Trong tập 5 chương trình Shark Tank vừa qua, Hà Cảnh, cô gái Việt sống và làm việc 5 năm tại Nhật Bản đã nhận được gói đầu tư 12 tỷ đồng từ Shark Nguyễn Thanh Việt cho mô hình mua lại các căn “nhà ma” hiện có tại Nhật rồi cho thuê.
Hà Cảnh khẳng định Công ty bất động sản Tokai do mình đứng đầu cam kết lợi tức cho thuê có thể sẽ đạt được 25%/năm. Nếu bỏ ra 4,5 tỷ đồng mua nhà, lợi nhuận thu về là 1,2 tỷ đồng/năm, như vậy 4 năm là có thể sinh lời.
Dù được Shark Việt đồng ý đầu tư với 51% cổ phần công ty, tuy nhiên 2 ngày qua, cộng đồng mạng đã dậy sóng trước việc tự tin thái quá về tỷ suất lợi nhuận cam kết, cũng như số tiền bỏ ra chỉ hơn 4 tỷ đồng là sở hữu được một căn nhà tại Nhật Bản như chia sẻ của cô gái này.
Trong khi đó, một starup khác là CEO công ty logistics thì bị các Shark khuyên trước khi nhìn lên trời hãy nhìn xuống đất.
Rất hiếm hoi tại Shark Tank mùa này có startup được cả 5 “cá mập” tranh giành vì thích sự thông minh của nhà sáng lập. |
Tranh cãi quanh dự án "nhà ma" tại Nhật gọi vốn thành công 12 tỷ đồng
Với tỷ suất lợi nhuận 25%/năm, Hà Cảnh đặt mục tiêu doanh thu tại thị trường bất động sản Nhật Bản là 15 tỷ đồng ở năm đầu tiên, 28 tỷ đồng năm thứ hai và năm cuối cùng là 46 tỷ đồng.
Facebooker L.C.M., người nhận là CEO một công ty bất động sản tại Nhật, và có hơn 6 năm làm việc trong lĩnh vực này, cho rằng Hà Cảnh đã thiếu kinh nghiệm thực tế, chưa nắm chắc nguyên lý kinh doanh bất động sản mới có những tự tin thái quá trước các Shark.
“Tôi khẳng định không một nhà đầu tư bất động sản cho thuê nào tại Nhật dám cam kết mức lợi nhuận 25%. Tại Nhật, để đạt được con số 10% lợi nhuận đã là mơ ước rồi. Bản thân tôi nắm thị trường tự mua tự bán, tự đầu tư còn không dám mơ tới 12,5%, chứ đừng nói gấp đôi”, L.C.M. bình luận.
"Nếu được, em mua giúp tôi vài căn"
Thậm chí ngay chương trình, các Shark cũng đã cùng tỏ rất ngạc nhiên trước mức tỷ suất lợi nhuận mà Hà Cảnh đưa ra.
Hà Cảnh cam kết lợi nhuận đạt được là 25%/năm khiến các Shark ngạc nhiên. |
“Anh làm nghề gần 20 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy tỷ suất lợi nhuận như em nói ở bất kỳ một thị trường bất động sản nào trên thế giới. Độ xác thực về doanh thu cũng như hiệu quả khai thác của công ty vượt quá xa so với anh hình dung”, Shark Hưng đưa ra nhận xét và thẳng thừng từ chối.
Doanh nhân đang kinh doanh bất động sản này nói thêm ngay tại thị trường Việt Nam, con số lợi nhuận cũng chỉ 5-7%/năm.
Nhiều người đã hoặc đang sinh sống tại Nhật còn cho hay với số tiền chỉ hơn 4 tỷ đồng để mua một căn nhà ở khu vực các tuyến tàu gần trung tâm rồi cho thuê lại của startup này là vô lý.
N.T., một người Việt định cư tại Nhật cho biết giá Hà Cảnh đưa ra 4-5 tỷ đồng để mua lại những căn nhà cũ rồi cho thuê như kế hoạch chỉ có ở vùng sâu, vùng xa. Và nếu ở vùng xa cùng với giá thuê đắt đỏ, có chắc người Việt và du học sinh sẽ bỏ tiền để thuê?
Shark Dzung Nguyễn, người từng sống và làm việc tại Nhật hơn chục năm, cũng cho rằng không thể mua căn nhà có mức giá từ 4,5 tỷ đồng ở trung tâm, nhất là gần nhà ga.
“Tôi được biết mỗi căn nhà như vậy có giá 0,5-1 triệu USD (11-22 tỷ đồng). Còn không thì nhà rất bé và cũ, thậm chí là các tỉnh rất chi xa xôi. Nếu được, em mua giúp tôi vài căn”, Shark Dzung Nguyen nói.
Định giá doanh nghiệp trên trời, mù mờ kế hoạch kinh doanh
Thương vụ bạc tỷ mùa 2 mới diễn ra nhưng đang chứng kiến nhiều startup phải nhanh chóng về tay không, vì những màn định giá và kêu gọi đầu tư “trên trời”, trong khi kế hoạch kinh doanh thì không rõ ràng.
Cũng trong tập 5, không chỉ khán giả mà các Shark phải “ngã ngửa” trước màn kêu gọi đầu tư của CEO Trần Duy Khiêm – Giám đốc điều hành Smartlog.
Startup kêu gọi đầu tư 116 tỷ đồng bị các Shark yêu cầu nhìn xuống, khiêm tốn, đừng nhìn lên trời. |
Trần Duy Khiêm giới thiệu sản phẩm là giải pháp công nghệ thông tin toàn diện cho thị trường logistics Việt Nam. Khiêm tự tin đưa đến các “cá mập” lời mời chào đầu tư 116 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần công ty. “Dàn cá mập” đã cùng giật nảy mình khi Khiêm còn nhấn mạnh khoản đầu tư mà mình kêu gọi bằng tổng vốn các Shark đầu tư trong mùa 1.
Duy Khiêm cho biết ngành logistics trên thế giới đang có quy mô khoảng 3.000 tỷ USD. Theo nghiên cứu của DHL trên thế giới hiện nay, 80% các kho chưa áp dụng công nghệ hiện tại trong quản lý kho. Tại thị trường Việt Nam có khoảng 1 triệu xe tải thì mỗi ngày, 70% lượt xe chạy về là xe chạy rỗng, tổn thất 2 giờ/chuyến. Đó là cơ hội để Smartlog của Khiêm có thể thay đổi ngành logistics Việt Nam và thế giới.
Startup này cũng có phần thách thức các Shark khi cho rằng thị trường Việt Nam hiển nhiên trong tay mình, và muốn dành cơ hội đầu tư vào công ty cho các nhà đầu tư Việt Nam, trước khi chinh phục các nhà đầu tư thế giới.
Đáng nói, doanh thu năm 2017 của startup này lỗ khoảng 4 tỷ đồng.
Trước sự tự tin thái quá của Trần Duy Khiêm, các Shark đã thẳng thừng từ chối.
Chủ thương hiệu bún Nguyễn Bính gọi vốn 200 tỷ đồng nhưng không chia sẻ rõ ràng kế hoạch kinh doanh. |
Shark Dzung Nguyen nói: “Startup thì nên có tham vọng như cách mà em đang tham vọng, anh cũng muốn điều đấy. Tuy nhiên, nên thực tế và bắt đầu từ những việc nhỏ. Lần sau em có thể giải thích rõ hơn những cái em dự định làm. Dựa trên cái đó thì mới có bức tranh lớn để người ta hiểu em đang định làm gì”.
Shark Nguyễn Thanh Việt thì thẳng thắn với Khiêm, rằng: “Trước khi nhìn lên trời thì phải nhìn xuống đất”.
Trước đó, thương hiệu Bún Nguyễn Bính nổi tiếng TP.HCM cũng gọi vốn 8 triệu USD với tham vọng bá chủ thế giới. Mức định giá doanh nghiệp của bà Bính bị cho cao kỷ lục với 1.000 tỷ đồng khiến các “cá mập” ái ngại.
Nhà sáng lập Nguyễn Bính tự tin nói đã phá vũ môn bún hóa chất và là người đi đầu trong công nghiệp hóa ngành làm bún truyền thống. Trong 3 năm trở lại đây, công ty có doanh thu tăng gấp 2 lần, bà đề nghị 8 triệu USD (200 tỷ) để đổi lấy 20% cổ phần công ty.
Vấn đề khiến bà chủ Nguyễn Bính bị từ chối là bà quyết không "đặt lên bàn" các kế hoạch kinh doanh với các nhà đầu tư.
Shark Thái Vân Linh chia sẻ lý do không đầu tư đến từ yếu tố con người, vì nhận thấy phong cách của bà chủ Nguyễn Bính rất khó hợp tác với các nhà đầu tư.
Trong một trao đổi với Zing.vn, Shark Louis Nguyen - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon (SAM), cho rằng startup có một số hạn chế khiến nhà đầu tư không thể đi đường dài với họ.
“Muốn được đầu tư thì phải thật thà trong quá trình giới thiệu dự án và gọi vốn, nhà đầu tư rất cần điều này để hoạch định chính xác. Tuy nhiên, không có nhiều dự án trình bày chân thật, nên sau vòng thẩm định thì nhà đầu tư bắt buộc phải chia tay với startup”, Shark Louis Nguyen nói.
Ông cho rằng, nếu bắt tay được với những người khởi nghiệp trẻ, các Shark sẽ giúp đỡ họ định hướng lại tốt hơn, bớt viển vông hơn và triển khai đúng bản chất hơn bằng những kinh nghiệm có được của mình.