Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Showbiz Hàn chao đảo vì loạt scandal đầu năm 2021

Những lời tố cáo bắt nạt sai sự thật dễ đẩy các ngôi sao vào con đường bị tẩy chay không đáng có.

PHÂN TÍCH

nan bat nan o showbiz Han anh 1

Theo SCMP, trong vài tuần gần đây, không ngày nào là không có ngôi sao Kpop vướng vào cáo buộc bắt nạt người khác. Min Gyu của Seventeen, Ki Hyun của Monsta X, Soo Jin của (G) -Idle và Hyunjin của Stray Kids... là một số ví dụ điển hình.

Cơn bão "tố cáo người nổi tiếng" bắt đầu vào giữa tháng 2, sau khi cặp vận động viên Lee Jae Yeong và Lee Da Yeong (vốn là chị em sinh đôi) thừa nhận lạm dụng đồng đội cũ khoảng một thập kỷ trước.

Tuy không hoạt động trong lĩnh vực giải trí, họ vẫn nhận lệnh trừng phạt là bị loại khỏi đội tuyển bóng chuyền quốc gia Hàn Quốc.

Kể từ đó, hàng loạt cáo buộc về người nổi tiếng liên tục xuất hiện. Nghĩ tích cực, đây là cách nâng cao nhận thức về vấn nạn lạm dụng, hành vi sai trái trong giới sao. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người lợi dụng kẽ hở này để hạ bệ ngôi sao khác, dù thực tế họ vô tội.

Khi tố cáo trở thành trào lưu

Hồi tháng 2, hàng loạt ngôi sao Kpop bỗng bị chỉ trích vì những nguồn giấu tên lên tiếng tố cáo họ từng bắt nạt người khác trong quá khứ, đa dạng từ trường học đến nơi làm việc.

HyunA là trường hợp hy hữu nhất.

Ngày 22/2, nữ ca sĩ bị một tài khoản ẩn danh tố có tính cách "bố láo" từ khi còn học lớp 5. Người dùng này khẳng định "nữ hoàng sexy" Kpop từng tát vào mặt cô và hai bạn học khác.

nan bat nan o showbiz Han anh 2

HyunA cật lực phủ nhận sau khi bị tố bắt nạt bạn học trong quá khứ.

Cựu thành viên nhóm 4minute nhanh chóng phản pháo: "Tuy tức điên vì những tin đồn này nhưng tôi chỉ biết cười trừ cho qua. Tôi chưa bao giờ tát vào mặt hay đánh ai bao giờ".

Công ty quản lý PNation cũng lên tiếng bảo vệ nghệ sĩ, lên án nạn cáo buộc idol nhưng không có bằng chứng cụ thể.

Lee Yong Hoon, trợ lý giáo sư chuyên về hành vi tổ chức tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cho biết: "Thật khó để xác định vấn nạn này bắt đầu từ đâu, nhưng gần đây xu hướng này đã gia tăng. Tôi tin rằng nó đã trở thành trào lưu, hàng loạt lời buộc tội ra đời".

Cũng theo Lee Yong Hoon, các cáo buộc ngôi sao lạm dụng người khác rất có thể là điều tốt. Tuy nhiên, khi số lượng cáo buộc ngày càng tăng thì phần trăm sự thật lại càng giảm đi. Không ít người chịu tiếng oan vì những lời tố cáo nặc danh.

Tại các quốc gia châu Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng, uy tín, danh dự và đạo đức của một người rất quan trọng, huống chi là ngôi sao Kpop. Vì vậy, khi bất kỳ cáo buộc nào xuất hiện, họ đều bị căng thẳng, dù đó có là sự thật hay không.

Nhìn vào những gì diễn ra gần đây, các cáo buộc chủ yếu nhắm vào ngôi sao ở độ tuổi đầu 20. Theo trợ lý giáo sư, điều này tùy thuộc vào nhận thức của lớp trẻ - những người cho rằng idol trẻ dễ mắc sai lầm.

Gần đây, chỉ có số ít người bị tố cáo lên tiếng thừa nhận, chẳng hạn là Min Gyu và Hyun Jin đang dành thời gian suy nghĩ về những gì đã làm trong quá khứ.

Số còn lại như HyunA, Lia (Itzy), Chuu (Loona), Aisha (Everglow), Sunwoo (The Boyz) và Woong Gi (Too)... đều mạnh dạn phủ nhận khi đối mặt với các cáo buộc.

Sự tệ bạc của showbiz Hàn

Nghiên cứu của ông Lee Yong Hoon đi sâu vào cách thức vận hành của ngành giải trí Hàn Quốc. Ông cho biết bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào liên quan đến người nổi tiếng, trong đó bao gồm bắt nạt đều dẫn đến nhận thức tiêu cực của người hâm mộ, sự phụ bạc của công ty quản lý...

Điều nghịch lý là bất kể cá nhân đó có thực sự thực hiện hành vi sai trái hay không, điều đó cũng như dấu chấm hết với nghệ sĩ.

"Bất cứ khi nào có tranh cãi hay scandal ập đến với nghệ sĩ thì nhà sản xuất, công ty quản lý thường cắt đứt quan hệ với với idol. Các nhà đầu tư không muốn gặp rủi ro. Và điều dễ thấy là việc cắt đứt dễ dàng hơn sửa chữa danh tiếng cho nghệ sĩ", ông Lee nói thêm.

Chuyên gia khẳng định dù những lời buộc tội chưa được chứng minh. Trong một số trường hợp dù được giải quyết, nghệ sĩ được mình oan, họ vẫn khó lấy lại danh tiếng, thường xuyên bị luận điệu "không có lửa làm sao có khói" đe dọa sự nghiệp.

Với các idol - những người vốn được biết đến là nữ thần, nam thần trong lòng giới trẻ - còn khó khăn hơn nhiều. Tuy có xây dựng hình ảnh đẹp bao nhiêu, cống hiến và làm những chuyện tốt thế nào, khi vướng vào những scandal dù là nhỏ nhất, họ vẫn phải trả giá đắt.

"Bắt nạt là vấn đề khá nghiêm trọng trong xã hội Hàn Quốc. Nếu điều đó xuất hiện trong giới nghệ sĩ, khán giả rất khó chấp nhận việc họ xuất hiện lần nữa trước công chúng", Lee giải thích thêm.

Đó là sự tệ bạc của showbiz Hàn.

Tương lai nào cho ngành giải trí Hàn Quốc?

Năm 2020, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đưa ra tuyên bố cứ ba học sinh sẽ có một người đối mặt với bạn bắt nạt. Đáng nói, điều đó không chỉ xuất hiện trong môi trường giáo dục. Vấn đề này vẫn thường xuyên diễn ra trong thế giới hào nhoáng của các ngôi sao.

Ngày 28/2, em trai của Hyun Joo (cựu thành viên April đã rời nhóm năm 2016) lên tiếng tố cáo chị gái bị các thành viên khác bắt nạt đến độ phải rời nhóm.

Bạn thân của Hyun Joo cũng lên tiếng chỉ đích danh Jeon So Min (đã rời April, đang là thành viên nhóm KARD) và Lee Na Eun là hai người đứng đầu kế hoạch tẩy chay, bắt nạt nữ ca sĩ 23 tuổi.

Sự trở lại của Kwon Mina gần đây cũng làm khán giả gợi nhớ lại vụ nữ ca sĩ bị đồng nghiệp bắt nạt suốt gần một thập kỷ, đến độ tổn thương tâm lý.

Theo SCMP, sự phát triển quá mức của ngành công nghiệp Kpop những năm gần đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự việc này. Trong những cáo buộc gần đây, chỉ có Hyun Jin là ngôi sao trực thuộc một trong những công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc là JYP.

Điều này được cho là bắt nguồn từ vụ việc ngôi sao Hyun Jin Young - ca sĩ nổi tiếng đầu những năm 1990 của SM - vướng vào việc sử dụng ma túy.

Lee Soo Man từ đó đã đặt ra các quy tắc chung về việc tuyển chọn idol của SM, sau đó được hàng loạt ông lớn khác áp dụng. Việc xem xét đời sống cá nhân của idol rất quan trọng. Quá khứ có quyết định rất lớn đến sự thành - bại của idol trong tương lai.

Tuy nhiên, khi các công ty quản lý xuất hiện ngày càng nhiều, làn sóng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các quy tắc này ngày càng bị phớt lờ.

"Các công ty tầm trung thường dễ dãi hơn trong việc tuyển chọn thực tập sinh. Điều này có thể tốt hoặc xấu, nhưng trước mắt là dễ thấy các cáo buộc ngày càng nhiều", Lee nói với SCMP.

Hiện tại, chính các chuyên gia không chắc điều gì sẽ xảy đến khi các cáo buộc về người nổi tiếng ngày càng tăng. Song, ông Lee Yong Hoon cho rằng cần giúp nạn nhân vốn bị cáo buộc oan.

"Việc giúp đỡ nạn nhân bị bắt nạt là điều phải làm, chuyện lưu tâm đến người bị bêu xấu oan, vướng vào cáo buộc sai sự thật cũng quan trọng không kém", chuyên gia khẳng định.

Tại sao trò bắt nạt vẫn tồn tại trong showbiz Hàn?

Vấn nạn bắt nạt, lạm dụng luôn tồn tại ở Kpop. Sự dễ tổn thương là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều ngôi sao trở thành nạn nhân.

Trạch Dương

Bạn có thể quan tâm