kíp vận hành đỡ mệt mỏi, vừa hỗ trợ cho hệ thống điều khiển hỏa lực nhắm mục tiêu chính xác hơn trong khi đang di chuyển.
Điểm cải tiến quan trọng khác là kíp vận hành 3 người ngồi trong khoang dạng con nhộng phía trước mũi xe. Theo các chuyên gia quân sự, phần thân phía trước vốn rất dày với nhiều lớp giáp bảo vệ kết hợp. Khu vực này có thể chịu được đợt tấn công trực diện của bất kỳ vũ khí chống tăng nào đang có.
T-14 sử dụng động cơ diesel A-82-2, công suất 1.200 mã lực, tốc độ tối đa khoảng 70 km/h, dự trữ hành trình 550 km.
Tạp chí Diplomat xếp hạng T-14 là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ 3 đầu tiên trên thế giới với nhiều tính năng vượt trội. Báo cáo của FMSO về T-14 từng viết: "Hệ thống phòng vệ đảm cho xe tăng trước mọi đợt tấn công ngay cả từ trên không. Vì vậy, thậm chí trực thăng tấn công hiện đại như Apache cũng có rất ít cơ hội để tiêu diệt nó".