Theo South China Morning Post, tính riêng trong tháng 5/2021, trữ lượng ôtô sản xuất tại Trung Quốc giảm 6,8%, xuống còn 2 triệu chiếc. Cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng tại thị trường đông dân nhất thế giới và không có dấu hiệu suy giảm.
Các hãng sản xuất và đại lý ôtô trên toàn Trung Quốc lao đao vì ngưng trệ sản xuất, một số showroom thậm chí chỉ có một mẫu trưng bày. Một showroom Mercedes-Benz tại Bắc Kinh hiện chỉ còn trưng bày một mẫu xe điện duy nhất vì công ty sản xuất xe buộc phải cắt giảm số lượng sản xuất.
"Những chiếc xe khác đều đã được chọn mua", anh Yu, quản lý showroom ôtô cho biết. "Hiện, khách hàng không thể đặt mua xe Mercedes-Benz tại showroom Bắc Kinh nữa vì công ty đã cắt giảm doanh số do thiếu chip", anh nói.
Thiếu hụt chip sản xuất khiến các showroom xe ở Trung Quốc trống rỗng. Ảnh: Bloomberg. |
Thông thường, một chiếc SUV điện được lắp ráp và giao đến showroom tại Bắc Kinh trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, quá trình tương tự hiện tại cần tới hơn vài tháng do thiếu hụt chip.
Các hãng sản xuất ôtô lâu đời đang gồng gánh những hậu quả của thiếu hụt chip vì không kịp ứng phó với khủng hoảng toàn cầu này. Trên thực tế, với việc xe điện đang là xu hướng sản xuất trong ngành công nghiệp ôtô, các công ty sản xuất cần sử dụng nhiều chip hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Các hãng xe tư nhân địa phương ít bị tác động bởi thiếu hụt chip vì doanh số không đáng kể so với các ông lớn trên thị trường như Volkswagen hay General Motors.
Theo Fitch Ratings, cuộc khủng hoảng chip toàn cầu bắt đầu từ nửa sau năm 2020 và dự tính sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất ôtô giảm sản lượng 3,8 triệu chiếc, tương đương với 5% tổng doanh thu năm 2021. Để ứng phó kịp thời, các hãng xe đang tập trung ưu tiên những sản phẩm đem lại lợi nhuận cao.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, sản lượng vi mạch tại Trung Quốc tăng khoảng 37,6%, chạm mức 29,9 tỷ đơn vị so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu vi mạch cũng tăng 30% trong năm tháng đầu năm, đạt 260,35 tỷ đơn vị, tức gần gấp đôi sản lượng nội địa của Trung Quốc trong cùng kỳ.
Theo nghiên cứu gần đây của công ty Gartner, tình trạng thiếu chip có thể kéo dài cho đến quý II năm sau do các xưởng đúc quá tải khả năng sản xuất. Đồng thời, theo ông C.C. Wei, Giám đốc TSMC - công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới, cuộc khủng hoảng chip có thể kéo dài đến năm 2022.