So với các lần xuất hiện tại Việt Nam, đây là lần các truyện Sherlock Holmes được dịch đầy đủ nhất, gồm 56 truyện ngắn (Lê Quang Toản và Thiên Nga dịch) và bốn đoản thiên tiểu thuyết.
Với bút danh Đăng Thư, dịch giả Trần Đức Tài đảm trách phần dịch bốn tiểu thuyết của Conan Doyle. Ông cho biết từng đọc Sherlock Holmes từ trước năm 1975, lúc 8 hay 9 tuổi, và vừa có cuộc trao đổi với Thế giới sách nhân dịp Công ty Đông A đưa vị thám tử lừng danh xứ Ănglê đến với bạn đọc Việt Nam toàn quốc.
Dịch giả Trần Đức Tài - Ảnh: G.Trung |
- Với một tác phẩm quá nổi tiếng, riêng Việt Nam thì bản dịch "Sherlock Holmes" cũng hiện diện từ gần trăm năm trước, nay bắt tay dịch lại, ông có cảm giác như thế nào?
- Khi đọc lại nguyên tác Sherlock Holmes, tôi cảm nhận theo cách khác nhiều bản dịch trước đây. Với tôi, lý do khiến các truyện Sherlock Holmes có sức sống bền bỉ qua thế kỷ và hấp dẫn bao nhiêu thế hệ độc giả, tôi nghĩ chính là nhờ văn chương.
Qua bản dịch mới của bộ Sherlock Holmes toàn tập này, chúng tôi đề cao tính văn chương và chọn cách xử lý tác phẩm như một danh tác kinh điển chứ không như những truyện trinh thám đơn thuần. Vì vậy, phần ngôn ngữ được trau chuốt, chăm chút kỹ.
Ai cũng biết Sherlock Holmes nhưng không mấy độc giả biết rõ về tác giả ngoài cái tên Sir Arthur Conan Doyle (1856 - 1930). Không có tác giả thì không có nhân vật. Do đó phải có phần dẫn nhập giới thiệu về Conan Doyle và xã hội London cuối thế kỷ 19.
Tác giả chỉ hưởng thọ 71 tuổi nhưng nhân vật Sherlock Holmes vẫn sống mãi sau 130 năm (tính từ sáng tác đầu tiên là tiểu thuyết Cuộc điều tra màu đỏ - The Study in Scarlet - 1887) và trở thành một biểu tượng văn hóa toàn cầu, một đề tài bất tử cho văn học, kịch nghệ, điện ảnh... tiếp tục khai thác.
- Nhân vật Sherlock Holmes là trường hợp đặc biệt của văn chương thế giới. Theo ông, ngoài tài năng hiển nhiên của Conan Doyle, điều gì đem lại sự thành công của nhân vật Sherlock Holmes như vậy? Liệu có thể tìm thấy ở "Sherlock Holmes" một vài gợi ý gì cho nhà văn Việt Nam?
- Tôi nghĩ ngoài tài năng của Conan Doyle - mà phần này phải nói rất dài - thành công của truyện Sherlock Holmes còn do trúng điểm rơi. Hai truyện Holmes đầu tiên là hai tiểu thuyết xuất bản rời rạc cách nhau bốn năm (1887 và 1890) và không gây được chú ý.
Tiểu thuyết thứ hai lại xuất bản ở Mỹ trước tiên chứ không phải ở Anh. Khi viết tiếp loạt truyện này, Conan Doyle chuyển sang hình thức truyện ngắn đăng báo, mỗi tháng đều đặn một truyện, xong một loạt khoảng 12 truyện mới in thành sách.
Ông là nhà văn đầu tiên viết feuilleton (truyện đăng báo nhiều kỳ) theo kiểu cho nhân vật xuất hiện liên tục nhưng mỗi kỳ dứt điểm một cuộc phiêu lưu. Như vậy, độc giả mua báo nếu có bỏ sót một kỳ cũng không hề bị gián đoạn như khi đọc feuilleton theo kiểu cũ.
Việc Conan Doyle chọn tạp chí The Strand Magazine để đăng Sherlock Holmes cũng là yếu tố quan trọng. Tạp chí ra hằng tháng này ngay từ số đầu tiên tháng 1/1891 đã in số lượng 300.000 bản/kỳ nhắm tới giới thanh niên và trung lưu.
Một số lượng in đáng thèm muốn, kể cả với báo giới ngày nay! Không có sự nhạy bén, không có con mắt xanh của những người xuất bản tạp chí The Strand Magazine, thì có lẽ Conan Doyle đã không có động lực lẫn áp lực để viết truyện Sherlock Holmes suốt 40 năm.
Tôi không dám lạm bàn về chuyện sáng tác của các nhà văn. Nhưng trong vai trò độc giả, tôi thấy thể loại trinh thám là một, viễn tưởng là hai, chưa có hướng phát triển trong văn chương Việt Nam.
Với truyện trinh thám, từ ảnh hưởng của nhân vật Sherlock Holmes, thể loại này đã manh nha hình thành ở Việt Nam từ thời tiền chiến với Thế Lữ và Phạm Cao Củng.
Sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên cả nước, chúng ta chỉ có tiểu thuyết hình sự - vụ án chứ không có tiểu thuyết trinh thám. Bởi vì truyện trinh thám đề cao vai trò cá nhân, và chúng ta không có nghề thám tử tư như một dịch vụ điều tra độc lập, song song với cơ quan công lực. Tôi nghĩ thực tế xã hội luôn tác động tới sáng tạo.