Đẹp trai, giàu có và tài năng nhưng Lê Đăng Khoa tự nhận mình không phải là soái ca. Ông bầu độc thân của Danang Dragons chỉ muốn mọi người gọi mình theo cách thật gần gũi, giản dị.
34 tuổi, đang nắm 5 công ty lớn trong rất nhiều lĩnh vực gồm Ba Lá Xanh (phân bón), Tre Việt (du lịch sinh thái), Zita (định vị bất động sản), hệ thống cửa hàng hoa - cà phê 38 độ và đội bóng rổ Danang Dragons từng vô địch VBA 2016, nhưng những người không biết đến Lê Đăng Khoa với tư cách một doanh nhân rất có thể sẽ nhầm anh với ai đó trong làng giải trí.
Sở hữu thân hình cao ráo, gương mặt điển trai, Khoa gây ấn tượng cho người đối diện bởi phong thái lịch sự, điềm đạm, giọng nói ấm áp. Cuộc sống của doanh nhân sinh năm 1983 là những thay đổi, dấn thân, trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực, mà gần đây nhất là vai trò nhà đầu tư tại chương trình "Shark Tank". Cũng chính từ đó, cái tên "Soái ca khởi nghiệp” được gắn cho anh dù bản thân Khoa chia sẻ thấy hơi... buồn cười với biệt danh này.
Hẹn Zing.vn tại cửa hàng hoa – cà phê của mình trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1), đúng 9 giờ, Khoa xuất hiện với bộ vest lịch lãm, đôi giày Tây sang trọng cùng phong thái điềm đạm thường thấy.
Thế nhưng, một khi câu chuyện bắt đầu, anh không ngần ngại thể hiện sự sôi nổi, hào hứng của bản thân về những trải nghiệm, thất bại, thành công, những niềm vui trong cuộc sống và cả những suy nghĩ về tình yêu.
- Tốt nghiệp cử nhân Tâm lý học ở Mỹ, nhưng về Việt Nam lại chuyển sang một ngành hoàn toàn khác là kinh doanh phân bón, Lê Đăng Khoa thấy sao?
- Sốc lắm! Ban đầu cũng phản ứng dữ dội. Nhưng có lẽ nó là cái nghiệp của tôi rồi. Thật ra ban đầu ba mẹ cho đi học kinh tế, nhưng khi bắt đầu học được 1-2 khóa liên quan tâm lý thì thấy hay quá, thế là dấn thân. Cái dấn thân ấy nó khiến tôi đam mê quá và phải giấu gia đình. Ba mẹ khi đó nhìn bảng điểm con gửi về cũng không định hình được con học ngành gì, vẫn chỉ nghĩ trong đầu là kinh tế.
Khi Khoa học xong 4 năm và chuẩn bị lấy bằng cử nhân tâm lý thì ba bắt về nước. Suốt 22 năm tôi chưa bao giờ hình dung mình làm phân bón, vì phân bón là một phạm trù rất khác biệt với một cậu chàng suốt ngày ôm sách vở trong phòng nghiên cứu.
Về nước, Khoa bắt đầu làm việc với những người nông dân. Ba Lá Xanh bán những sản phẩm từ miền Tây tới miền Bắc, đi khắp các tỉnh từ Cà Mau, Bạc Liêu cho tới Đắk Lắk, Lâm Đồng; từ Phan Thiết, Phan Rang cho tới Bắc Giang, Hòa Bình, tỉnh nào cũng phải đi.
Sau vài năm, ai dám bảo Lê Đăng Khoa sang chảnh khi công việc trong ngành phân bón gắn với nông thôn, đồng ruộng, bùn đất và sình lầy. Tôi có thể nói cho mọi người sản vật ở tỉnh nào là đặc sản, và mùa nào là ngon nhất.
- Một chàng trai 22 tuổi làm những công việc mình không thích, lại chưa từng làm bao giờ, anh có gặp trở ngại nào không?
- Có chứ! Khó khăn bắt đầu từ vấn đề hội đồng quản trị. Những người điều hành công ty thường là 4 mấy, 5 mấy tuổi, thậm chí có những chú bác 60 tuổi. Mình lại 22 tuổi mà ào lên quản lý người ta thì sao phục được. Vậy là tôi phải chấp nhận sự không phục đó, tự hiểu được điểm yếu của mình ở đâu, chấp nhận sửa chữa và hạn chế được những điểm yếu đó.
Ok, mình trẻ là một điểm yếu, non kinh nghiệm là một điểm yếu, chưa có thành công nhất định là một điểm yếu, vậy thì phải giải ba bài toán này.
Trẻ là không chững chạc, vậy thì mình phải thể hiện mình quyết liệt như thế nào, cách đưa ra quyết định phải chắc chắn như thế nào.
Kinh nghiệm là phải học, học từ trường cho đến ngoài thực tế, từ những kiến thức khi mình quan sát thị trường đến lắng nghe khách hàng. Chỉ có đi, làm, nói chuyện, tiếp xúc với nông dân thì mới mang lại kinh nghiệm.
- Vậy còn những thất bại thì sao?
- Thất bại thì quá nhiều. Nhưng tôi nhớ mãi một biến cố. Năm đó khoảng 23 tuổi, vừa về nước, mới bắt đầu khởi nghiệp, sau một thời gian dài xoay tiền vất vả, một ngày đẹp trời nhân viên gọi lúc 6h30 sáng và nói: “Sếp, hồi tối bão tới quét nguyên nóc nhà máy bay thẳng xuống sông, bây giờ nhà máy nát bấy rồi!”.
Lúc đó tôi chỉ biết nhìn lên ông trời và nói: “Còn cái gì nữa thì đến luôn đi ông trời ơi”.
Sau đó chỉ tự nhủ cứ cố gắng, rồi mọi chuyện sẽ qua.
Rồi sau đó vài năm, thất bại thật sự mới tới. Tôi 26 tuổi, Ba Lá Xanh dần ổn định, nghĩ đơn giản công ty mỗi tháng đều lấy một số lượng khá lớn bao bì, nhìn ra thời cơ làm nghề in ấn, chỉ như vậy thôi mà tôi dùng tất cả tiền tích tụ được để đầu tư vào mở công ty in.
Ngày đó ba mẹ cản, nhưng Khoa đang có cái hừng hực của một thằng thanh niên, cứ thế làm thôi. Thất bại tới nhanh hơn tôi tưởng.
Tôi bán sạch nhà máy, từ hai bàn tay trắng thêm một cục nợ nữa. Nhưng quan trọng nhất thể diện. Tiền mình có thể nhịn ăn nhịn uống rồi kiếm trả. Nhưng cái sĩ diện thì mất hẳn với ba mẹ. Tôi không còn tự tin được như trước nữa.
Nhưng cú sốc đầu tiên này dạy cho Khoa một bài học: Dù anh có giỏi nhất ở một nghề, khi nhảy sang một nghề mới thì phải học lại từ đầu. Thành công trong ngành nghề này không quyết định việc sang nghề kia anh sẽ thành công tương tự.
- Chàng trai 22 tuổi ngày nào giờ đã rất thành công, không chỉ với Ba Lá Xanh mà còn với khu du lịch Tre Việt cũng như chuỗi cửa hàng hoa 38 độ. Khoa có bao giờ cảm thấy may mắn khi nghĩ rằng ít ra mình đã ngã rất sớm không?
- Rất cảm ơn cuộc đời cho tôi ngã sớm, để nhà máy gặp biến cố năm tôi 23 tuổi, để công ty in ấn thất bại năm tôi 26 tuổi. Chứ giờ tới đầu 3 rồi mà còn... sốc nặng như vậy nữa, chắc chịu không nổi.
Thật ra kinh doanh cũng như yêu đương vậy, tình đầu lúc nào cũng đẹp, và chia tay cuộc tình đầu lúc nào cũng buồn bã nhất. Nhưng sau cuộc tình đầu đầy tổn thương đó, cuộc tình thứ hai, thứ ba sẽ nhẹ nhàng hơn.
Ngã trong thương trường cũng như vậy. Cú ngã đầu đời bao giờ cũng rất đau đớn. Nhưng phải đau rồi, thì sau này cho dù có sai nữa cũng sẽ dễ dàng hơn, vì đã biết phải vượt qua thế nào.
- Bên cạnh kinh doanh, Khoa còn tham gia các hoạt động từ thiện. Vì sao anh quyết định làm từ thiện?
- Cách đây 3 năm rưỡi tôi đi công tác miền Tây, và có tới một xã rất nghèo. Tôi gặp một người cha đang ở với 2 cô con gái, một đứa 3 tuổi, một đứa 5 tuổi. Ba cha con ở trong một cái lều, dưới là bùn, trên là đất ruộng, nơi ban đầu tôi cứ nghĩ đó là cái chòi giữ lúa. Nhưng không, đó là nhà của họ.
Mỗi sáng đi làm, anh ấy chở 2 đứa nhỏ trên chiếc xe đạp. Cha xuống đồng làm ruộng thì 2 đứa con nít ngồi bờ đê, vì “xung quanh là sông nước không để con ở nhà được, xảy chân ngã xuống là chết”.
Câu chuyện đã qua nhiều năm mà nhắc lại, hình ảnh người đàn ông chỉ xấp xỉ tuổi mình với 2 sinh linh yếu ớt đó vẫn y nguyên trong trí nhớ của tôi. Nếu sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn và vất vả ấy, bất kể có cố gắng tới đâu, có lẽ Khoa cũng như anh.
Được như ngày hôm nay, tôi đã quá may mắn. Vậy nên cần chia sẻ sự may mắn của mình tới nhiều người hơn.
- Những lần làm từ thiện của anh đều được phát sóng trên truyền hình và nhiều người nói Lê Đăng Khoa đang làm thương hiệu cho bản thân. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
- Khi bắt đầu làm từ thiện, tôi phải có một kế hoạch để giải được tất cả các bài toán. Đầu tiên là cần biết được tất cả những trường hợp cần giúp vì mình không có thời gian để tìm hiểu. Thứ hai là phải bền bỉ, liên tục.
Đài truyền hình có e-kip để sàng lọc những trường hợp xứng đáng được giúp. Về phía mình, tôi phải đi cùng đài hàng tuần, có mệt, có nản, có bận cũng phải đi, vì người ta lên sóng đều đặn mà.
Nói cho cùng, quan điểm của tôi là làm từ thiện vì thương hiệu cá nhân cũng được, làm từ thiện âm thầm cũng không sai, làm từ thiện công khai cũng có cái hay, miễn sao giúp người là được.
- Bên cạnh làm từ thiện, Khoa còn mở những khóa học miễn phí cho các bạn trẻ về kinh doanh, khởi nghiệp?
- Tôi mở một câu lạc bộ nhỏ, thành viên là các bạn trẻ có mong muốn khởi nghiệp, có những tính cách và phẩm chất do chính tôi lựa chọn ra. Chúng tôi sinh hoạt hàng tuần. Ở đó, tôi là người hướng dẫn, nói cho các bạn cần làm gì, phải làm gì, làm ở đâu, làm như thế nào để bắt đầu sự nghiệp của mình. Tất nhiên ai lại thu tiền những cái đó.
Lớp học này hoạt động lâu rồi, có những bạn đã "tốt nghiệp", ra tự mở công ty, cửa hàng, hoặc đi làm rồi. Thu nhập cũng khá lắm. Chỉ cần lâu lâu nhắn tin: "Thầy ơi, em đang làm cái này, cái nọ". Vậy là vui rồi. Ngày đó còn trẻ, tôi cũng mong có một người nói cho mình nhưng điều như vậy. Các bạn trẻ ngày nay rất giỏi, chỉ cần có người dìu dắt đi đúng hướng là được.
- Vậy còn vị trí của anh ở Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ)?
Cũng như vậy thôi, tôi muốn được đầu tư cho những bạn trẻ, cho những kế hoạch kinh doanh khả thi. Thật ra so với dàn "Shark", tôi ít tuổi nhất, cũng ít kinh nghiệm nhất, còn phải học hỏi nhiều ở mọi người. Mà tham gia vào đây, chính Khoa lại biết thêm được nhiều thứ ở các bạn trẻ.
- Nếu chỉ có một ngày để hướng dẫn các bạn trẻ khởi nghiệp, Khoa sẽ nói với họ những gì?
- Đó là làm gì cũng phải quyết liệt, kiên trì và đam mê. Bản thân Khoa vừa thực tế, vừa tham vọng.
Cuộc đời không có cái đích nào không chạm được nếu như mình cố gắng. Quan trọng là bạn có đủ đam mê và quyết tâm hay không.
Với các bạn đang theo học với Khoa ở lớp khởi nghiệp, các bạn đang tham gia Shark Tank, hay với bất kỳ bạn trẻ nào đang ấp ủ ước mơ, tôi chỉ nói điều này: Ngày hôm nay mọi mặt Lê Đăng Khoa đều đang hơn các bạn, nếu muốn vượt tôi các bạn chỉ còn cách hoạt động hết công suất.
Tôi đọc sách 2 tiếng thì các bạn phải đọc 3 tiếng. Tôi gặp khách hàng 3 tiếng thì bạn phải gặp khách hàng 4 tiếng. Tôi làm việc 5 tiếng thì các bạn phải làm 6 tiếng.
Lê Đăng Khoa đang bỏ xa các bạn. Nếu chạy với tốc độ bằng tôi thì mãi mãi rơi lại phía sau. Nhưng nếu chạy tốc độ nhanh hơn thì chắc chắn sẽ đuổi được, và thậm chí còn vượt xa.
- Tại sao anh lại quyết định đầu tư vào bóng rổ, mà không phải là một môn thể thao hay một loại hình nào khác?
- Mọi chuyện tình cờ thôi. Tôi gật đầu ngay sau khi nghe một người chị thuyết phục và nói về bóng rổ. Tại sao lại đưa ra quyết định nhanh như vậy? Đơn giản vì thấy được tiềm năng của bóng rổ và những lợi ích của bóng rổ mang lại, đặc biệt là cho giới trẻ.
Ngày xưa cơ hội vận động của mình nhiều như thế nào. Vậy mà giờ đây, mọi người thử nhìn quanh mình xem, tuổi thơ của các em, các cháu là cái máy điện thoại, smartphone, laptop, iPad.
Nhiều khi cha mẹ ngồi nói chuyện, con cứ ôm cái điện thoại là xong. Tôi cũng bức xúc khi quan sát được nhưng làm gì được? Rồi tới ngày có cơ hội đầu tư bóng rổ thì thấy phải làm ngay. Người trẻ Việt Nam cần có thêm nhiều lựa chọn về hoạt động thể chất lành mạnh và bổ ích cho cuộc sống.
- Nhưng là một doanh nhân, chắc chắn phải có cơ sở nào đấy mới khiến anh đầu tư vào bóng rổ?
- Chắc chắn phải tiềm năng thì những nhà đầu tư mới đầu tư vào bóng rổ. Việt Nam mình là dân số trẻ, sức hút của bóng rổ, nếu thành công, sẽ trở thành một mô hình kinh doanh rất hấp dẫn vì chúng ta sẽ có nhiều doanh thu từ bán vé, tài trợ và sau này là phát sóng…
Chưa kể khi sở hữu một thương hiệu bóng rổ, có thể từ đó mở rộng ra nhiều mô hình kinh doanh như Training Camp, các trường đào tạo bóng rổ rồi Offline Station (nơi giao lưu giữa fan và cầu thủ bóng rổ). Ở nước ngoài, có rất nhiều mô hình kinh doanh đính kèm để có thể kết hợp với bóng rổ.
- Vậy tại sao anh lại đầu tư vào Đà Nẵng, với Danang Dragons chứ không phải một tỉnh, thành phố khác?
- Đối với tôi, Đà Nẵng là 1 thành phố rất trẻ, rất tiềm năng và đặc biệt hoạt động thể thao đại chúng ở Đà Nẵng chưa có nhiều. Ở TP.HCM, Hà Nội bạn có thể xem bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền… quá nhiều. Nhưng để trở thành điểm nhấn điểm thu hút thì không đơn giản.
Còn Đà Nẵng, nếu mình nhìn theo hướng tiêu cực chưa có phong trào, thể thao chưa mạnh thì sẽ không có tiềm năng. Nếu nhìn theo hướng tích cực, mọi thứ vẫn còn rất mới, người dân chưa có nhiều sự lựa chọn thì khả năng tỏa sáng của bộ môn bóng rổ là cao nhất.
- Anh đánh giá thế nào về tiềm năng của bóng rổ Việt Nam trong những năm tới?
- Rất tiềm năng! Việt Nam là một nước có dân số trẻ rất lớn. Bây giờ, rất nhiều gia đình dắt con đi xem bóng rổ. Có những em rất bé, 5 tuổi, 7 tuổi mà đã hô hào, đội nón, đeo khăn, cổ vũ… Đó là thứ mang cho tôi nhiệt huyết và sung sướng nhất.
Bóng rổ càng lúc càng nhân rộng ra đại chúng. Mà khi đã gieo được niềm đam mê cũng như sự gắn kết với nhiều người, từ những cô bé, cậu bé 7-8 tuổi đến với VBA thì sau này khi họ lớn lên, kể cả 14, 24, hay 34 tuổi cũng không cần phải lo nữa. Lượng fan bóng rổ càng lúc càng nhân lên mà thôi.
Nếu nói về khu vực thì bóng rổ Việt Nam cũng như bóng đá, là một đoạn đường rất dài và có nhiều bài toán cần giải. Việt Nam muốn vươn tầm thì Lào, Malaysia, Campuchia cũng muốn vươn tầm. Ai cũng nâng cấp cùng lúc chứ không có chuyện mình nâng cấp, họ nghỉ ngơi ngồi chơi xơi nước. Lúc đào tạo bóng rổ học đường, hay đào tạo chuyên nghiệp thì các nước đều làm như vậy.
- Dù vậy, sự thật là sau mùa VBA đầu tiên thi đấu rất khởi sắc, Danang Dragons lại có một mùa thi đấu không tốt. Anh có cảm giác vỡ mộng với bóng rổ không? Việc đội đang gặp khó khăn có ảnh hưởng gì tới chiến lược phát triển câu lạc bộ không? Và đầu tư vào thể thao khác gì đầu tư kinh doanh?
Thể thao là vậy, có thắng, có thua. Tôi hiểu và không sốc vì điều đó. Có gì bằng những cầu thủ đã từng chạm tới đỉnh vinh quang, nhưng cũng từng ngã xuống tận đáy thất bại. Và tôi đang sở hữu những chàng trai như vậy. Bóng rổ là một câu chuyện đường dài. Nếu muốn có lãi thì phải lâu lắm. Mong làm giàu vì ngành này chắc chắn không được. Câu lạc bộ của tôi vẫn có những bước tiến khác, với nhiều kế hoạch và dự định dài hơn. Hai năm qua, với một cúp vô địch chưa nói lên nhiều điều.
Đầu tư bóng rổ có lẽ cũng như đầu tư kinh doanh, rằng có nhiều sự bất ngờ, và luôn phải chuẩn bị cho việc ngã ngựa bất cứ lúc nào. Nhưng cho tới thời điểm này, sau nhiều năm trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tôi nghĩ mình sẽ gặp may mắn với trái bóng màu cam.
- Lê Đăng Khoa được mọi người gọi với cái tên "Soái ca khởi nghiệp". Anh nghĩ sao về cái tên này và có thích nó không?
- Thực tâm mà nói, tôi vẫn thấy cái danh xưng này hơi buồn cười. Thứ nhất, chữ khởi nghiệp là một chữ rất chung chung, còn soái ca thì đương nhiên mình chẳng phải. Nhưng truyền thông thì phải đặt một cái tên nào đó.
Khoa chưa bao giờ nghĩ đến cái tên này, vì quá bận, mở mắt ra nào là phân bón, nào là hoa, nào là bóng rổ.
Còn nếu được chọn, tôi muốn được gọi theo cái tên gần gũi, giản dị là “Doanh nhân Lê Đăng Khoa”.
- Đã 10 năm từ khi trở về nước, những gì người ta thấy ở Lê Đăng Khoa là kinh doanh, kinh doanh, và kinh doanh. Vậy anh làm gì để cân bằng và giải tỏa những áp lực trong công việc?
- Thực ra tôi cảm thấy mình rảnh hơn mọi người nghĩ. Nhiều người cho rằng Khoa sẽ luôn bận rộn, áp lực rồi stress. Nhưng thật ra thì với lịch làm việc thông thường thì ai cũng bận. Một nhân viên văn phòng đi làm 8-10 tiếng là bình thường.
Tôi luôn tìm được đam mê trong công việc cũng như trong đời sống cá nhân, chưa kể mỗi ngày đều dành 1 giờ để tập gym. Cứ 4 hoặc 5 giờ chiều là thời gian cho thể thao. Trừ khi đi công tác nước ngoài, còn khi ở trong nước, đúng giờ đó là đi tập, trời có sập cũng đi tập. Tập xong về làm việc tiếp đến 11h đêm cũng được.
- Đã bao giờ Khoa khóc trong quãng thời gian ấy chưa, và nếu khóc thì chia sẻ với ai?
Khoa có một tri kỷ, bạn già chơi từ năm cấp 2 cho tới ngày hôm nay, tuần nào cũng gặp nhau. Chúng tôi hay nói đùa rằng hai thằng bạn già có nhiệm vụ dõi theo cuộc đời của nhau.
Tôi nhìn bạn đi, bạn nhìn tôi đi. Nhìn nhau những lúc đi lên, những lúc đi nhanh, những lúc đi chậm. Tôi đi nhanh hơn mà thấy bạn đi chậm là tự động lôi đi, nhiều khi không thèm hỏi ý kiến. Dù một trong hai đứa có nói “thôi mệt quá, không đi nổi nữa”, nhưng bây giờ tôi đi rồi đó, tôi đưa bạn đi cùng.
Nếu để chia sẻ thì tìm đến ba mẹ, nhưng để trút tâm can thì phải cần một tri kỷ.
- Dường như Khoa có nhiều người bạn trong showbiz, như Hoa hậu Đặng Thu Thảo là ví dụ?
- Thảo thì có gì mà showbiz. Tôi coi con bé như em, biết con nhỏ từ ngày nó mới đăng quang, hiền ơi là hiền, lúc nào cũng một câu dạ, hai câu thưa. Ra ngoài, giới thiệu với ai, tôi chỉ nói: Đây là Thảo, em tôi. Vậy thôi, chứ khỏi nhắc tới Hoa hậu gì hết. Ngày nó cưới cũng vậy, cảm giác như mình gả đi một đứa em gái nhỏ trong nhà.
Tôi không có nhiều bạn làm giải trí đâu. Nếu có thì cũng là biết nhau từ thời nảo thời nào rồi.
- Vậy còn cuộc sống ngoài đời của Khoa thì sao? Khoa có hình mẫu bạn đời không?
- Bài toán cuộc đời thì để đời giải. Lê Đăng Khoa vẫn độc thân, chưa có người yêu. Nói 34 tuổi chưa từng có mối tình nào thì không ai tin, nhưng có lẽ duyên chưa tới. Hai người đến với nhau vì cảm xúc, nhưng để đi đoạn đường dài thì phải có sự hài hòa của nhiều yếu tố: thấu hiểu, kiên nhẫn, nhường nhịn, đồng điệu với nhau về tầm nhìn, cuộc sống cá nhân và rất nhiều chuyện khác.
Tình cảm là chuyện duyên số, và tôi không quá cố gắng. Công việc lí trí, tình yêu cảm xúc. Yêu đương bằng lí trí thì chán lắm, mà công việc bằng cảm xúc thì hơi mệt.
Ba mẹ tôi là những người suy nghĩ thoáng, sống thế nào cũng được, miễn vui là được. Khi hơn 20 tuổi, tôi rất trông đợi để có một mái ấm gia đình. "Gia hòa vạn sự hưng", và tôi luôn cảm giác mình cần một gia đình, một điểm tựa, để con đường đi vững chắc hơn. Nhưng giờ Khoa không còn ở thời điểm đó nữa. Có gia đình hay không thì mình cũng phải phụng sự xã hội, và hoàn thành vai trò của mình với mọi người.
- Nói vậy nghĩa là Lê Đăng Khoa chấp nhận cuộc sống độc thân và dành thời gian đóng góp cho xã hội?
- Cuộc đời đã cho Khoa đi đến ngày hôm nay với rất nhiều may mắn, thì đến lúc tôi phải cống hiến. Còn chuyện cá nhân có thể trọn vẹn thì là điều quá đẹp đẽ, còn nếu chưa được thì thực ra mình vẫn có quá nhiều niềm vui khác để cảm thấy cuộc sống của mình không còn gì để chê.
Cũng có những lúc cô đơn, nhưng đâu phải cứ không có gia đình, không có người yêu là cô đơn? Khoa thích có sự cô đơn, dành thời gian trong phòng nghe nhạc, uống ly rượu vang. Rất cô đơn nhưng rất thi vị.