Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu dự án 65.000 tỷ của 'chúa đảo' Tuần Châu ở TP.HCM đang ra sao?

Đã qua thời hạn 4 tháng mà TP.HCM đưa ra cho Tập đoàn Tuần Châu để đề xuất phương án khả thi của dự án 65.000 tỷ Đại lộ ven sông, tình trạng dự án này vẫn đang để ngỏ.

Trao đổi với Zing.vn chiều 3/8, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu, cho biết ông chưa nắm được rằng bộ phận tư vấn “đã làm đến đâu” với đề xuất cho siêu dự án.

Chưa rõ đề xuất đến đâu

“TP.HCM có chủ trương, tôi giao cho anh em chuyên môn, công ty tư vấn trực tiếp làm với sở ban ngành, như là hiến kế cho thành phố”, ông Tuyển nhấn mạnh.

“Chúa đảo” Tuần Châu cũng không bình luận thêm về tuyên bố “sẽ theo đuổi dự án đến cùng” từng đưa ra trước đó.

sieu du an cua chua dao,  chua dao tuan chau anh 1
Siêu dự án của "chúa đảo" Tuần Châu liệu có thành hiện thực?

Thời điểm 4 tháng để Tuần Châu trình đề xuất được tính từ ngày 8/3. Trong văn bản của Văn phòng UBND TP.HCM, thành phố ra “tối hậu thư” đối với Tuần Châu liên quan đến dự án Đại lộ ven sông. Trong vòng 4 tháng, Tuần Châu tự cân đối chi phí lập, trình duyệt dự án. Doanh nghiệp của “chúa đảo” cũng sẽ nghiên cứu phương án giao thông kết nối khu đô thị Tây Bắc với dự án giao thông trên.

"Nếu đề xuất không khả thi, không được các cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua hoặc quá 4 tháng mà Tuần Châu không hoàn thành việc nghiên cứu đề xuất thì coi như Tuần Châu từ chối tiếp tục tham gia đầu tư dự án và tự chịu mọi chi phí thực hiện", văn bản của Văn phòng UBND TP.HCM nêu rõ.

Đến nay, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho rằng dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn từ quận 1 tới Củ Chi mà Tập đoàn Tuần Châu đề xuất là hoàn toàn mới trong quỹ giao thông của thành phố. Hiện nay, Sở Kế hoạch Đầu tư mới nhận được báo cáo mới nhất của chủ đầu tư về chi tiết thực hiện. Thành phố đang làm thủ tục cập nhật quy hoạch, đánh giá quy mô của dự án. 

Tuy nhiên, ông Lâm cũng lưu ý đây là dự án lớn và phải xem xét dựa trên quy hoạch tổng thể của TP.HCM bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan nên không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

"Việc dự án triển khai hay không còn phải tính toán lại về nguồn vốn và phương thức thực hiện", ông Lâm nói.

Vẫn băn khoăn về nguồn vốn

Ngay sau khi Tuần Châu ngỏ ý muốn xây siêu dự án 65.000 tỷ đồng, câu hỏi được nhiều người đặt ra là Tuần Châu lấy đâu ra tiền để làm dự án, khi mà so sánh quy mô dự án đối với quy mô doanh nghiệp có sự chênh lệch lớn.

Zing.vn cũng đã có trao đổi với một số ngân hàng vào thời điểm “chúa đảo” Tuần Châu đề xuất siêu dự án nói trên.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank, cho biết ông chưa nghe thông tin ngân hàng sẽ tài trợ vốn cho dự án này.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cũng phủ định thông tin thị trường cho rằng TPBank sẽ cấp “vài nghìn tỷ” cho dự án nói trên.

Gần đây, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, khẳng định lại ông chưa nghe thông tin về việc ngân hàng tài trợ vốn cho dự án của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển.

Nguồn tin từ một quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam cũng từng chia sẻ đơn vị này chưa hào hứng đối với dự án nói trên. Vẫn đang đầu tư một dự án lớn tại khu vực miền Trung, nguồn tin này cho biết hiện tại, hầu như các quỹ không quá hào hứng đối với bất động sản. 

Tháng 1 năm nay, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, có đề xuất với TP.HCM về việc đầu tư dự án khu đô thị tại Củ Chi với các dự án lớn như Thành phố mới New City tại huyện Củ Chi; Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi về đến quận 1); dự án Hồ cảnh quan trung tâm thành phố mới tại Củ Chi; dự án Sài Gòn Marina City và hải cảng hải sản Cần Giờ; dự án di chuyển chợ hóa chất Kim Biên quận 5.

Sau khi được chấp thuận về chủ trương, Tập đoàn Tuần Châu xin TP.HCM một quỹ đất có diện tích 15.000 ha (gấp 15 lần Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và Khu đô thị Thủ Thiêm cộng lại) để hình thành một thành phố mới mang tên New City.

Trong một văn bản gửi đến Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM hồi đầu tháng 2, Tập đoàn Tuần Châu cho biết tổng vốn đầu tư cho các dự án nói trên lên đến 65.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp là 50%.

Ngoài ra, đồng hành với chủ đầu tư sẽ có các tập đoàn, công ty, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Cơ sở để thực hiện các phương thức trên là căn cứ theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư dưới hình thức đối tác công tư. Cụ thể, giá trị đầu tư dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ được TP.HCM hoàn trả đất theo giá trị tương ứng tại 2 dự án Sài Gòn Marina City tại Cần Giờ và Sài Gòn New City tại Củ Chi và một số mặt bằng khác trong thành phố.

Tuy nhiên mới đây bà Vũ Thị Khuyên, Trưởng văn phòng Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản TP.HCM, cho biết các siêu dự án tại Củ Chi, Cần Giờ chưa được UBND TP.HCM chính thức giao đất mà chỉ dừng lại ở mức doanh nghiệp đề xuất ý tưởng.


Kiều Diễm - Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm