Mức thu nhập căn bản của nhiều shipper (người giao hàng) tại Malaysia còn không bằng mức lương căn bản và không đủ để chi trả viện phí khi gặp tai nạn hay các vấn đề sức khỏe.
Để có được thu nhập đủ sống, các shipper cần thêm tiền thưởng. Số tiền này đòi hỏi họ phải giao thành công ít nhất 100 đơn hàng trong ngày, lái xe máy với tốc độ cao băng qua những tuyến đường được xem là nguy hiểm hàng đầu châu Á.
Nhân viên giao hàng của Zalora tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: SCMP. |
Nguy hiểm là một phần công việc
Việc đánh cược sự an toàn của bản thân để kiếm sống đã trở thành một điều bình thường đối với Hassan Muhammad. Người thanh niên 25 tuổi là nhân viên giao hàng cho gã khổng lồ thương mại điện tử Zalora. Nguy hiểm là một phần của mô tả công việc.
Từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, mỗi ngày Muhammad phải thực hiện nhiều chuyến hành trình gần 35 km từ nhà kho của Zalora đến khu vực giao hàng tại thủ đô Kuala Lumpur.
Phương tiện anh sử dụng là xe gắn máy. Người thanh niên lọt thỏm giữa những ôtô và xe buýt 20 tấn trên hệ thống đường sá mà Liên Hợp Quốc đánh giá là nguy hiểm thứ sáu châu Á. Công việc còn yêu cầu anh phải chạy nhanh.
Mỗi ngày Muhammad chuyển gần 40 kiện hàng. Con số này sẽ lớn hơn nữa nếu ngày trước đó có sự kiện giảm giá mạnh. Chạy chậm là điều không thể chấp nhận được. Muhammad có thể mất tiền thưởng hoặc chịu tiền phạt nếu khách hàng khiếu nại. Càng giao được nhiều đơn hàng, anh càng có nhiều tiền.
"Kỷ lục cá nhân của tôi là 160 kiện hàng trong ngày. Phải chạy vài chuyến từ nhà kho vào thành phố rồi quay ngược lại. Mức thu nhập căn bản của chúng tôi là khoảng 1.200 ringgit (gần 287 USD)", anh chia sẻ.
Công việc căng thẳng và nhiều nguy hiểm, nhưng Zalora chỉ trả anh nhiều hơn mức lương tối thiểu tại Malaysia khoảng 35 USD.
Với các khoản thưởng, thu nhập của anh tăng lên 300-400 USD tùy vào doanh số của tháng. Điều đó đồng nghĩa Muhammad phải chạy nhanh hơn, làm việc cực nhọc hơn, với nhiều tiếng đồng hồ ngoài trời và khói bụi đường phố.
Nhân viên tại nhiều đơn vị giao hàng cho các công ty thương mại điện tử, hoặc tài xế được thuê giao hàng theo dạng đối tác, phải hoàn thành hơn 100 đơn hàng/ngày để đảm bảo thu nhập. Ảnh: SCMP. |
Cuộc đua tới đáy
Mua quần áo rẻ, nhanh và tiện lợi đến chưa từng thấy tại Malaysia. Trên các trang mạng bán hàng như Shopee hay Lazada, quần dài được bán với giá chỉ 0,69 USD.
Những công ty thương mại điện tử cạnh tranh nhau xem ai là người bán hàng rẻ nhất với tốc độ giao hàng nhanh nhất. Việc mở rộng nhân sự nội bộ không đáp ứng được yêu cầu hạ giá thành. Các công ty thương mại điện tử ký hợp đồng giao hàng quy mô lớn với những công ty vận chuyển bên ngoài, hoặc ứng dụng giao hàng theo yêu cầu để tránh phải trả lương và phúc lợi cố định.
Trong cuộc đua hạ giá tới đáy, nạn nhân là những người lao động trong chuỗi cung ứng hàng hóa thời trang tốc độ cao. Họ là những người làm việc trong kho bãi hoặc shipper như Hassan Muhammad.
Shipper của công ty thương mại điện tử lớn tại Malaysia đều mong muốn mức thu nhập căn bản hàng tháng của họ được cải thiện. Phần lớn hiện nhận được từ 1.000-1.800 ringgit/tháng (tức khoảng 240-430 USD/tháng)
Con số đó thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu 1.966 ringgit (gần 470 USD) mà tổ chức Liên minh Sàn Lương Châu Á (AFWA) đề xuất cho Malaysia, hay con số 2.600 ringgit (620 USD) được đề xuất bởi chính ngân hàng trung ương của nước này.
Một lao động hợp đồng độc lập cho công ty DHL Malaysia nói anh được trả gần 5.000 ringgit/tháng (tức gần 1.200 USD). Anh nói đây là khoản thu nhập khá tốt và đền đáp xứng đáng cho công sức mình bỏ ra, nhưng nó cũng có cái giá riêng. Mỗi ngày làm việc trong tuần, người này phải giao tối thiểu 100 kiện hàng. Anh cũng không được hưởng phúc lợi, phụ cấp hay ngày nghỉ bệnh.
"Không có làm thì không có tiền", anh nói.
Người giao hàng lọt thỏm giữa những ôtô và xe tải trọng lớn trên đường phố Kuala Lumpur. Ảnh: SCMP. |
Đánh cược sức khỏe
Trong quý II của năm 2019, Zalora và công ty cùng nhà đầu tư là The Iconic của Australia đạt doanh thu gần 143 triệu USD, theo báo cáo tài chính mới nhất của các công ty này. Doanh số kinh doanh thời trang qua mạng tại Malaysia năm 2019 dự kiến vượt mốc 1,8 tỷ USD.
Nhiều nhân viên giao hàng của các công ty thương mại điện tử chỉ mong thu nhập hàng tháng của mình tăng 100-200 ringgit (khoảng 20-50 USD). Trong trường hợp gặp vấn đề về sức khỏe, con số này có thể quyết định liệu họ có đủ khả năng trả chi phí điều trị hay không.
Fahmi, nhân viên của một công ty giao hàng là đối tác của Shopee và Lazada, gặp tai nạn giao thông vào năm 2018 khi kết thúc ngày làm việc và trở về nhà. Anh bị chấn thương nặng bên tay phải, nhập viện một thời gian và có 3 buổi vệ sinh vết thương. Fahmi tự chi trả hết số tiền này, nghỉ ở nhà gần 3 tuần mới có thể bắt đầu cử động được tay phải.
Khi trở lại làm việc, công ty thông báo họ chỉ hỗ trợ cho anh được 20 ringgit (5 USD) chi phí y tế thường niên.
Fahmi và những nhân viên giao hàng khác đều yêu cầu South China Morning Post thay đổi danh tính của mình, không muốn chịu sự trả đũa từ công ty. Việc sa thải nhân viên ở Malaysia bị Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá là "quá dễ dàng". Các quy định bảo vệ người lao động ký hợp đồng dài hạn còn lỏng lẻo. Đối với người lao động hợp đồng thời vụ, các quy định bảo vệ của Malaysia bị xếp áp chót trên bảng xếp hạng, đồng hạng với Mỹ.
Phản hồi trước những thông tin của South China Morning Post, người phát ngôn của hãng Lazada nhấn mạnh nhân viên giao hàng là "trái tim của hoạt động dịch vụ hậu cần" công ty.
"Điều kiện làm việc của họ là ưu tiên hàng đầu. Đó là lý do chúng tôi đưa ra những gói thù lao mang tính cạnh tranh. Sự an toàn của họ, và sự an toàn của những người xung quanh, là quan trọng nhất", người phát ngôn cho biết.
Các nhân viên tại một nhà kho của Lazada ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Không chỉ riêng Malaysia
Những bất cập trên về điều kiện làm việc không chỉ tồn tại ở Malaysia hoặc ngành cung cấp sản phẩm thời trang.
Một nghiên cứu của Đại học Giao thông Thượng Hải Bắc Kinh và tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, khảo sát trên 40.000 nhân viên giao hàng Trung Quốc, cho thấy gần 1/4 người tham gia thừa nhận họ làm hơn 12 tiếng/ngày.
Theo nghiên cứu năm 2017 của Aulia Nastiti, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Mỹ, shipper ở Indonesia cũng đối mặt với những bất cập tương tự, cụ thể như làm việc quá giờ, mức thù lao thấp, áp lực chạy nhanh.
"Đây là một công việc nguy hiểm, đặc biệt khi gần 70% đơn hàng được giao bằng xe máy trên những tuyến đường hẹp ở Indoneisa. Với áp lực tốc độ và giá cả ngày càng lớn, khách hàng ngày một kỳ vọng nhận đồ nhanh hơn, hay thậm chí phải giao hàng xuyên đêm. Thế nhưng, không ai đoái hoài đến cái giá mà người lao động phải gánh chịu", Aulia nhận định.
Quốc hội Anh đã thông qua một đạo luật mới buộc các công ty xem người lao động trong "nền kinh tế không ràng buộc" (chỉ ký hợp đồng đối tác) như nhân viên chính thức. Đạo luật nhằm bảo vệ sự an toàn của người lao động sau khi hàng loạt tài xế cùng khởi kiện đòi quyền lợi và một trường hợp người giao hàng thiệt mạng khiến dư luận bức xúc.
Trong thời đại mà mọi công ty buộc phải để ý nhiều hơn đến các chỉ trích qua mạng xã hội, người tiêu dùng dần trở nên quyền lực hơn. Các tập đoàn và thương hiệu sẽ chấp nhận thay đổi cách làm vận hành của mình nếu người tiêu dùng đặt câu hỏi về điều kiện lao động của những người giúp mang sản phẩm đến tay họ.
"Có lẽ chúng ta cần một đạo luật, hoặc một thảm họa nào đó, để sự thay đổi có thể xảy ra. Chúng ta đã nhìn thấy điều này trong trường hợp Rana Plaza (xí nghiệp dệt may tại Bangladesh sụp đổ vào năm 2013 khiến hơn 1.100 người thiệt mạng", Pasty Perry, giảng viên ngành thời trang tại Đại học Manchester (Anh), nhận định.