Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Show hẹn hò The Bachelor Việt Nam: Không dung tục, rượu bia, cãi vã?

Trước thềm phát sóng, show hẹn hò gây tranh cãi bậc nhất thế giới phiên bản Việt hoá tự tin sẽ có những thay đổi để tránh vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Ra đời năm 2002, The Bachelor nhanh chóng trở thành chương trình hẹn hò thực tế gây sốt trên kênh truyền hình ABC. Tính tới thời điểm này, không những công chiếu thành công 22 mùa tại Mỹ, The Bachelor còn ở được mua bản quyền sản xuất tại hơn 30 quốc gia với tổng cộng hơn 125 mùa và 1.000 tập đã được phát sóng với tỷ suất người xem cao.

The Bachelor được xem là một hiện tượng toàn cầu ở lĩnh vực show truyền hình chủ đề hẹn hò, thậm chí gây sốt ngay cả ở những quốc gia mà nền văn hóa còn nhiều khắt khe như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản.

Năm 2018, The Bachelor đặt chân đến Việt Nam với tên gọi Anh chàng độc thân. Chương trình dự kiến lên sóng tập đầu tiên vào ngày 14/8 tới.

The Bachelor anh 1
The Bachelor Việt Nam sẽ lên sóng vào ngày 14/8. 

Thực tế, show The Bachelor là một trong những chương trình truyền hình hẹn hò gây nhiều tranh cãi và đả kích nhất. Thí sinh quan hệ tình dục trong chương trình, phô bày cơ thể lộ liễu, cảnh quay ân ái, lộ hàng, thí sinh gian díu với nhà sản xuất lừa đảo bạn chơi, quấy rối tình dục, cãi vã, ẩu đả… là hàng loạt scandal phản cảm xuất phát từ phiên bản gốc.

Chính điều này khiến nhiều khán giả hoài nghi khi show hẹn hò này đến Việt Nam vì sợ sẽ làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của người Việt. Đứng trước những nghi ngại, phản đối về tính chất nhạy cảm có thể xảy ra của show hẹn hò “ở chung 1 tháng”, nhà sản xuất bày tỏ sự tự tin sẽ đem đến một phiên bản chương trình truyền hình thực tế ba không: không kịch bản, không dung tục và không kém văn hóa.

60% dàn dựng tình huống, 40% cảm xúc thật

Theo tiết lộ từ nhà sản xuất thì những tình tiết lãng mạn, đau lòng, kịch tính sẽ xuất hiện ngay từ tập đầu tiên của The Bachelor phiên bản Việt Nam. Kịch tính dù là yếu tố then chốt để thu hút người xem nhưng không phải là tiêu chí được đặt lên hàng đầu, thay vào đó là cảm xúc của người chơi.

Để đảm bảo nội dung kịch tính từ đầu đến cuối, không phải nhà sản xuất chưa từng nghĩ đến việc nhào nặn một kịch bản với những chiêu trò định sẵn. “Tôi biết rằng đây là những con người thực với những cảm xúc và niềm đam mê cũng rất thực. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chuyện thực tế lại trở nên hay hơn bất cứ điều gì tôi từng xây dựng trong kịch bản”, đạo diễn chương trình Danny Do chia sẻ.

Theo đó, ở Anh chàng độc thân 60% là được dàn dựng trước, gồm tình huống, địa điểm và đạo cụ, 40% còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào cách ứng xử của người tham gia.

“Dàn dựng kịch bản cho người tham gia (vốn không phải là diễn viên) đôi khi còn gây ra tác dụng ngược. Vì thế, chúng tôi chỉ là người song hành cùng các nhân vật để họ tìm ra cái kết đẹp cho chính mình mà thôi”, Danny Do nhấn mạnh.

Nói không với gây gổ, bạo lực và dung tục

Ở Việt Nam, một quốc gia Á Đông, đề cao sự ý nhị khiêm nhường của người phụ nữ, đặc biệt là trong tình yêu. Do đó phiên bản Anh chàng độc thân có những nét đổi mới đáng chú ý. Chương trình sẽ loại bỏ toàn bộ những cảnh gây gổ cãi vã lớn tiếng của các thí sinh nữ với nhau.

Không bạo dạn, phóng khoáng như các phiên bản quốc tế, Anh chàng độc thân sẽ không xuất hiện bất kỳ cảnh hôn môi táo bạo nào. Hành động được xem là lãng mạn nhất giữa anh chàng độc thân và cô gái bất kì trong mỗi cuộc hẹn chỉ là ôm eo và thơm má.

Đặc biệt, một trong nhiều khiến khán giả lo lắng nhất khi Việt hóa show The Bachelor là ở tính dung tục khó tránh ở bản gốc. Theo khẳng định từ nhà sản xuất, suốt 14 tập sẽ không có bất kỳ lời thoại dung tục, lăng mạ, hạ nhục người khác hoặc mang tính chất sàm sỡ, khiêu khích.

The Bachelor anh 2
Nhà sản xuất tự tin chương trình sẽ không có bất kỳ hành vi dung tục nào xảy ra như phiên bản nước ngoài. 

Ở Việt Nam, kịch bản sẽ hoàn toàn dựa trên tính cách và nền tảng tư tưởng của người tham gia về chuyện hẹn hò, yêu đương. Nên nếu nhà sản xuất có muốn tạo scandal tình dục mà người chơi không muốn thì cũng không thể.

“Với tính cách kín đáo, văn hóa truyền thống của người Việt thì show hẹn hò The Bachelor khi đến Việt Nam sẽ không dính những scandal dung tục như phiên bản Mỹ”, Anh Trần - giám đốc sản xuất của show The Bachelor - nhấn mạnh.

Sống cách biệt mạng xã hội, không được thoải mái uống rượu

Ở phiên bản quốc tế, các thí sinh của The Bachelor được uống không giới hạn rượu vang, rượu sâm-panh, bia... trong suốt thời gian ghi hình. Các nhà sản xuất cho rằng việc này giúp các thí sinh quên đi ống kính để cởi mở hơn, đồng thời cũng đem lại nhiều câu chuyện kịch tính hơn.

Từ đó, nhiều thí sinh đã lâm vào tình cảnh say xỉn quá đà, dẫn đến những hành vi mất kiểm soát. Ở phiên bản Việt Nam, thí sinh chỉ được uống sâm-panh trong tiệc cocktail. Còn lại, sẽ không có đồ uống có có cồn tại nhà chung.

Và tại tiệc cocktail, mỗi người cũng chỉ là uống có giới hạn để đưa đẩy câu chuyện chứ không phải uống để say mèm.

The Bachelor anh 3
Các thí sinh sẽ không được tự do uống rượu bia như phiên bản gốc. 

Ngoài ra, ngôi biệt thự diễn ra chương trình là nơi 24 cô gái cùng chàng trai kết bạn, chia sẻ những quan điểm trong cuộc sống gồm 30 ngày. Nơi đây sẽ không có điện thoại di động, không kết nối mạng xã hội. Các cô gái và chàng trai chỉ tập trung vào hiện tại để xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa.

Chính vì yếu tố dài ngày và không bị chi phối này khiến các nhà sản xuất tự tin có thể giúp các thí sinh tìm được tình yêu đúng nghĩa chứ không phải kiểu tình yêu game show “ăn xổi ở thì”.

Trải nghiệm văn hóa, du lịch, đề cao phụ nữ

Vẫn là công thức: 25 cô gái và 1 chàng trai, nhưng ở mỗi quốc gia, The Bachelor lại được biến tấu và tập trung vào các giá trị văn hóa khác nhau. Ví dụ, nếu The Bachelor phiên bản Australia đào sâu vào yếu tố cảm xúc thì trong phiên bản Nhật, cảnh hôn sẽ được tiết chế cho đến tập cuối cùng của show, khi nhân vật nam cầu hôn cô gái mình yêu.

Một trong những khác biệt giữa phiên bản Việt hóa và quốc tế của The Bachelor là khai thác, bổ sung các yếu tố văn hóa truyền thống của nước bản địa. Ví dụ ở tập 1, show The Bachelor sẽ dùng chủ đề áo dài để thử thách các thí sinh.

Ở các tập tiếp theo là những đan xen văn hóa như tín ngưỡng tâm linh, lễ hội văn hóa của người dân tộc, hội đâm trâu, tuồng chèo, thả hoa đăng…

The Bachelor anh 4
24 cô gái sẽ cùng ở chung một căn nhà, không được sử dụng điện thoại và kết nối mạng xã hội. 

Đặc biệt, các thí sinh nữ tham gia show hẹn hò còn phải trải qua những thách thức mang đậm yếu tố truyền thống như nữ công gia chánh, nấu ăn, thêu thùa, vẽ, làm diều, làm mặt nạ…

Đồng thời, chương trình cũng đề cao sự năng động của phụ nữ hiện đại qua những hoạt động ngoài trời như bơi lội, bơi thuyền thúng, chơi bóng chuyền, đua xe máy nước, dance sport, trò chơi mạo hiểm như zipline (trượt cáp), highwire (đi trên dây).

"Đây không phải là một cuộc thi của giới siêu mẫu, tiêu chí của chúng tôi là tìm kiếm những người phụ nữ đẹp theo cách khác nhau và có những hoàn cảnh khác nhau. Ngoài ra, họ có tính cách nổi bật, thu hút người đối diện và hiểu được giá trị của chính mình”, Anh Trần cho biết.

Don Le - giám đốc sản xuất của The Bachelor Vietnam - khẳng định: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh vào vị thế của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam hiện đại và đồng thời tái định nghĩa về tình yêu ngày nay”.

The Bachelor bản Việt: Khác biệt gì giữa rừng show hẹn hò giả tạo?

Show The Bachelor đình đám sắp sửa lên sóng truyền hình Việt giữa những nghi ngại về tính chân thật, cảm xúc yêu đương cùng các chiêu trò gây sốc của rừng show hẹn hò vừa qua.

Chân dung 24 cô gái đi chinh phục một chàng trai ở The Bachelor Việt

Chân dung 24 cô gái sẽ bước vào nhà chung và hành trình chinh phục trái tim của chàng trai duy nhất ở show hẹn hò The Bachelor phiên bản Việt Nam đã lộ diện.


Phương Linh

Bạn có thể quan tâm