Huyện Si Ma Cai (Lào Cai) dự kiến phát triển diện tích trồng tam thất lên 50 ha vào năm 2020. Nếu điều đó trở thành hiện thực, huyện đặc biệt khó khăn này sẽ là vựa tam thất lớn nhất nước.
Chuyện bắt đầu từ "đệ nhất buôn trâu"
Đang mùa hè, nhưng cái lạnh của Si Ma Cai vẫn khiến tôi sởn da gà. Núi liền núi, đồi hoang hoải, chỉ còn những chòm rừng sa mộc ăn đời ở kiếp với sương giá trên độ cao hơn 1.000 m.
Chỉ riêng năm 2014, diện tích trồng tam thất của Si Ma Cai đã nhảy vọt từ 1 ha lên 7,4 ha. Lãnh đạo huyện gấp rút chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nguồn vốn hỗ trợ ban đầu cho các hộ thực hiện mô hình điểm, với 400 triệu đồng (trích nguồn vốn Chương trình 30a).
Vùng đất khắc nghiệt ấy là “thủ phủ” của người Mông (chiếm 80% dân số của huyện), nơi thiếu từ con chữ đến cơm ăn, áo mặc.
Thế nên, thông tin về người Mông bỏ ra cả tỷ đồng đầu tư trồng cây tam thất trở thành “chuyện động trời” ở miền biên viễn phía Bắc. Khởi xướng phong trào này là ông Giàng Seo Sì (xã Si Ma Cai), một người buôn trâu xuyên biên giới đệ nhất huyện Si Ma Cai.
Với thâm niên hơn 20 năm đánh trâu sang tỉnh Côn Minh (Trung Quốc) rồi nhập ngựa từ nước bạn về, ông Sì nói tiếng Hoa như tiếng mẹ đẻ. Thấy những phú hộ huyện Mã Quan, Châu Vân Sơn (cái nôi tam thất của Trung Quốc và thế giới) giàu nứt đố đổ vách từ trồng cây tam thất, ông Sì quyết tâm học bằng được bí quyết trồng loại dược liệu “hái ra tiền” này.
Năm 2013, “đệ nhất buôn trâu Si Ma Cai” vét hết của nả trong nhà để mua tre làm cột chống, dựng giàn có mái phủ ngọn thông và nhập củ tam thất giống (đường kính 0,5 cm, dài 2 cm) trồng 0,9 ha. Cắm rễ ở “vùng đất thiên đường” với khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm khoảng 20-22 độ C, độ cao 1.200 m, vườn tam thất của ông cứ mơn mởn xanh.
Ông Giàng Seo Lử bên những nụ hoa tam thất vừa thu hái. |
Sau 8 tháng, cây trổ bông trắng muốt, chủ vườn cắt được gần 1 tạ nụ hoa bao tử tươi, đổ buôn cho thương lái 40 triệu đồng. Đáng mừng hơn, củ tam thất đã to gấp 3 lần lúc mới trồng. Từ đấy, vườn dược liệu của ông Sì liên tục đón đoàn cán bộ của huyện, của tỉnh, của Trung ương, nông dân các xã lân cận đến chiêm ngưỡng. Ai cũng trầm trồ thán phục.
Lãi tiền tỷ
Dẫn tôi tham quan khu nhà lưới rộng 1 ha bạt ngàn hoa tam thất, anh Giàng Seo Châu, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, nói đầy tự hào: “Toàn bộ nụ hoa tam thất của tôi đã có người đặt mua. Giá 500.000 đồng/kg mà vẫn cháy hàng”.
Là thạc sĩ đầu tiên của huyện nghèo đặc biệt khó khăn Si Ma Cai, chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp (chủ yếu đánh giá tính hiệu quả của các dự án đầu tư nông nghiệp), Giàng Seo Châu thống kê chi phí đầu tư cho 1 ha trồng tam thất từ 500 triệu đồng (với mô hình trồng tam thất từ hạt, 3 năm mới được thu) đến 700 triệu đồng (với mô hình trồng củ giống tam thất 1 năm tuổi, 2 năm là được thu).
Mặc dù suất đầu tư lớn, nhưng qua tìm hiểu thực tế một số mô hình trồng tam thất ở Trung Quốc, anh Châu quả quyết lợi nhuận mỗi ha có thể lên tới hàng tỷ đồng. Tính toán lợi nhuận như sau: 1 ha trồng tam thất (trừ diện tích rãnh ngăn các luống) được chia thành 1.600 ô (1,9 x 2 m). Với mật độ trồng 10 x 10 cm, một ô sẽ cho khoảng 350 củ.
Dù phải ở nhà vách đất, anh Hoàng Seo Lử, xã Nàn Sán vẫn quyết định vay 400 triệu đồng đầu tư trồng cây tam thất. |
Nếu chỉ tính trọng lượng trung bình mỗi củ ở mức rất khiêm tốn là 20 g (tương đương 50 củ 1 kg), một ô sẽ cho thu hoạch 7 kg củ. Giả thiết, tỷ lệ cây sống đến kỳ thu hoạch đạt 50% thì mỗi ô vẫn thu được 3,5 kg củ (tương đương 5,6 tấn/ha). Trên thị trường, giá 1 kg củ tam thất tươi khoảng 300.000-400.000 đồng/kg.
Như vậy, doanh thu 1 ha từ củ đạt ít nhất 1,7 tỷ đồng. Trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ đồng (đối với mô hình trồng củ giống 1 năm tuổi, thời gian trồng 2 năm), và 1,2 tỷ đồng (với mô hình trồng hạt giống, thời gian trồng 3 năm). Đó là chưa kể nguồn thu hàng trăm triệu từ hoa, thân và lá tam thất.
“Nếu được chăm sóc chu đáo, trọng lượng trung bình mỗi củ tam thất đạt khoảng 40–50 g (tương đương 20 – 25 củ/kg), như thế lợi nhuận có thể đạt 2 tỷ đồng/ha”, anh Châu khẳng định.
Vẫn liên quan đến bài toán lợi nhuận từ mô hình trồng tam thất, ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai, đưa ra công thức đơn giản hơn: Trung bình 1 kg củ giống tam thất (trồng 1 năm tuổi) là 600 củ. Giả thiết tỷ lệ cây sống đến lúc thu hoạch là 50%, trọng lượng 40 g/củ (tương đương 25 củ/kg).
Vậy 1 kg củ giống sẽ cho 12 kg củ tam thất thương phẩm sau 2 năm trồng. 1 ha cần 600 kg củ giống, tương ứng sản lượng khoảng 7,2 tấn khi thu thương phẩm. Trừ chi phí đầu tư, kiểu gì nông dân cũng lãi tiền tỷ.
Nhiều dư địa phát triển
Không ít nông dân ở Si Ma Cai đang nuôi giấc mộng trở thành tỷ phú từ việc trồng tam thất.
“Thực tế, việc trồng cây tam thất ở Si Ma Cai đã diễn ra từ thập kỷ 70, tuy nhiên quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Giờ đây, khi những con đường dẫn đến Si Ma Cai đã rộng thênh thang, chắc chắn nơi đây sẽ trở thành vùng sản xuất dược liệu hàng hóa nổi tiếng trong tương lai”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, chia sẻ.
Gia đình anh Hoàng Seo Lử (xã Nàn Sán) là điển hình. Mặc dù vẫn đang phải sống trong căn nhà vách đất nứt toác, nhưng cuối năm 2014, anh quyết định bán 6 con trâu và vay thêm người thân, bạn bè 400 triệu, để góp vốn đầu tư trồng tam thất cùng ông Thào Seo Lử ở xã Si Ma Cai, diện tích 2 ha.
Sau 7 tháng lao tâm khổ tứ tại khu đồi trồng tam thất, anh cho hay: Nếu thắng một vụ là có biệt thự ở ngay, nhưng để sơ sẩy trong chốc lát thì tán gia bại sản. Bởi, tam thất là cây rất khó tính, rất đỏng đảnh. Sau một trận mưa là phải phun ngay thuốc dưỡng lá, nếu không nó sẽ khô đầu lá, dẫn đến thối lá và thối củ. Sau mỗi lần bón phân, nhất quyết phải dùng quạt gió, thổi cho bay hết phân bón vương trên lá, vì chỉ cần dính vài ngày là hóa chất sẽ đốt cháy lá tam thất.
Hiện tại, Việt Nam chưa có phân bón và thuốc BVTV chuyên dụng cho cây tam thất. Vì thế, vật tư vẫn phải mua từ Trung Quốc, chi phí vận chuyển độn lên rất nhiều, và chưa thể chủ động trong quản lý dịch bệnh hại. Bên cạnh đó, khó khăn hơn cả là việc gom đất, bởi tam thất chỉ trồng được duy nhất một vụ trên một thửa đất, và phải 15 - 20 năm sau mới có thể trồng lại.
Doanh nghiệp sẽ bao tiêu toàn bộ
Ông Viên Đình Hiệp cho rằng, đối với huyện Si Ma Cai, vấn đề đất đai không phải điều đáng ngại. Bởi diện tích đất nông nghiệp của địa phương lên tới 7.000 ha, ngoài ra còn rất nhiều diện tích đất hoang, bãi chăn thả...
Địa hình chủ yếu là dốc thoai thoải, vô cùng lý tưởng để trồng tam thất. Mặc dù dễ mắc bệnh bạc lá, nhưng nó lại là cây chịu hạn tuyệt vời. Hai tháng không có mưa mới phải bổ sung nước tưới.
Tháng 3 vừa rồi, huyện Si Ma Cai tổ chức một đoàn công tác gồm lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể sang Trung Quốc để tham quan, học hỏi mô hình trồng tam thất của họ. Tỉnh Lào Cai cũng đã đặt hàng một đề tài nghiên cứu khoa học về trồng, phát triển cây tam thất, do PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Hiệu trưởng trường CĐ Cộng đồng Lào Cai, làm chủ nhiệm.
Đồng thời, ưu tiên mở một gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của huyện Si Ma Cai, trong đó có cây tam thất ở TP Lào Cai, để quảng bá thương hiệu. Hiện tại, Công ty CP Nam Dược đã trực tiếp lấy mẫu và gửi đi phân tích, xác định thành phần hoạt chất tại khoa Y dược, ĐHQG Hà Nội.
“Nếu sản phẩm tam thất của Si Ma Cai đạt yêu cầu sản xuất dược liệu, công ty sẵn sàng bao tiêu toàn bộ cho bà con, với giá thấp nhất là 300.000–400.000 đồng/kg củ tươi; 800.000 đồng/kg củ khô. Ngoài ra, toàn bộ lá tam thất cũng được tận thu để chế biến dược liệu.
Trong một vài năm tới, diện tích tam thất đến kỳ thu hoạch lớn hơn, chúng tôi có thể giới thiệu rất nhiều doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực để cùng thu mua”, ông Lê Văn Sảng, Phó giám đốc Công ty CP Nam Dược, chia sẻ.
Ngay sau đó, PV NNVN đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm khoa Y Dược (ĐHQG Hà Nội) và được biết, kết quả phân tích thành phần hoạt chất trong mẫu củ tam thất 2 năm tuổi đạt kết quả tốt.
Ông Hải cũng kiến nghị tỉnh Lào Cai và huyện Si Ma Cai cần tổ chức hội thảo, hội nghị để quảng bá thương hiệu, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng cây dược liệu trên địa bàn Si Ma Cai.