Những cầu thủ có thâm niên ở MU như Michael Carrick hay Antonio Valencia chắc chắn rõ hơn ai hết, Jose Mourinho không bao giờ trở thành một “Sir Alex Ferguson mới”. Họ biết điều đó ngay lần đầu bước vào phòng làm việc của “Người đặc biệt” ở Carrington.
Nếu như trước đây, trên bàn của Sir Alex Ferguson ngoài tấm ảnh gia đình và một vài kỷ niệm chương sẽ chỉ có những cuốn sách về lịch sử, thì bây giờ, nó là không gian văn hóa Mourinho, hay nói cách khác, như bảo tàng thu nhỏ về ông ta.
Gần cửa ra vào giăng đầy những tấm ảnh lưu lại khoảnh khắc vinh quang của HLV người Bồ Đào Nha thời gian dẫn dắt Porto, Chelsea và Inter Milan trong khi trên tường được trang trí bởi 3 trong số 5 giấy chứng nhận kỷ lục Guinness mà ông từng nhận. Chưa hết, trên bàn làm việc chất đầy bởi những cuốn sách về chính Mourinho và gần đó là chiếc máy chạy bộ tân tiến nhất.
Jose Mourinho khoe một góc phòng làm việc ở trung tâm huấn luyện Carrington trên trang cá nhân. |
Thông qua thay đổi này, đám cầu thủ hiểu rằng các giá trị xưa cũ sẽ không quay trở lại. Dưới thời Sir Alex, quan điểm xuyên suốt là “không thể ép học trò tỏa sáng bằng chiếc roi sắt” để không bao giờ đả kích họ một cách thô bạo, chứ đừng nói là công khai trên mặt báo.
Mourinho thì khác. Với ông, “phê phán là một phần của quá trình phát triển” để không ngại ném các cầu thủ lên giàn thiêu rồi hy vọng họ tự thoát ra và chứng minh bản thân có thể tốt hơn.
Bên cạnh việc bảo vệ học trò, Mourinho cũng không ít lần nhét họ xuống đáy bùn đen. Ông nói rằng Ricardo Carvalho nên được kiểm tra IQ sau khi than phiền về chế độ nghỉ ngơi, mô tả việc sử dụng Karim Benzema ở vị trí trung phong như thể “đi săn với con mèo”, hoặc dọa tống cổ Joe Cole nếu cầu thủ này tiếp tục “chơi vì bản thân và người hâm mộ chứ không phải vì đội bóng”.
Mourinho không ngại la mắng học trò ngay trên sân. |
Mesut Oezil cùng từng tiết lộ bị Mou gọi là “thằng hèn nhát” còn Ibrahimovic cho biết, anh và các đồng đội ở Inter vô cùng xấu hổ khi Mou cho họ xem đoạn clip rồi nói, “đó hẳn là em trai, chứ không phải các cậu”.
Sỉ nhục học trò để thổi bùng lửa nộ, ép họ vượt qua giới hạn bản thân là một nghệ thuật của Mourinho. Trong một thời gian dài ông đã rất thành công với chiêu bài đó. Những cầu thủ M.U dĩ nhiên sẵn sàng cho việc đó khi biết rằng HLV sinh năm 1963 tiếp quản chiếc ghế của Van Gaal.
Nhưng họ không ngờ rằng, chính Mourinho cũng thay đổi. Cũng là chỉ trích, nhưng miệng lưỡi ngoa ngoắt của ông không dừng lại trong giới hạn phòng thay đồ. Để bảo vệ bản thân, ông sẵn sàng khiến các học trò bẽ mặt trước bàn dân thiên hạ.
Mourinho mắng mỏ Marcus Rashford ngay trên sân, đày đọa Bastian Schweinsteiger ở trung tâm huấn luyện và trong phòng họp báo, cáo buộc Chris Smalling thiếu dũng khí và không dám hy sinh, mô tả Luke Shaw không đầu óc, gọi Eric Bailly là ngu ngốc, tuyên bố Henrikh Mkhitaryan ngồi dự bị cũng không xứng … Mới đây, ông lại chê trách MU đá “như trẻ con” ở mọi phương diện sau trận hòa Leicester.
7 năm trở lại đây, Mourinho ít thành công hơn và cáu bẳn hơn. |
Cựu Quỷ đỏ Andrei Kanchelskis từng nói, Mourinho đã sai khi công khai phê phán cầu thủ và cho biết hành động này hoàn toàn xa lạ với Sir Alex trên ghế huấn luyện. “Ông già gân” không nhận thấy bất kỳ lợi ích nào từ việc nhục mạ học trò trước công chúng. Nó không giúp họ chơi bốc lên. Ngược lại, có thể gây ra các rạn nứt và sự bất phục, một khi lòng tự trọng bị tổn thương.
Dễ nhận thấy, kể từ khi hành động công khai tấn công học trò trở nên phổ biến, Mourinho không còn gặt hái thành công một cách thường xuyên như trước. Không chỉ vậy, ở Real rồi Chelsea nhiệm kỳ 2, ông đều là nạn nhân của những vụ lật đổ trong phòng thay đồ.
Liệu một kết cục tương tự có xảy ra ở MU? Không ai dám chắc. Nhưng nếu có, đừng ai cảm thấy ngạc nhiên.
Thành tích của Mourinho suy giảm rõ rệt trong 7 năm trở lại đây. Trong giai đoạn từ 2004-2010 dẫn dắt Porto, Chelsea và Inter, tỷ lệ thắng của Mourinho là 67,1% và chỉ thua 12,1%. Nhưng kể từ năm 2010 đến nay, tại Real, Chelsea và MU, tỷ lệ thắng của Người đặc biệt chỉ còn 65,1% trong khi thua lên tới 15,7%. |