Đập thủy điện Ilisu, một trong những siêu dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đang dần nhấn chìm thung lũng Hasankeyf và khiến gần 70.000 người phải di dời. Vùng đất vẫn còn nhiều di tích khảo cổ chưa được khám phá giờ đây chịu chung số phận với nông trang và nhà cửa của người dân địa phương - bị nuốt chửng dưới mặt nước hồ thủy điện. Ảnh: New York Times. |
Công trình thủy điện được hoàn thành vào tháng 5. Tổng thống Erdogan khi đó đã hứa hẹn dự án mang lại hòa bình và thịnh vượng cho cả khu vực phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. "Làn gió hòa bình, tình anh em và thịnh vượng từ đập Ilisu sẽ thổi qua vùng đất nơi này suốt nhiều thế kỷ nữa", ông tuyên bố dự án có thể mang lại hàng tỷ USD cho nền kinh tế và cung cấp nước cho hàng nghìn hecta đất nông nghiệp. Ảnh: New York Times. |
Nhưng niềm vui không được chia đều cho tất cả. Nhiều người mất nhà cửa và sinh kế nói dự án được tiến hành dù chẳng ai hỏi ý kiến của họ. Không ít người vẫn cảm thấy cay đắng, thậm chí là khủng hoảng. Trong khi đó, giới hoạt động môi trường và chuyên gia khảo cổ, cả trong và ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, không giấu được bức xúc khi thung lũng Hasankeyf cùng những vẻ đẹp và giá trị lịch sử độc nhất đã đang dần bị "xóa sổ" sau lệnh mở nước lấp đập thủy điện của chính phủ. Ảnh: New York Times. |
Hơn một thập kỷ trước, khi quyết tâm xây đập Ilisu được công bố lần đầu tiên, giới chức chính phủ tại Ankara nhấn mạnh thủy điện là lựa chọn "xanh" nhất cho nhu cầu năng lượng quốc gia. Dự án cho phép Thổ Nhĩ Kỳ giảm phụ thuộc vào khí đốt và than đá nhập khẩu. Năm 2008, ông Erdogan, khi đó giữ chức thủ tướng, còn kỳ vọng dự án sẽ giúp cả khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ thoát nghèo và giải quyết vấn đề phiến quân người Kurd. Ảnh: New York Times. |
Theo New York Times, đập thủy điện Ilisu đã được lên ý tưởng từ thập niên 1950. Đến thập niên 1980, công trình được đưa vào dự án thủy lợi quy mô lớn dành cho toàn khu vực phía đông nam vùng Anatolia. Tuy nhiên, dự án trong nhiều năm qua đã vấp phải phản ứng vì tác động về môi trường, những mất mát di sản văn hóa, cũng như ảnh hưởng đến cộng đồng ở hạ lưu sông Tigris không chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ mà cả Iraq và Syria. Năm 2009, chiến dịch phản đối quốc tế khiến một số đối tác châu Âu phải rút vốn khỏi dự án. Họ cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đáp ứng được yêu cầu về đánh giá tác động xã hội. Ảnh: New York Times. |
Ông Erdogan vẫn kiên định với dự án, thuyết phục các ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc và rót vốn thay cho đối tác châu Âu. Chính quyền cho di dời người dân đến 2 thị trấn được xây mới hoàn toàn. Đường cao tốc và cầu tránh hồ thủy điện cũng được xây thêm. Một quan chức địa phương tiết lộ những công ty thắng thầu có liên hệ với chính phủ của ông Erdogan và toàn bộ dự án đã trở thành cơ hội kiếm tiền. Ảnh: New York Times. |
"Họ đã chi một lượng tiền khổng lồ. Đáng lẽ, với số tiền đó, họ đã có thể khắc phục mọi vấn đề ở phía nam", Emin Bulut, một phóng viên địa phương, cho biết các công trình cho dự án đập Ilisu đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ lira. Ảnh: New York Times. |
Tiền bạc có vẻ không phải là vấn đề khi chi cho các nhà thầu, nhưng nó lại trở nên rắc rối khi đụng đến câu chuyện đền bù cho người dân. Từ năm 2012, đại diện chính quyền đã bắt đầu thẩm định giá trị tài sản cần đền bù vì sẽ bị hồ thủy điện nhấn chìm. Tiền trở thành nguồn cơn cho nhiều bức xúc, làm chia rẽ cộng đồng và dấy lên những cáo buộc tham nhũng. Ảnh: New York Times. |
Sau nhiều năm chính quyền cảnh báo nhưng chưa hành động, hồi kết của thung lũng Hasankeyf đã bất ngờ ập đến. Tháng 8/2019, chính phủ ra lệnh đóng các cửa đập Ilisu và xả nước từ một hồ nằm xa hơn về phía thượng nguồn. "Chúng tôi đã hy vọng nước sẽ không đổ về. Chúng tôi đã không tin rằng ngôi làng sẽ bị nhấm chìm", Remziye Nas, người làng Bzere, nơi nước đã dâng đến thềm nhà, cho biết. Ảnh: New York Times. |
Người dân trong vùng rơi vào cảnh phải hối hả thu dọn nhà cửa, bỏ lại làng mạc và tài sản. Họ phải bán tháo gia súc, chạy lên các khu đất cao để xây nhà và đường tự phát. Ảnh: New York Times. |
Kể từ vụ đảo chính bất thành vào năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm mọi hoạt động biểu tình. Những nỗ lực giải cứu thung lũng Hasankeyf vì thế cũng chìm xuống. Thậm chí các nhà hoạt động còn phải cẩn thận khi đăng tải nội dung trên mạng xã hội. "Đất đai này là của tổ tiên. Họ đã biến chúng tôi thành di dân", Hezni Aksu, 60 tuổi, cay đắng nói. Ảnh: New York Times. |